Những phút trải lòng của nhà văn Chu Lai
(Cadn.com.vn) - Tại buổi giao lưu với nhà văn Chu Lai về chủ đề: “Phụ nữ, tình yêu-đời thường và trận mạc” do Hội Nữ trí thức thành phố Đà Nẵng tổ chức trung tuần tháng 1 vừa qua, nhà văn Chu Lai thú nhận, ông là người duy mỹ, tôn sùng cái đẹp. Với ông, phụ nữ là nguồn cảm hứng bất tận trong quá trình sáng tác của mình. Qua lăng kính-góc nhìn của Chu Lai, phụ nữ là... “đêm hôm, là tăm tối, là thăm thẳm, là bí hiểm không cùng, đủ để khiến cho cánh đàn ông chống gậy lọc cọc, lọ mọ đi tìm suốt đời nhưng không bao giờ tìm được”...
Ngay trong lời đầu của buổi trò chuyện, giao lưu, tác giả của những tác phẩm nổi tiếng một thời như “Ăn mày dĩ vãng”, “Phố”, “Gió không thổi từ biển”, “Nhà lao Cây Dừa”..., xin phép được đội mũ trong khán phòng. Theo Chu Lai, ở Việt Nam, có 2 “lão văn nghệ sĩ dở hơi” bởi chỗ nào cũng đội mũ đó là ông và nhạc sĩ Nguyễn Cường. Ông dí dỏm “bật mí” lý do “thích” đội mũ của mình: “Anh Nguyễn Cường đội mũ để che cái đầu quá xấu của anh ấy (cười!?), còn tôi đội mũ vì lý do... để che đi mái tóc quá đẹp của tôi!”. Chu Lai cho rằng, hình như, ông là sĩ quan duy nhất trong quân đội được phép để tóc xù xì và để ria: “Trong một trận đánh Mỹ, tôi bị thương và để lại một vết sẹo hồng nhạt ở môi trên. Mỗi khi nắng lên là nó lại “nhấp nháy” như chuẩn bị tỏ tình với ai đó, trông rất vô duyên. Thế nên, tôi buộc để râu... để che sự vô duyên đó!”.
Nhà văn cho biết, Chu Lai không phải là bút danh. Tên khai sinh của ông là Chu Ất Lai, khi đi học được đổi thành Chu Văn Lai, đến lúc đi bộ đội thì đổi thành Chu Lai để nếu có... báo tử thì không lẫn với ai. Nhà văn đại tá quân đội này thú nhận, hình như, số phận của ông gắn liền với phụ nữ, sinh ra là để viết về phụ nữ, suốt đời viết về phụ nữ. Thế nên, trong các tác phẩm của ông, phụ nữ luôn là nhân vật trung tâm. Với ông, phụ nữ là một phạm trù mênh mang, xa thẳm, là cái đẹp luôn luôn “chấp chới” ở phía trước, biểu tượng của cứu rỗi loài người, khó nắm bắt, khó hiểu và sẽ không bao giờ hiểu được. Nếu ngày nào đó, hiểu hết về phụ nữ, ông sẽ... gác bút. Cũng theo nhà văn Chu Lai, chiến tranh không có khuôn mặt đàn bà, nhưng chiến tranh ở Việt Nam luôn có quá nhiều gương mặt phụ nữ. Và người phụ nữ nói chung, người phụ nữ Việt Nam nói riêng luôn là điểm tựa tinh thần, chỗ dựa tâm linh để dân tộc bươn chải, vượt qua tất cả các mốc lịch sử cam go, khốc liệt nhất...
Nhà văn Chu Lai tại buổi giao lưu: “Phụ nữ, tình yêu- Đời thường và trận mạc”. Ảnh: P.T |
Trước khi trở thành người lính rồi là nhà văn quân đội tiếng tăm, ông từng 2 lần rời bỏ giảng đường đại học, từng là diễn viên của Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị. Với lối nói chuyện có duyên cùng cách sử dụng ngôn từ sắc sảo, độc đáo, đôi khi hơi... bạo ngôn và hoa ngôn pha chút... kịch tính của ông khiến không khí buổi nói chuyện khá thú vị. Chu Lai quả là người biết cách pha trò, biết cách “buộc” người khác phải lắng nghe mình nói, dù có thể điều đó họ đã biết, từng nghe hoặc nghe đi, nghe lại nhiều lần... Thông qua sự hồi nhớ về những năm tháng chiến tranh đau thương, khốc liệt mà nhà văn cùng đồng đội đã trải qua, tôi hiểu vì sao chiến tranh luôn ám ảnh ông qua từng trang viết. Trong đó, nỗi ám ảnh lớn nhất chính là hình ảnh người phụ nữ, đặc biệt là những người mẹ Việt Nam.
Sự hy sinh, sự chịu đựng của các mẹ đã trở thành huyền thoại. Theo Chu Lai, những bà mẹ VNAH tuổi càng cao, càng nhiều nếp nhăn lại càng đẹp hơn. Hình như, các mẹ sống thay phần cho các con đã anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc. Ngày đêm khôn nguôi nhớ về những đứa con đã nằm xuống âm thầm dưới lòng đất mẹ, nỗi đau đã đến tận cùng nên không còn biết đau là gì nữa, vậy nhưng, tấm lòng các bà mẹ Việt Nam luôn bao dung, sẵn sàng thứ tha... Khi được hỏi vì sao kết thúc trong các tác phẩm của ông thường buồn, đặc biệt là nhân vật nữ bao giờ cũng... phải chết, Chu Lai cho biết, bởi hầu hết các nhân vật trong các tác phẩm của ông đều đi qua chiến tranh nên sự hy sinh là phổ biến... Cũng theo ông, kết buồn hay kết vui là cái “tạng” của tác giả...
Không hiểu sao, khi nghe nhà văn trải lòng, trong tôi lại có suy nghĩ, có lẽ, nỗi buồn chiến tranh đã ám ảnh khiến ông luôn sống trong tâm thức “ăn mày dĩ vãng”. Ngay cả trong những tác phẩm viết về cuộc sống đời thường hôm nay, nỗi ám ảnh ấy vẫn túc trực. Và tôi tin, nhà văn Chu Lai sẽ còn tiếp tục “ăn mày dĩ vãng”, bởi dĩ vãng ấy gắn liền với kỷ niệm không thể nào quên, không được phép quên. Ở đó, ông cùng đồng đội sống chết để giành lấy từng tấc đất, chiến hào; là nơi ông chứng kiến biết bao hình ảnh bi hùng, cao đẹp nhưng cũng rất đỗi đời thường của quân và dân Việt Nam... Với Chu Lai, tình yêu trong chiến tranh bao giờ cũng đẹp và rất thật. Chính vì cái đẹp mong manh nhưng khó vỡ ấy là nguồn lực động viên, thôi thúc, giúp người lính vững vàng tay súng xông lên phía trước... Người lính trong chiến tranh và người lính trong hòa bình đều có chung một mẫu số. Sự hy sinh của người lính hôm nay cũng không kém ngày hôm qua...
Cũng theo ông, lòng yêu nước không là “độc quyền” của riêng ai, lại càng không là “độc quyền” của một thế hệ nào. Thế hệ hôm qua, hôm nay hay thế hệ mai sau đều có cách thể hiện lòng yêu nước theo cách riêng của mình. Nhưng các thế hệ đều có chung “một hạt kim cương trong trái tim” đó là lòng tự trọng. Với lòng tự trọng đó thì tới đây, biển Đông có dậy sóng đi chăng nữa, có một ai đó, một thế lực nào đó động chạm đến “bàn thờ ông bà, động chạm đến phẩm hạnh của non sông thì thế hệ hôm nay, ngay trong thời bình, cũng biết hành binh ra trận đẹp như thế hệ hôm qua. Nó sẽ nhấn chìm mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù"...
Khi một SV hỏi nhà văn nghĩ gì về yếu tố sex đang tràn ngập trong các bộ phim Việt Nam, Chu Lai thừa nhận, trong đời sống hiện nay, nhất là khi thế giới mạng đang lên ngôi, để “nuôi sống lẫn nhau”, một số nhà làm phim đã buộc phải làm những bộ phim thị trường lấy yếu tố sex “vô lối”, sex “tứ tung” để câu khách. Tuy nhiên, nhà văn tin tưởng: “...Tôi tin văn hóa dân tộc và trình độ dân trí sẽ tạo nên bộ lọc cho mỗi tâm hồn của con người, giúp họ biết chọn lọc để dần dần loại bỏ những ấn phẩm độc hại, không thuộc về thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam”. Với Chu Lai, phụ nữ miền Trung có vẻ đẹp mặn mà và rất chân thật... Mà với nhà văn, cái gì chân thật thì ông luôn yêu và mãi mãi yêu!
Phan Thủy