Báo Công An Đà Nẵng

Những phụ nữ kể Khan

Thứ tư, 23/04/2014 11:20

(Cadn.com.vn) - Nói đến những đêm kể Khan dài bất tận bên ánh lửa huyền bí cùng với ché rượu cần, người ta dễ liên tưởng đến những nghệ nhân nam có chất giọng trầm hùng, khỏe khoắn, đậm chất núi rừng Tây Nguyên. Ít ai ngờ rằng, những người phụ nữ quanh năm tất bật với việc nương rẫy, gia đình cũng đam mê với những đêm Khan của buôn làng.

Chị Hmluk Ayun đam mê cả những bài Khan và mùa cà-phê chín đỏ.

Xã Ea Tul (H. Cư M'gar, Đắc Lắc) có hơn 98% là đồng bào dân tộc thiểu số- cũng được xem là cái nôi chứa đựng nhiều nét văn hóa, phong tục, tập quán truyền thống của người Ê Đê như kể Khan, hay những làn điệu aray mượt mà, sâu lắng; hoặc nghề dệt thổ cẩm; lễ cúng bến nước... Riêng về kể Khan, hiện ở Ea Tul vẫn còn những nghệ nhân gạo cội được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến, từng góp phần đưa thể loại này đi trình diễn ở các lễ hội truyền thống trên phạm vi cả nước như nghệ nhân Y Wang Hwing, Y Đhin Niê.

Đó là các nghệ nhân Khan nam, còn nghệ nhân Khan nữ ít được biết đến, bởi họ ít xuất hiện ở những lễ hội lớn của buôn làng. Theo ý kiến một cán bộ chuyên trách về văn hóa ở xã Ea Tul, hiện toàn xã có khoảng 30 người biết kể Khan, nhưng người kể Khan là phụ nữ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong một chuyến công tác vào dịp cuối năm, theo chân anh cán bộ văn hóa xã, tôi may mắn gặp được 2 nghệ nhân Khan nữ của xã Ea Tul là chị Hru Kdoh và chị Hmluk Ayun. Trong khi trò chuyện, chị Hmluk Ayun cho biết: Chị được nghe kể Khan từ nhỏ, nhưng bắt đầu từ năm lên 10 chị mới cảm nhận mơ hồ về thể loại này. Cũng như nhiều đứa trẻ khác của buôn Hra A, hễ có lễ hội nào của buôn, chị lại theo các già làng để được nghe kể Khan.

Có những đêm nghe quên cả giờ về, bị Amí (mẹ), Ama (cha) la mắng nhưng vẫn không bỏ được niềm đam mê đã ăn sâu vào máu thịt. Trong gia đình chị không có ai biết kể Khan, chỉ mỗi mình chị biết do học lỏm qua già làng, qua những đêm Khan của các nghệ nhân. Rồi cứ thế, nghe mãi thành quen, dẫu không hề biết lấy nửa chữ, kể cả phổ thông cũng như chữ của người dân bản địa, nhưng chị cũng thuộc được một số bài Khan quen thuộc. Trong đó, bài nàng Hnhúi và chàng Dam khú là chị thích nhất.

Bài Khan “Nàng Hnhúi” kể về cuộc đời tủi nhục nhưng cũng đầy vinh quang của một cô gái trẻ. Hnhúi sinh ra trong một gia đình nghèo khó, cha mẹ nàng bị tù trưởng trong buôn giết hại, nàng phải sống với bà nội. Cảm thương số phận của Hnhúi, Giàng (Trời) đã đem nàng về nuôi nấng. Lớn lên Hnhúi là một cô gái xinh đẹp, chăm chỉ làm lụng, được nhiều người yêu mến và trở thành con dâu của Giàng. Sau nhiều năm sinh sống trên trời, 2 vợ chồng Hnhúi quyết định xuống trần gian trả thù cho cha mẹ, rồi sống cuộc sống bình yên với người dân buôn làng, nuôi con cái khôn lớn, cùng xây dựng quê hương giàu đẹp.

Chị Hmluk không thành thạo tiếng Kinh, tất cả các bài Khan chị thuộc đều bằng tiếng Ê Đê. Những bài Khan chị kể, có bài chỉ khoảng 15 phút, nhưng cũng có bài phải kể 2 đêm mới hết. Với những bài Khan dài, chỉ khi nào có đoàn khách du lịch hay một tổ chức nào đó yêu cầu thì chị mới tham gia kể, còn lại Khan ngắn thường kể cho các con nghe hoặc cho bà con những lúc nghỉ trưa trên nương rẫy.

May mắn hơn chị Hmluk, chị Hru Niê lớn lên trong một gia đình có cả bố và mẹ là những nghệ nhân kể Khan của buôn Phơng. Được nghe Amí, Ama kể Khan từ nhỏ nên đối với chị đó là một món ăn tinh thần không thể thiếu. Hồi còn nhỏ, mỗi lần gia đình tụ họp trong chái bếp, chị chăm chỉ nghe từng câu, từng chữ trong bài Khan của Amí, lớn lên một chút theo Amí, Ama lên rẫy, chị cũng tranh thủ những giờ nghỉ trưa để được nghe Khan. Từng mùa rẫy đi qua, vốn hiểu biết của chị về Khan cũng ngày một dày thêm và niềm đam mê của chị với thể loại này càng trở nên mãnh liệt.

Chị có thể kể Khan mọi lúc mọi nơi, miễn là có người nghe chị kể. Những lời kể Khan của chị Hru lên bổng xuống trầm nhất là khi bộ ba gồm chị cùng một người ở buôn và Amí ngồi lại với nhau cùng kể Khan. Chị cho biết, những lúc ấy, người này mệt sẽ có người kia tiếp lời, cứ thế như một vòng xoay đồng hồ, bài Khan trở nên liền mạch, không bị gián đoạn. Hay mỗi lần có đoàn khách du lịch hoặc đoàn làm phim ghé thăm buôn, yêu cầu các nghệ nhân có mặt để kể Khan, hát aray là chị vui lắm. Lòng rộn ràng như hội, chị lại sắm sửa áo váy chỉnh tề của cô gái Ê Đê để được trổ tài trước ánh mắt tò mò, thích thú của du khách và người dân buôn làng.

Rồi mỗi đêm, trước khi đi ngủ chị cũng kể một, hai bài Khan ngắn cho thằng con út nghe. Chị rất vui mừng bởi vợ chồng chị có 4 người con, nhưng chỉ có đứa út là thích nghe mẹ kể Khan, chị xem đó là niềm động viên đối với chính mình, vì ít ra trong số những người con của chị cũng có đứa mê Khan. Dù đó chỉ là chút hy vọng mong manh với thể loại này, nhưng chị vẫn cần mẫn cố gắng bồi đắp cho con để kể Khan không bị mai một.

Chị tâm sự: Ama (là nghệ nhân Y Ơm Niê) đã mất cách đây 2 năm, giờ trong gia đình chỉ còn Amí và chị biết kể Khan. Mất đi một người truyền đạt cũng giống như mất đi một kho tàng sống về kể Khan. Trong khi đó, Amí ngày một già, tâm lý tuổi già ngại giao lưu với bên ngoài, nên những tiếng Khan của Amí cũng dần dần đi vào quên lãng. Quả đúng như lời chị Hru nói, khi chúng tôi tiếp chuyện với Amí của chị, thấy bà vẫn nói chuyện vồn vã, ân cần, nhưng khi yêu cầu kể Khan thì bà lại né tránh.

Tạm biệt Ea Tul, tạm biệt những nếp nhà dài và những giọng Khan nữ buôn Phơng, buôn Hra, trong tôi vẫn khắc ghi câu nói rất chân tình, nhưng cũng chứa đựng nỗi trăn trở, day dứt của anh Y Thok Niê, cán bộ văn hóa xã Ea Tul: Những nghệ nhân kể Khan tên tuổi rồi cũng rời xa buôn làng để về với đất; trong khi những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi không còn mấy mặn mà với nét văn hóa truyền thống của người dân bản địa nữa... Mai này, kể Khan sẽ đi về đâu?

Hoàng Tuyết