Báo Công An Đà Nẵng

Những “quả đắng” khi hợp tác đầu tư nông nghiệp

Thứ sáu, 18/08/2017 09:49

Chưa bao giờ người nông dân ở một số xã thuộc 2 huyện Chư Sê và Chư Pưh (Gia Lai) rơi vào cảnh khốn khó như lúc này. Sau những lời hứa ngọt ngào cùng việc ký hợp đồng cung cấp giống, phân bón, bao tiêu sản phẩm của các Cty, người nông dân đã bỏ ra vài trăm triệu đến cả tỷ đồng để đầu tư. Thế nhưng, giờ đây đầu ra sản phẩm bế tắc, người nông dân thiệt đơn, thiệt kép.

Người dân phá bỏ vườn chanh dây không cho quả.

Khi doanh nghiệp... “lặn mất tăm”

Những hộ nông dân ở xã Ia Glai (H. Chư Sê) chưa hết lo lắng, thất thu hàng tỷ đồng khi ký kết hợp đồng đầu tư nông nghiệp. Hàng trăm tấn bí xanh họ trồng ra không có người mua. Phía đơn vị Cty ký hợp đồng đầu tư giống, bao tiêu sản phẩm thì như “bóng chim, tăm cá”. Chị Nguyễn Thị Hoa, người dân xã Ia Glai cho biết: “Cty CP Phú An Khang Tây Nguyên có địa chỉ hoạt động tại TP Pleiku (Gia Lai) xuống ký hợp đồng Hợp tác đầu tư sản xuất và thu mua quả bí xanh giống Đài Loan  với chúng tôi. Công ty đầu tư giống với giá 7 triệu ha, cho nợ 50% tiền phân bón, cam kết bao tiêu sản phẩm với giá 5.000 đồng/kg. Thời điểm này đã đến vụ thu hoạch. Chúng tôi gọi điện cho giám đốc thì không liên lạc được. Tìm đến trụ sở thì công ty cũng không còn hoạt động”, chị Hoa nói. Không chỉ chị Hoa, còn hàng chục hộ nông dân khác đã ký hợp đồng với khoảng hơn 20ha, tuy nhiên khi đến lúc thu hoạch vẫn không thể tìm được đầu ra. Người nông dân thiệt đơn, thiệt kép khi đầu tư giống, phân bón rồi đổ công, tiền của vào chăm sóc nhưng số tiền thu về chẳng đáng là bao. Nhiều gia đình đành bỏ mặc hàng tấn bí đến kỳ thu hoạch nằm lăn lóc ngoài vườn thối rữa.

Bài học trên chưa kịp để người nông dân rút kinh nghiệm cho mình thì ngay sau đó, người dân ở xã Ia Blứ (H. Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) nhận “quả đắng” khi cũng ký kết hợp tác sản xuất về cây chanh dây. Thế nhưng, quá thời gian chanh dây cho quả vài tháng nhưng người dân thu về chỉ toàn... lá. Ông Trần Đình Sơn và một số hộ dân tại thôn Thiên An (xã Ia Blứ) cho biết: Đầu năm 2016 cây chanh dây “gây sốt” với người nông dân khi giá cao ngất ngưởng thì Cty TNHH Tuấn Đại An (38- Lý Nam Đế, TP Pleiku, Gia Lai) đã xuống gặp người nông dân ở đây để quảng cáo về giống chanh dây mới. Theo giới thiệu thì giống chanh dây của Cty được ươm từ hạt, không phải giống ghép truyền thống, chống chịu sâu bệnh tốt, cho năng suất cao. Nhằm tạo sự tin tưởng của người dân khi mua giống từ phía Cty cung cấp, đơn vị này đã tiến hành ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho tất cả hộ dân trồng giống chanh dây của Cty. Đồng thời, phía công ty hỗ trợ cho người dân nợ 50% tiền giống, phân bón nhưng với điều kiện sẽ trừ sau khi người dân thu hoạch chanh dây. Bên cạnh đó, phía Cty cam kết khi cây xuống giống mà trong vòng 4 tháng không thấy đậu bông thì phía Cty có trách nhiệm thay thế giống cây chanh dây khác cho dân.

Hơn 60 hộ dân đã ký hợp đồng bỏ tiền mua giống rồi đầu tư cả hàng trăm triệu đồng xuống giống chờ ngày thu hoạch. Oái oăm thay, hơn 8 tháng chăm sóc, chanh dây vẫn chỉ cho... dây và lá. Người dân tìm mọi cách liên lạc để yêu cầu phía Cty cam kết như hợp đồng tuy nhiên đơn vị này chỉ cử người xuống 1 lần duy nhất rồi “lặn mất tăm”. Sau đó thì tất cả các số điện thoại từng dùng để liên lạc đều “nằm ngoài vùng phủ sóng”. Từ phản ánh của người dân, chúng tôi đến địa chỉ ghi trong hợp đồng của Cty TNHH Tuấn Đại An tại 38- Lý Nam Đến, TP Pleiku. Tuy nhiên, trụ sở chỉ là một ki-ốt được thuê lại đã khóa trái cửa, phía ngoài vẫn còn treo bảng hiệu Cty TNHH Tuấn Đại An nhưng chỉ kinh doanh “vận chuyển hàng hóa” chứ không hề có một dòng giới thiệu nào về việc cung cấp cây giống. Theo người chủ cho thuê thì Cty đã đóng cửa từ nhiều tháng nay không thấy ra vào.

Trụ sở Cty TNHH Tuấn Đại An - đơn vị ký hợp đồng cung cấp giống, phân bón
cho người dân đóng cửa im ỉm bấy lâu nay và chỉ là Cty vận chuyển hàng hóa.

Phải điều tra làm rõ các vụ việc

Qua tìm hiểu của P.V, đa phần những hợp đồng ký kết hợp tác đầu tư sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa người dân với Cty đều do 2 bên tự đặt bút ký với nhau. Tuy nhiên, người dân chỉ nghe tiếng là Cty chứ không thực sự biết rõ được Cty này hoạt động ra sao, tư cách pháp nhân như thế nào. Dù điều khoản trong tờ giấy hợp đồng có lợi cho người dân như cam kết nhưng việc thực hiện hay không thì việc của... doanh nghiệp. Thế nên, chỉ đến khi nhận “quả đắng”, người dân tìm đến địa chỉ Cty thì mới hỡi ôi khác với những lời “có cánh” về một Cty hoành tráng như lời giới thiệu ban đầu. Chưa kể, có dấu hiệu lừa đảo người dân nhằm trục lợi.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Công văn số 3068 chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, làm rõ thông tin về hành vi lừa đảo trên địa bàn 2 huyện Chư Sê, Chư Pưh liên quan đến việc ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư sản xuất, tiêu thụ nông sản trên. UBND tỉnh yêu cầu CA tỉnh Gia Lai tiếp tục xác minh, làm rõ vụ việc nêu trên và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, CA tỉnh chỉ đạo lực lượng Công an các huyện, thị xã, thành phố chủ động nắm tình hình, triển khai các biện pháp nghiệp vụ để sớm phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động ký kết hợp tác trồng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gây thiệt hại về kinh tế cho người dân trên địa bàn.

Liên quan phía Cty TNHH Tuấn Đại An, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng và chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan Công an xác minh, điều tra về nguồn gốc, chất lượng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng do Cty này đã cung cấp cho người dân. Để đảm bảo quyền lợi của người dân cũng như ngăn chặn trường hợp tương tự xảy ra, UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo UBND các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động và khuyến cáo người dân khi ký hợp đồng hợp tác đầu tư phải cân nhắc, tìm hiểu thật kỹ và thông báo cho chính quyền địa phương biết để kiểm tra tư cách pháp nhân trước khi ký hợp đồng. Từ đó, tránh trường hợp cá nhân, tổ chức tự ý phá vỡ hợp đồng gây thiệt hại về kinh tế cho người dân.

MINH TÂN