Báo Công An Đà Nẵng

Những phận đời ở bệnh viện

Thứ ba, 02/04/2019 12:10

Những ngày vào bệnh viện chăm người thân, tôi chứng kiến nhiều phận đời đối nghịch. Có vào viện mới thấy ai đó nói rằng “vào viện để học cách yêu thương, biết yêu thương hơn” thật chẳng sai. Rồi chợt nghĩ, sống trong cuộc đời, sức khỏe, tình yêu thương, sự sẻ chia... thật quý giá biết dường nào! 

Tấm lòng hiếu thảo của người nhà bệnh nhân. 

1. Nhìn tướng tá cùng gương mặt có vẻ ... “ngầu ngầu”, tôi không nghĩ người đàn ông ấy lại chăm mẹ già hơn 80 tuổi bị tai biến, parkinson, loãng xương cùng một số bệnh khác khéo đến thế. Các động tác anh chăm sóc mẹ rất thuần thục, nhanh, gọn gàng. Chỉ sau vài ngày nhập viện, cả phòng bệnh 104 khoa Lão BV Đà Nẵng đều thống nhất tặng cho người đàn ông ấy danh hiệu “người con trai hiếu thảo!”. Mỗi lần thấy anh chăm chút tắm rửa, làm vệ sinh, cho mẹ ăn, những ai có mặt ở phòng bệnh đều thán phục và xúc động. Cụ ông nằm cạnh giường ba tôi năm nay 90 tuổi, quê Điện Tiến, Điện Bàn (Quảng Nam) nhận xét: “Đàn ông, con trai hiếm ai chăm mẹ chu đáo, tận tâm như vậy!”. Chẳng bận tâm đến những lời khen tặng ấy, anh lẳng lặng làm việc của mình. Người nhà anh cho biết mẹ anh bệnh gần 10 năm nay. Có lẽ, với khoảng thời gian dài như thế, anh đã học được cách chăm sóc mẹ sao cho hiệu quả nhất. Phòng bệnh toàn những bệnh nhân trên 70 tuổi, người chăm sóc cũng trạc tứ tuần trở lên, đa phần là phái yếu nên sức chẳng thể bằng nam nhi. Những lúc rảnh rỗi, thấy chị em nào đỡ người thân không nổi, anh đều chạy đến giúp sức, chẳng đợi nhờ vả. Anh kiệm lời, tôi cũng bận bịu nên chẳng tiện hỏi thăm. Chỉ thấy thật sự quý trọng người đàn ông hiếu thảo này. 

2. Không như những bệnh nhân ở phòng 104 được người nhà thay phiên nhau chăm sóc, bà Kiều Thị Xót (Liễu, 78 tuổi) quê thôn 1 Kỳ Hà (Chu Lai, Núi Thành, Quảng Nam) mắc bệnh loãng xương nặng, nằm một mình ở tầng 7, thi thoảng mới có người vào chăm. Hoàn cảnh bà kể nghe muốn rơi nước mắt. Bà không có con, sống với con trai nuôi trước đây làm nghề phụ xe nhưng do bị bệnh gan nên đã thôi việc. Kinh tế gia đình vì thế rất khó khăn. Vì không đủ tiền trang trải các khoản chi phí trong những ngày nằm viện nên những ngày gần xuất viện, bà lăn xe ra cổng bệnh viện làm quen rồi lấy lại vé số từ những người bán vé số dạo đem vào các phòng bệnh để bán. Bà ứa nước mắt kể: “Dòng họ Kiều nhà bà ai cũng khổ hết con ơi. Chị bà bị mù, may còn hưởng được chế độ liệt sĩ của chồng nên cũng đỡ khổ. Bà mắc bệnh loãng xương. Nghe nói, thuốc chữa bệnh này rất đắt, cần có 3 triệu đồng (không nằm trong danh mục bảo hiểm- P.V). Bà kiếm đâu ra đủ số tiền đó. Người biết chuyện thương, khuyên bà đi xin các phòng bệnh khác, nhưng làm thế thì... xấu hổ quá. Ai lại đi xin trong bệnh viện, nơi bệnh nhân cũng như người nhà đều có đủ thứ lo. Thôi thì chờ khi nào có tiền thì lại vào viện chuyền thuốc. Giờ thì bán vé số kiếm chút tiền lời để xuất viện về quê. Bán hết xấp vé số này, bà kiếm được 100.000 đồng”. Nhận số tiền biếu của tôi và một chị chăm nuôi bệnh nhân, bà ái ngại hỏi sao không nhận lại vé số, rồi ứa nước mắt, cảm ơn.  

3. Những phận đời như bà Xót tôi gặp trong những ngày vào viện chăm người thân không ít. Có người vào tận phòng bệnh xin tiền, lại có cụ ở một mình chỉ đến trưa, tối mới có người vào thăm nom. May mắn là đa phần những người này còn đi lại được. Có cụ bị lẫn, sau giờ bệnh viện làm thuốc lại mò mẫm đi dạo rồi lạc vào phòng bệnh khác, cứ lẩm bẩm: “Ủa! Giường của mình sao người khác nằm rồi?”. Lại có cụ sợ ở một mình, cứ sang phòng bệnh khác năn nỉ những người đi chăm bệnh sang phòng mình ngủ cho... vui! Ở bệnh viện lủi thủi nhưng khi nghe ai đó thắc mắc sao không thấy con cháu vào chăm, các cụ liền tìm cách nói đỡ ngay: “Hoàn cảnh khó khăn, bọn trẻ còn phải mưu sinh. Mình tuy ốm đau nhưng vẫn còn đi được, tự thân vận động để con cháu bớt lo”.  Nghe mà thương!

4. Trong những ngày chăm sóc người thân ở viện, tôi nghe và chứng kiến nhiều chuyện đời đối nghịch. Có những chuyện nếu được phép nêu tên, kể ra đây chắc chắn sẽ gây không ít sự xúc động. Bởi có người tuy không phải con ruột hoặc chỉ là chị em thôi nhưng bỏ cả công việc để vào viện túc trực chăm gần như cả ngày. Có người chỉ là hàng xóm, nhưng mỗi lần vào thăm lại nấu cháo mang vào. Bên cạnh những tấm lòng thơm thảo ấy, cũng có không ít chuyện buồn về cách đối nhân, xử thế, về sự thờ ơ, vô cảm, thiếu tình người. Một chị đi chăm bệnh tâm sự, vào viện mới thấy sức khỏe, tình thân gia đình cùng sự sẻ chia giữa người với người thật quý giá biết bao!

KHÁNH YÊN