Báo Công An Đà Nẵng

Những rắc rối pháp lý có thể gặp phải khi mua nhà chính chủ

Thứ tư, 21/12/2016 09:47

(Cadn.com.vn) - Mua nhà chính chủ là phương án được nhiều người chọn khi có nhu cầu về chỗ ở, bởi giao dịch trực tiếp này thuận lợi về thủ tục mua bán và giá cả cũng thấp hơn việc mua qua trung gian. Tuy nhiên, trên thực tế cũng có không ít người mua nhà chính chủ vẫn gặp rắc rối trong vấn đề chuyển quyền sử dụng đối với nhà, đất đã mua.

Như trường hợp của bà Cao Thị Kim Loan (1968, trú P. Thạch Thang, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) là một ví dụ. Theo hồ sơ, ngày 30-7-2011, bà Loan mua 272m2 đất của ông Nguyễn Hay (1965, trú tổ 7, P. Hòa Phát, Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng) với giá 615 triệu đồng. Đến ngày 18-7-2012,  hai người lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và được Văn phòng Công chứng Ngọc Yến chứng thực. Sau đó, bà Loan nộp hồ sơ tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất Q. Cẩm Lệ làm thủ tục sang tên đổi chủ. Tuy nhiên, hồ sơ xin chuyển chủ sở hữu đối với lô đất mà bà Loan vừa mua không được chấp nhận, bởi lô đất này đã bị Chi cục Thi hành án Dân sự Q. Cẩm Lệ kê biên để thi hành khoản nợ 600 triệu đồng mà ông Hay nợ của ông Nguyễn Quang Hùng. Do đó bà Loan đã làm đơn khởi kiện ra tòa án và tại phiên tòa sơ thẩm ngày 30-9-2015, HĐXX TAND Q. Cẩm Lệ quyết định công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Loan và ông Hay là hợp pháp. Tuy nhiên, bản án trên đã bị ông Nguyễn Quang Hùng kháng cáo và tại phiên tòa phúc thẩm ngày 10-3-2016, HĐXX tuyên hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại. Như vậy, dù đã mua lô đất 272m2 hơn 4 năm trước nhưng đến nay để  được đứng tên trong sổ đỏ lô đất trên thì bà Cao Thị Kim Loan còn phải… chờ.

Hay như trường hợp của bà Lê Thị Xuân (1961, trú P. Thạc Gián, Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) và bà Nguyễn Thị Thanh Loan (trú Q. Hải Châu, Đà Nẵng) khi vô tình “mua chung” nhà, đất chính chủ của vợ chồng ông Nguyễn Phước Tú- Thái Thị Sâm (trú P. Hòa An, Q. Cẩm Lệ). Theo bà Xuân trình bày, năm 2011, bà mua lại căn nhà cấp 4 có diện tích 90m2 của vợ chồng ông Tú – bà Sâm tại tổ 15 (P. Hòa An) với giá 870 triệu đồng; bà Xuân đặt cọc 200 triệu đồng. Đến ngày 3-11-2011, tại Phòng Công chứng số 2 TP Đà Nẵng, vợ chồng ông Tú - bà Sâm lập hợp đồng ủy quyền cho người mua (bà Xuân) được quyền quản lý, tặng cho… và giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Xuân giữ. Bà Xuân thanh toán hết số tiền mua nhà còn lại (670 triệu đồng), tuy nhiên vì lý do cá nhân nên bà Xuân chưa làm thủ tục sang tên, trước bạ. Việc mua nhà của bà Xuân diễn ra ngay thẳng, đúng pháp luật song đến nay bà Xuân vẫn chưa nhận được nhà và đất đã mua của vợ chồng ông Tú – bà Sâm.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thanh Loan cũng là người đã mua nhà và đất nói trên, cũng đã làm thủ tục chứng thực giao dịch mua bán này, song đến nay vẫn chưa nhận được tài sản. Theo bà Loan trình bày: Ngày 20-1-2011, bà Thái Thị Sâm có mượn của bà 840 triệu đồng để mua nhà, sau đó  không còn khả năng trả nợ nên bà Sâm đã bán lại ngôi nhà trên cho bà Loan theo hình thức hợp đồng ủy quyền. Thế nhưng, Chi cục Thi hành án Q. Cẩm Lệ đã kê biên, tổ chức bán đấu giá ngôi nhà trên để giải quyết các khoản nợ khác của bà Sâm. Với danh nghĩa đứng tên chính chủ của ngôi nhà và bằng hình thức hợp đồng ủy quyền, bà Sâm đã bán ngôi nhà tại tổ 15 (P. Hòa An) cho nhiều người để chiếm đoạt tài sản. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Sâm đã bị pháp luật xử lý bằng bản án 8 năm tù. Còn những người mua nhà chính chủ như bà Xuân, bà Loan đành “ngậm đắng, nuốt cay”...

Bàn về trách nhiệm của văn phòng công chứng trong quá trình công chứng các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bà Nguyễn Thị Yến- Trưởng Văn phòng Công chứng Ngọc Yến, cho biết: Công chứng không có quyền được biết quá trình tố tụng diễn ra tại tòa án cũng như diễn biến thi hành án tại Cơ quan Thi hành án. Hơn nữa, công chứng không có quyền từ chối việc mua bán, tặng cho… tài sản của chủ sở hữu. Chúng tôi chỉ từ chối việc chứng thực khi nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền.

Cũng về vấn đề này, một cán bộ có chức năng của Cơ quan Thi hành án TP Đà Nẵng trao đổi: Theo điều 75, Luật Thi hành án dân sự và điều 24, Nghị định 62 (ngày 18-7-2015), quy định: Kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu người phải thi hành án chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác mà không sử dụng khoản tiền có được để thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý… Trong trường hợp tài sản bị Cơ quan Thi hành án phong tỏa, kê biên nếu có người khác tranh chấp thì Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Như vậy, trách nhiệm tìm hiểu về tài sản đó đã bị cầm cố, thế chấp hoặc người bán đang trong quá trình thi hành án hay không… đều thuộc về người mua. Do vậy, dù mua tài sản của chính chủ nhưng mọi người hãy cẩn trọng để tránh gặp phải những rủi ro không đáng có như các trường hợp kể trên.

M.T