Báo Công An Đà Nẵng

Những sinh viên sa ngã

Thứ hai, 06/11/2017 15:40

CƯỚP GIẬT CHUYÊN NGHIỆP

Giữa năm 2017, trên địa bàn tỉnh TT-Huế liên tiếp xảy ra các vụ cướp giật tại tiệm vàng một cách táo bạo. Đối tượng vào vai khách hàng đi mua vàng, sau khi được chủ tiệm đưa vàng để chọn lựa thì lợi dụng sơ hở, cướp giật rồi ra xe dựng sẵn bên ngoài bỏ chạy. Các vụ cướp giật tiệm vàng liên tiếp xảy ra khiến cho các chủ cơ sở kinh doanh vàng và người dân rất hoang mang. Điển hình, tối 27-4, tại tiệm vàng Thuận Thảo (gần QL1A qua địa bàn TX Hương Thủy), trong khi bà Cân - chủ tiệm cùng con gái đang trông coi hàng thì có một thanh niên đội mũ bảo hiểm, bịt khẩu trang đến hỏi mua vàng. Tại đây, vị khách yêu cầu bà Cân lấy 1 cây vàng SJC để xem. Khi bà Cân vừa lấy vàng cầm trên tay thì đối tượng giật lấy rồi chạy nhanh ra xe máy dựng sẵn trước đó phóng chạy.

Phan Hồ Nhật Tân gây ra nhiều vụ cướp giật tiệm vàng khi đang là sinh viên năm 2.

Từ tin báo của bị hại, qua khám nghiệm hiện trường vụ án, ban đầu, CQĐT nhận định có thể đối tượng thực hiện là kẻ chuyên nghiệp, từng có tiền án, tiền sự. Thế nhưng, quá trình điều tra, các TS hình sự rất bất ngờ khi xác định đối tượng gây ra vụ cướp giật tiệm vàng lại là Phan Hồ Nhật Tân (1997, trú đường Nam Giao, TP Huế), SV năm thứ 2 thuộc Đại học Huế. Tại cơ quan CA, Tân khai nhận đã gây ra liên tiếp 3 vụ cướp giật tiệm vàng ở P. Phú Bài (TX Hương Thủy) và TT Thuận An (H. Phú Vang). Điều đáng nói, các điểm gây án đều là huyện, thị xã cách nơi Tân ở khoảng 20km. Việc này cho thấy Tân đã nghiên cứu trước địa hình và thời gian hoạt động của các tiệm vàng. Cơ quan CA cho rằng, việc Tân sử dụng 3 phương tiện khác nhau để gây án ở 3 vụ cho thấy đối tượng có sự tính toán, sắp xếp từ trước.

Một vụ cướp giật khác trên phố gần đây mà đối tượng gây án là SV làm  một phụ nữ lớn tuổi đang điều khiển xe máy ngã khiến người đi đường rất bức xúc. Do cần tiền mua ma túy chích hút, Lê Việt Dũng (1996, SV năm 3 Trường ĐH Nông Lâm Huế) cùng với Nguyễn Lê Cảnh Hiền (1981, đều trú TP Huế) bàn bạc, lấy xe đi cướp giật. 17 giờ 30, Hiền chở Dũng chạy qua các tuyến phố tìm người đi đường có đeo dây chuyền vàng để cướp giật. Khi cả hai chạy đến đường Đặng Tất thì phát hiện bà Phạm Thị Điểm điều khiển xe máy dừng bên đường, trên cổ đeo một sợi dây chuyền vàng. Hai đối tượng bám theo, khi bà Điểm cho xe chạy chầm chậm để di chuyển vào cửa Thành Nội, Hiền tăng ga từ phía sau vượt lên, áp sát xe bà Điểm, giật dây chuyền trên cổ nhưng bị hụt. Dũng ngồi phía sau thấy vậy giật lấy dây chuyền làm bà Điểm chao đảo tay lái, cả người lẫn xe ngã nhào. Sau khi cướp giật được sợi dây chuyền, cả hai đem bán được 6,4 triệu đồng.

Để có tiền mua ma túy, Lê Việt Dũng (trái) đã cướp giật dây chuyền của bà Điểm.

GIÁ NHƯ…

Quá trình thu thập tư liệu, từng tiếp xúc với nhiều SV phạm tội sau khi bị CA bắt giữ, một điểm chung tôi nhận thấy là không ít người đã thốt lên hai từ “giá như…”. Tuy nhiên, khi những đối tượng này hối hận nhận ra sai lầm, tỏ ra thương cha mẹ thì đã quá muộn. Thật không ngờ rằng, trong 2 vụ cướp giật chuyên nghiệp vừa nêu trên, các SV này lại được sinh ra và lớn lên trong gia đình gia giáo, có đối tượng cả bố và mẹ, anh chị đều là giáo viên.

Sau khi cướp giật tại tiệm vàng, Phan Hồ Nhật Tân bị bắt giữ khiến mẹ của đối tượng này đang dạy học ở trường nghe tin sốc phải nhập viện. Tân là con út trong gia đình 4 anh chị em. Tân học giỏi nên thi đậu đại học. Ngoài thời gian đi học, Tân còn dạy thêm ở nhà để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ vì kinh tế gia đình khó khăn. “Gia đình Tân dù khó khăn nhưng rất nền nếp. Bố mẹ và 3 anh, chị của Tân đều là giáo viên. Trước đây Tân ngoan hiền, được hàng xóm yêu mến. Tôi rất bất ngờ khi nghe thông tin Tân bị bắt giữ về hành vi cướp giật táo tợn tại 3 tiệm vàng trên địa bàn tỉnh” - ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổ trưởng tổ dân phố nơi Tân sinh sống chia sẻ. Tại CQĐT, Tân khai nhận, từ khi đậu đại học, do theo bạn bè xấu nên nghiện cá độ bóng đá, rơi vào cảnh nợ nần. Vì vậy, để có tiền trả nợ và tiếp tục ăn chơi cá độ, Tân lên kế hoạch sử dụng xe máy đến các tiệm vàng chiếm đoạt.

Đối với vụ cướp giật dây chuyền vàng, Nguyễn Lê Cảnh Hiền là cử nhân tin học của Trường ĐH Khoa học Huế. Thế nhưng, sau khi ra trường, Hiền cứ trượt dài trong tội lỗi mà nguyên nhân là do nghiện ma túy. Sau 4 lần bị xử phạt hành chính về nhiều hành vi thì giờ Hiền phải đối mặt với án tù về tội “Cướp giật tài sản”. Mẹ của Hiền cho biết, bà làm nghề giáo mấy chục năm nay, nhưng cuối cùng đành bất lực trước đứa con trai lạc lối. Biết con nghiện ma túy, bà nhiều lần đưa đi cai nghiện nhưng cứ về được ít lâu thì Hiền lại tái nghiện. “Mình làm giáo viên nhưng con lại phạm pháp, xấu hổ lắm. Nhiều đêm nằm nghĩ mãi về con, buồn không cách chi ngủ được. Cứ nghĩ mình đứng trên bục giảng, ngày ngày dạy dỗ các em học sinh, mà con mình ở nhà lại hư hỏng, thiệt chẳng còn mặt mũi để gặp ai!” - mẹ của Hiền ứa nước mắt.

Tương tự, đồng phạm Lê Việt Dũng thời điểm cướp giật đang là SV năm 3 Trường ĐH Nông Lâm Huế cũng có mẹ là giáo viên. Từ ngày con trai bị bắt, cô giáo này đã khóc cạn nước mắt. Vì ma túy mà tương lai của Dũng đành phải khép lại. Mẹ Dũng lo sợ sau những ngày ngồi bó gối sau song sắt nhà giam, đến lúc trở về, không biết con trai bà phải đi tiếp như thế nào.

Đại tá Lê Văn Vũ - Phó Giám đốc CA tỉnh TT-Huế cho biết, 9 tháng của năm 2017, trên địa bàn TP Huế (TT-Huế), tình trạng HS-SV vi phạm pháp luật tăng hàng chục trường hợp so với cùng kỳ, cơ quan CA đã xử lý hành chính gần 150 vụ và xử lý nhiều vụ hình sự nguy hiểm. Vì vậy, để giáo dục, quản lý tốt công tác SV, Ban Giám đốc CA tỉnh đã chỉ đạo CA các đơn vị, địa phương tăng cường phối hợp tổ chức ký kết đảm bảo ANTT với các học viện, các trường đại học, cao đẳng, trung học, đoàn thanh niên… tuyên truyền pháp luật, trao đổi thông tin, nâng cao nhận thức cho các em, không để các em bị đối tượng xấu lôi kéo, sa ngã dẫn đến vi phạm pháp luật. Đồng thời, yêu cầu CA các địa phương tăng cường công tác quản lý, giáo dục, nhất là kiểm tra ANTT ở các dãy trọ có HS-SV tạm trú; phối hợp các trường, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức hoạt động ngoại khóa, hội thi, câu lạc bộ pháp luật. Hy vọng khi được tuyên truyền, giáo dục, HS-SV hiểu và nâng cao ý thức, không vi phạm pháp luật.

H.LAN