Báo Công An Đà Nẵng

Những phận người tị nạn Syria ở Lebanon, 10 năm sau cuộc nổi dậy

Thứ hai, 22/03/2021 11:50

Lebanon là nơi có dân số tị nạn Syria tính theo đầu người cao nhất trên thế giới, khi có đến 1,7 triệu người trú ẩn tại đây trong 10 năm qua, sau khi cuộc nổi dậy biến Syria rơi vào cuộc nội chiến đẫm máu từ năm 2011.

Khu trại tị nạn ở Lebanon của hơn 20.000 người Syria. Ảnh: Al Jazeera

Abdul Rehman là công nhân xây dựng người Syria. Anh 21 tuổi và có 2 đứa con. Trong suốt thời gian đến Lebanon, anh làm việc chăm chỉ mỗi ngày: sửa chữa, khôi phục một tòa nhà di sản bị phá hủy trong vụ nổ kinh hoàng vào ngày 4-8-2020 chấn động khắp thủ đô Beirut. Công việc của anh là dọn sạch các mảnh vỡ, chất nguyên liệu trên lưng và mang nó lên các tầng cao khác. Anh cạo sạch lớp sơn trên những bức tường bị hư hỏng và phủi bụi một cách tinh tế trên những bức tường được vẽ bằng tranh tường. Rehman làm việc theo ca, mỗi ca 10 giờ/ngày nhưng chỉ kiếm được 5 USD mỗi ngày, quá ít so với những gì anh cần để nuôi gia đình, đặc biệt là vào thời điểm giá các mặt hàng cơ bản tăng vọt. Rehman là một trong số hàng trăm công nhân Syria đang làm việc tại các công trình xây dựng lại Beirut sau vụ việc 2.750 tấn amoni nitrat phát nổ tại cảng của Beirut và gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều khu vực lân cận.

Tuy nhiên, anh cho biết, đối với những người Lebanon bản địa ở đây, y nói, anh giống như người vô hình. Họ không bao giờ nói chuyện  hay muốn giao tiếp với anh, ngoại trừ khi họ yêu cầu anh nâng một vật nặng nào đó. 10 năm trước, tháng 3-12-11, Syria bùng nổ ra các cuộc biểu tình và ngay sau đó là một cuộc nội chiến chết chóc đến nỗi hàng triệu người phải chạy trốn và trở thành người tị nạn trên khắp thế giới. Là một quốc gia láng giềng, Lebanon là bến đỗ đầu tiên và cuối cùng cho nhiều người tị nạn Syria. Đất nước này cũng là nơi có dân số tị nạn Syria tính theo đầu người cao nhất trên thế giới khi có đến 1,7 triệu người trú ẩn tại đây trong 10 năm qua.

Rehman là một trong số rất nhiều trẻ em thoát khỏi cuộc chiến Syria năm 2012. Anh phải bỏ học và lớn lên trong một trại tị nạn gần thủ đô Beirut. Anh cho biết, ngay cả khi đã học đại học, anh vẫn sẽ chỉ tìm được công việc lao động chân tay ở Lebanon, khi chính quyền sở tại chỉ cho phép người Syria được làm việc hợp pháp trong ba lĩnh vực, bao gồm cả xây dựng.  Những người tị nạn Syria như Rehman phải đối mặt với thái độ phân biệt đối xử có hệ thống ở Lebanon trong suốt những năm qua và phải vật lộn để kiếm sống. Và khi nền kinh tế của Lebanon sụp đổ vào năm ngoái, những người tị nạn Syria, vốn là những người dễ bị tổn thương nhất trong nước, đã bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Lao động trẻ em

Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc vào năm ngoái, 89% người tị nạn Syria sống dưới mức nghèo khổ, so với 55% vào năm 2019. 93% phải trả nợ để mua thức ăn, và một phần lớn khác không đủ ăn. Nhiều bé gái dưới 18 tuổi đã lấy chồng, cho con nghỉ học, gửi chúng đi làm hoặc thậm chí đi ăn xin trên đường phố.

Lisa Abou Khalid, người phát ngôn Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), nói với Al Jazeera: “Tỷ lệ trẻ em từ 5 đến 17 tuổi phải đi làm kiếm sống tăng gần gấp đôi, từ 2,6% vào năm 2019 lên 4,4% vào năm 2020. “Năm 2020, số cuộc gọi của những người tị nạn đến các trung tâm tổng đài trên toàn quốc của chúng tôi tăng mạnh. Trong đó, những người tị nạn phàn nàn rằng, họ không biết phải xoay xở thế nào nữa, làm sao để tồn tại”, Khalid nói thêm. Có một bi kịch đã được lặp đi lặp lại là nhiều người đang nghĩ đến việc tự sát.

Thêm một mối lo khác nữa là mặc dù những người tị nạn đang phải đối mặt thời điểm khó khăn nhất trong 10 năm qua, cộng đồng quốc tế cũng đang không còn nhiều quan tâm đến những số phận này. Fadi Hallisso, đồng sáng lập một tổ chức phi chính phủ có tên Basmeh và Zeitooneh hoạt động vì người tị nạn Syria, cho biết họ phải đối mặt với nhiều bất ổn ở Lebanon hơn bất cứ lúc nào trước đây. “Tôi thật sự yêu đất nước Lebanon nhưng vấn đề là không ai nhìn thấy sự đóng góp của công nhân Syria ngay cả khi họ đã làm tất cả những gì có thể để tái thiết thành phố sau vụ nổ. Đó là phản ứng tương tự như sau cuộc nội chiến Lebanon", chuyên gia Hallisso nói.

Al Jazeera dẫn lời Hallisso nói: "Các công nhân Syria cũng đã làm mọi công việc khó khăn nhất để tái thiết thành phố, nhưng họ không được người Lebanon đánh giá cao. Thay vào đó, người Lebanon nhìn thấy họ với vẻ nghi ngờ vì sự hiện diện của chế độ Syria ngay trước mắt". Ấn tượng về người Syria trong tâm trí người Lebanon đã bị nhuốm màu khi chính phủ Syria liên tục can thiệp vào các vấn đề của Lebanon kể từ cuộc nội chiến của Lebanon. Một số thường chỉ phân biệt chủng tộc chống lại người láng giềng nghèo hơn và bảo thủ hơn, trong khi những người khác đã tuyên bố nhắm vào các chính trị gia rằng, người Syria đã ăn cắp công việc của họ.

Hallisso cho biết, Lebanon một mặt không chỉ bác bỏ những đóng góp của người tị nạn Syria cho nền kinh tế - những người đã chi tiêu tất cả những gì họ kiếm được ở đây, mà thậm chí phân biệt đối xử và chỉ trích họ sau khi Lebanon rơi vào khủng hoảng kinh tế. “Hôm qua, một siêu thị đã yêu cầu người dân phải xuất trình thẻ căn cước Lebanon để mua gạo được trợ giá nhằm đảm bảo người Syria không lợi dụng tình hình để nhận trợ cấp", Hallisso cho biết và nói thêm: "Trong 2 tuần qua tại một số khu vực của Beirut, các siêu thị không cho phép người Syria mua các mặt hàng thực phẩm được trợ cấp".

Giá nhân công rẻ mạt

Paul Kousafi, một công dân Lebanon và là thợ mộc chính tại tòa nhà di sản mà Rehman đang làm việc, cho biết, anh thuê người Syria đục cửa ra vào và cửa sổ vì giá rẻ hơn một nửa so nhân công người Lebanon.

Ông cho biết, người Syria là lực lượng rất cần thiết cho nền kinh tế Lebanon nhưng khi cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ, căng thẳng giữa người tị nạn Lebanon và Syria càng trầm trọng hơn. “Người Lebanon không thể làm những gì người Syria đang làm và nhiều người lại đối xử tệ với những người tị nạn. Tôi không thích điều đó", Kousafi nói và nhấn mạnh: “Áp lực kinh tế đối với người Lebanon đang khiến họ có thái độ thù địch hơn đối với người tị nạn".

Rehman và những người đồng hương thật sự đang bị mắc kẹt nghiêm trọng. Nhà của anh ở Deir Az Zor đã bị phá hủy và tình hình kinh tế ở Syria còn tồi tệ hơn Lebanon. 10 năm sau cuộc xung đột, anh vẫn không thể trở lại Syria vì lo ngại về an ninh. Nhưng ở lại Lebanon, anh ngày càng khó kiếm được một cuộc sống đủ ăn trong khi ngày càng bị kỳ thị.

Khả Anh