Báo Công An Đà Nẵng

Những phận trẻ bỏ rơi (Kỳ 1: Những đứa trẻ không được thừa nhận)

Thứ bảy, 27/06/2020 17:27

Con cái chính là tài sản lớn nhất của mỗi gia đình, có biết bao nhiêu cặp vợ chồng đi khắp nơi chỉ mong mỏi có được mụn con để yêu thương sớm tối. Thế nhưng có những đứa trẻ ngay khi còn trong bụng mẹ đã bị cha chối từ, đến khi vừa lọt lòng thì người mẹ cũng đành đoạn bỏ rơi.​

Những đứa trẻ vô tư vui đùa cùng nhau dưới một mái nhà chung.

Nắng dần dịu nhẹ, lũ trẻ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội lại   cùng nhau vui đùa trên chiếc xích đu gỗ dưới tán lá cây xoài. Đó là khung cảnh thanh bình mỗi buổi chiều của chúng. 14 đứa trẻ được nuôi dưỡng tại trung tâm đều là trẻ mồ côi và đây là mái ấm mà các em được yêu thương, chăm sóc và hơn hết là được cảm nhận tình cảm gia đình. Tại Trung tâm hơn một nửa là trẻ nằm liệt một chỗ do bệnh não úng thủy, số còn lại đều bị khuyết tật, bị down và các bệnh lý bẩm sinh khác.

Lật giở từng tập hồ sơ, lưu lại tỉ mỉ từng cảnh ngộ của các em, giám đốc Hệ Thị Thanh Hương khẽ dừng lại nói về bé gái được trung tâm đặt tên Bảo An. Năm 2017, bé bị bỏ rơi tại cổng chùa Quang Châu khi đã được 6 tháng tuổi. Theo như hồ sơ lưu lại, khoảng 3 giờ 30 sáng sư cô trụ trì chùa Quang Châu thức dậy thì nghe tiếng khóc của đứa trẻ ngay hiên nhà chùa. Trời hửng sáng sư cô báo ngay cho chính quyền địa phương và Trung tâm bảo trợ xuống tiếp nhận. Đứa trẻ nhỏ xíu, đỏ hỏn, khuôn mặt nhợt nhạt và có triệu chứng down khiến các cô đón về đều xót xa. Sau khi đưa về trung tâm khám tổng quát, Bảo An phát hiện thêm bệnh tim bẩm sinh cần can thiệp phẫu thuật để giữ tính mạng. Bé được đưa chữa trị tại Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng nguy kịch với tiên lượng xấu, ngay lập tức An được chuyển ra Bệnh viện Trung ương Huế để tiến hành phẫu thuật. Như một phép mầu diệu kỳ, Bảo An đã vượt qua được mọi đau đớn và hồi phục nhanh chóng, khỏe mạnh và được các cô nhận xét là lanh lợi, hiểu biết nhanh hơn những đứa trẻ down khác. Con bé đứng trong nôi, đưa đôi mắt ngây dại, bập bẹ vài tiếng cô, An đưa tay ra hiệu muốn được bế. Ôm lấy An vào lòng, bà Thanh Hương liền nhận được nụ hôn ngọt ngào từ cô bé 3 tuổi ấy.

An tiến lại gần nắm tay cậu em út của trung tâm cùng chơi đùa. Thằng bé chỉ hơn 1 tuổi, gương mặt kháu khỉnh, nước da trắng bóc vào trung tâm đầu năm 2019. Nhớ lại ngày đón bé Đạt về, giám đốc Hệ Thị Thanh Hương không khỏi xúc động. Ngày phát hiện, bé được đặt trong chiếc giỏ màu xanh tại số nhà 155 Nguyễn Tất Thành (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) còn chưa được cắt dây rốn, sức khỏe yếu. Đưa về trung tâm đến tháng thứ 4, Đạt có biểu hiện đầu sưng to cũng trải qua ca phẫu thuật não bộ tại Bệnh viện Trung ương Huế. Đến nay sức khỏe của Đạt đã dần ổn định và đã chạy nhảy, vui chơi bình thường. Tuy những đứa trẻ khi đưa vào trung tâm đều có những căn bệnh tiềm ẩn nhưng các cô, các mẹ đều hết lòng chăm sóc, chữa trị bằng cả tấm lòng để mang đến tương lai tươi sáng cho các em.

Những mảnh đời kém may mắn như An và Đạt nhiều lắm, vừa lọt lòng mẹ đã mồ côi. Cách đây hơn 2 tuần, Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi Chữ thập đỏ vừa tiếp nhận bé gái bị bỏ rơi tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng. Hoàn cảnh em càng đau lòng hơn. Em gái bé nhỏ được mang tên Yến Nhi sinh ra đã không có hậu môn, mắc chứng bệnh down thêm căn bệnh viêm gan B, đó có phải là lý do mà cha mẹ em chối bỏ đứa con mang nặng 9 tháng 10 ngày hay không? Không một ai biết được lý do là gì chỉ thấy rằng đứa trẻ khóc khát sữa, khóc vì muốn dỗ dành nhưng không có một ai bên cạnh vỗ về. Ngày làm thủ tục đón em, cô Trần Thị Nhì – giám đốc Trung tâm rất lo lắng phải làm thế nào để chăm sóc, nuôi nấng bé khỏe mạnh. Con bé nặng vỏn vẹn 5kg luôn phải mang bên mình chiếc túi thải đã được phẫu thuật đặt ống thông qua đường ruột thay cho hậu môn. Không khóc cũng không quấy, đôi mắt mở to nhìn mọi người, miệng tù tì bú nhanh gọn bình sữa. “Mỗi đứa trẻ vào trung tâm mang một thân phận mồ côi khác nhau nhưng dù là lý do nào đi chăng nữa thì chối bỏ đứa con đứt ruột đẻ ra là hành động đáng lên án”, cô Trần Thị Nhì chia sẻ.

Trong số những bé sơ sinh vừa được nhận về nuôi, có những em đã ở trung tâm được 9 năm. Trường hợp em T. (2011), trung tâm nhận về khi còn đỏ hỏn, bị bỏ rơi tại nhà người dân khu vực phường Hòa Minh cũng rất đáng thương. Khi được đưa thông tin lên truyền hình tìm gia đình thì có người phụ nữ gửi thư về trung tâm nhận là mẹ của bé. Trong thư cô gái trẻ nói về cái thai ngoài ý muốn ở tuổi đời còn trẻ, hoàn cảnh thiếu thốn khiến người mẹ trẻ không đủ khả năng để giữ lại đứa con bên mình. Người mẹ giữ liên lạc được thời gian thì bỏ đi nơi khác sống. Trung tâm tìm được cha ruột nhưng đau lòng hơn người cha không nhận vì đã có gia đình riêng cùng đứa con 3 tuổi. Tuy tìm được cha mẹ nhưng hạnh phúc về một mái ấm gia đình được đấng sinh thành quan tâm, thương yêu, chăm sóc cũng đành bỏ ngỏ với em T. Cậu bé lanh lợi nay đã học lớp 3, cũng rất hiếm khi hỏi về cha mẹ mình nhưng đằng sau trong tâm hồn của mỗi đứa trẻ ấy đều khao khát về hai tiếng “Gia đình”.

Cây có cội, nước có nguồn và con trẻ cũng vậy. Những đứa trẻ dù không được bố mẹ nuôi dưỡng, nhưng chúng rất cần một mái ấm tình thương.

(còn nữa)

DIỆU HUYỀN