Báo Công An Đà Nẵng

Những phận đời ở "Xóm vỡ nợ"

Thứ bảy, 27/10/2018 15:00

Vốn dĩ cũng yên bình như bao làng quê khác tại TX Điện Bàn (Quảng Nam), với mái đình cùng cây xà cừ cổ thụ tỏa bóng mát con đường làng... nhưng nay xóm Đình (thôn Bồ Mưng 2, xã Điện Thắng Bắc, TX Điện Bàn) lại có một tên khác là xóm... vỡ nợ!

Ngôi nhà bị bỏ hoang của bà  Nguyễn Thị L.

Vì sao xóm Đình phải mang một tên chẳng mấy đẹp đẽ như vậy? Theo tìm hiểu, câu chuyện bắt đầu từ việc làm ăn của những người phụ nữ hay lam, hay làm. Ngoài việc đồng áng, ai nấy đều có một công việc ổn định, người là chủ hiệu tạp hóa, người với quán bún nhỏ, quán nước cạnh đình làng... Dù thu nhập không cao các hộ trong xóm cũng đủ sống để nuôi dạy con cái ăn học, thành người. Thế nhưng, khi "vướng" vào chuyện bốc nóng, vay tín chấp... những người phụ nữ chân chất ngày nào trở thành... con nợ. Thậm chí, có người quá hoảng sợ phải bỏ nhà đi nơi khác sinh sống. Ngày 23-10-2018, làm việc cùng CAX  Điện Thắng Bắc, chúng tôi được Phó trưởng CAX Nguyễn Đức Cường cung cấp: Tại xóm Đình hiện có 5 người bị vỡ nợ do trót vay tín chấp với lãi suất cao và 2 người đã đi khỏi địa phương. Ông Nguyễn Lương Phương- Trưởng thôn Bồ Mưng 2, trao đổi: "Đen đủi" nhất là trường hợp chị Nguyễn Thị L. Cuộc sống đã vốn khó khăn nhưng lại càng khó khăn hơn khi người chồng đã sớm bỏ chị về với ông bà. Cơm cháo nuôi nhau, đứa con bé bỏng ngày nào cũng lớn khôn, đã bước vào giảng đường của một trường đại học lớn tại TP Đà Nẵng và chính quyền cùng các đoàn thể giúp đỡ xây dựng cho hai mẹ con ngôi nhà cấp 4 đủ để che mưa nắng. Song chỉ một phút cạn nghĩ trong lúc khó khăn, chị vay nóng 50 triệu đồng của những người xa lạ theo hình thức trả góp. Ban đầu với khoản thu từ quán mì nhỏ còn xoay xở được, càng về sau khó khăn chồng chất nhưng trước sự đe dọa của chủ nợ chị đành vay chỗ này trả cho chỗ khác nên số nợ cứ chất chồng. Khiếp sợ trước sự uy hiếp của chủ nợ, một ngày đầu năm 2018 chị đành rời quê... Trường hợp mẹ con bà Thái Thị L. và cô con dâu Nguyễn Thị M. cũng không kém phần bi đát. Chị Nguyễn Thị M. vay nóng gần 100 triệu đồng với lãi suất từ 15% đến 20% của tín dụng đen. Những tưởng với khoản tiền vừa vay sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho mình trong việc buôn bán. Nào ngờ, việc làm ăn gặp khó khăn cộng với lãi suất cao, hết chịu nổi sự khủng bố của chủ nợ chị M. cũng đành "dứt áo" rời xa gia đình nhỏ. Với bà L., dù chưa một lần bước chân ra khỏi làng nhưng khi nghe "2 cán bộ ngân hàng thương mại tại Đà Nẵng" đến tận nhà giới thiệu thủ tục vay tiền quá dễ dàng, không thế chấp tài sản trong thời hạn 3 năm (trả góp 2.542.000 đồng/tháng) nên đăng ký vay 50 triệu đồng lấy thêm vốn buôn bán. Không ngờ, trả được 9 tháng đầu tiên được gần 30 triệu đồng thì bà chịu hết nổi. Gần đây, ngân hàng thông báo số tiền bà Lợi nợ là hơn 65 triệu đồng. Dù đã bước sang tuổi 70, bị cụt cả hai tay, mù một mắt nhưng hàng ngày ông Nguyễn Đức L. (chồng bà L.) phải rong ruổi trên đường bằng chiếc xe đạp bán vé số kiếm tiền trả nợ.  Hoặc trường hợp bà Nguyễn Thị L. bán rau, bà Ngô Thị K. bán nước giải khát được các con chắt chiu từng đồng lương trả nợ thay mẹ nhưng hai người vẫn còn nợ một khoản tiền lớn của những kẻ cho vay nặng lãi nên thường xuyên bị kẻ xấu kéo đến nhà đe dọa, đánh đập. Cụ thể, đêm 30-9-2018, 2 đối tượng đến nhà bà K. lấy tiền nhưng không được nên có hành vi cố ý gây thương tích và hủy hoại tài sản. Vụ việc đang được CAX Điện Thắng Bắc phối hợp với CATX  Điện Bàn tiến hành điều tra, làm rõ.

Vợ chồng ông Nguyễn Đức L.- Nguyễn Thị L. trước giấy tờ vay nợ.

Ông Nguyễn Văn Chức- Bí thư Đảng ủy xã Điện Thắng Bắc trao đổi: Hiện tại, các cơ quan chức năng tại địa phương đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê... nhằm tránh việc phát sinh một xóm Đình thứ hai.

Theo chúng tôi, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng tín dụng đen "đổ bộ" về các vùng quê, ngoài việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để bắt giữ, xử lý..., các cơ quan chức năng cần tuyên truyền để người dân tự nêu cao tinh thần cảnh giác, tránh việc vay tiền của những kẻ xấu.

M.T