Những tác động sâu rộng sau "cú sốc" thiết quân luật tại Hàn Quốc
Lệnh thiết quân luật bất ngờ
Tối 3-12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bất ngờ ban bố lệnh thiết quân luật, cáo buộc phe đối lập làm tê liệt hoạt động của chính phủ thông qua các nỗ lực luận tội và thao túng ngân sách. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1980, Hàn Quốc áp dụng biện pháp này. Lệnh thiết quân luật nhanh chóng gây chấn động trong và ngoài nước, đánh dấu một trong những cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất trong lịch sử gần đây của Hàn Quốc.
Rạng sáng 4-12, chỉ vài giờ sau khi lệnh được ban bố, Quốc hội Hàn Quốc đã tổ chức phiên họp khẩn cấp với tỷ lệ đồng thuận 100%, nghị quyết yêu cầu dỡ bỏ lệnh thiết quân luật được thông qua. Chủ tịch Quốc hội Woo Won Sik nhấn mạnh: "Việc ban bố thiết quân luật là điều không ai mong muốn. Quốc hội cần có phản ứng nhanh để bảo vệ nền dân chủ". Hiến pháp Hàn Quốc quy định rằng lệnh thiết quân luật phải bị dỡ bỏ nếu đa số đại biểu Quốc hội yêu cầu.
Lúc 4 giờ 30 sáng ngày 4-12, Tổng thống Yoon Suk Yeol chính thức tuyên bố dỡ bỏ lệnh thiết quân luật, chỉ sáu giờ sau khi ban hành. Trong phát biểu cùng ngày, ông kêu gọi Quốc hội chấm dứt các hành động "thiếu trách nhiệm" và khẳng định sẽ tiếp tục lãnh đạo đất nước trong giai đoạn khó khăn này.
Đề xuất luận tội Tổng thống
Lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập, ông Park Chan Dae, đã mạnh mẽ chỉ trích Tổng thống Yoon, cho rằng ông không còn đủ năng lực để lãnh đạo và kêu gọi ông từ chức. Theo Yonhap, đảng Dân chủ đối lập chính và năm đảng đối lập nhỏ khác đã đệ trình kiến nghị này lên văn phòng xử lý dự luật của Quốc hội Hàn Quốc vào lúc 14 giờ 43 phút ngày 4-12. Kiến nghị luận tội có chữ ký của 190 nghị sĩ đối lập và một nghị sĩ độc lập, không có chữ ký của nghị sĩ nào thuộc đảng cầm quyền. Các đảng đối lập dự kiến báo cáo kiến nghị này trong phiên họp toàn thể Quốc hội vào ngày 5-12 và đưa ra bỏ phiếu vào ngày 6 hoặc 7-12. Để kiến nghị luận tội được thông qua, cần đạt được hai phần ba số phiếu tại Quốc hội. Trong tổng số 300 ghế của quốc hội, phe đối lập sẽ cần thêm 8 phiếu từ đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền để thông qua kiến nghị này.
Trong một diễn biến liên quan, Liên hiệp Công đoàn Hàn Quốc (KCTU) đã thông báo trên trang web của tổ chức này về việc tiến hành cuộc đình công toàn quốc vô thời hạn cho đến khi Tổng thống Yoon Suk Yeol từ chức. Vào ngày 5-12, công nhân của Công ty đường sắt lớn nhất Hàn Quốc KORAIL cũng sẽ đình công vô thời hạn, yêu cầu tăng lương. Sự kiện này đã được lên kế hoạch trước khi thiết quân luật được công bố và các cuộc biểu tình quy mô lớn đã diễn ra tại Seoul.
Phản ứng quốc tế
Cuộc khủng hoảng chính trị nhanh chóng thu hút sự chú ý toàn cầu. Anh, Nga, Nhật Bản, và Mỹ đều bày tỏ quan ngại trước tình hình tại Hàn Quốc. Đại sứ quán Mỹ tại Seoul ra tuyên bố bày tỏ sự lo ngại về tình hình chính trị bất ổn tại Hàn Quốc. Trong thông báo, Đại sứ quán Mỹ kêu gọi công dân Mỹ đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc tuân thủ các khuyến cáo an toàn, đồng thời khẳng định Washington đang theo dõi sát sao diễn biến và duy trì liên lạc chặt chẽ với Chính phủ Hàn Quốc.
Bộ Ngoại giao Mỹ, thông qua phát ngôn viên Matthew Miller, nhấn mạnh rằng Washington hy vọng tình hình sẽ được giải quyết trong khuôn khổ dân chủ và phù hợp với Hiến pháp Hàn Quốc. Ông Miller cũng khẳng định Hàn Quốc vẫn là một đồng minh quan trọng và Mỹ luôn ủng hộ sự ổn định tại khu vực Đông Á. Trong khi đó, các quan chức cấp cao Mỹ tại Lầu Năm Góc cũng bày tỏ quan ngại về tác động của tình trạng bất ổn chính trị này đối với an ninh khu vực, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng với Triều Tiên vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
Tác động nhiều mặt
Lệnh thiết quân luật của Tổng thống Hàn Quốc đã tạo ra cơn địa chấn trong chính trường và nền kinh tế Hàn Quốc. Các chuyên gia nhận định động thái này có thể đánh dấu một bước ngoặt trong nhiệm kỳ của Tổng thống Yoon. Mason Richey, Giáo sư tại Đại học Ngoại ngữ Hankuk ở Seoul, cho rằng: "Đối với một vị tổng thống tập trung quá nhiều vào danh tiếng quốc tế của Hàn Quốc, điều này khiến Hàn Quốc trông rất bất ổn". Ông cảnh báo rằng sự kiện này sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường tài chính, tiền tệ và vị thế ngoại giao của Hàn Quốc.
Báo cáo của Viện Dân chủ thuộc Đại học Gothenburg chỉ ra một xu hướng đáng lo ngại: nền dân chủ tại Hàn Quốc đã thụt lùi kể từ khi Tổng thống Yoon nhậm chức. Những bằng chứng cụ thể cho sự suy giảm này bao gồm việc Hàn Quốc tụt hạng từ vị trí 47 xuống vị trí 62 trong bảng xếp hạng tự do báo chí toàn cầu do Tổ chức Phóng viên không biên giới công bố.
Về mặt chính trị nội bộ, tình hình càng trở nên phức tạp hơn. Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) của Tổng thống Yoon đã thất bại nặng nề trong cuộc tổng tuyển cử tháng 4 năm nay, chỉ giành được một phần nhỏ ghế tại Quốc hội. Thậm chí, ngay trong nội bộ đảng, Ông Yoon cũng bắt đầu mất lòng các đồng minh chính trị.
Về mặt quốc tế, một nhà ngoại giao phương Tây cho rằng động thái thiết quân luật sẽ gây phức tạp cho các cuộc thảo luận ngoại giao của Hàn Quốc. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Hàn Quốc đang tìm kiếm vị thế trên trường quốc tế, nhất là trước thềm nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vào ngày 20-1 tới, người đã bất đồng quan điểm với người tiền nhiệm của Tổng thống Yoon về thương mại và chi trả cho quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.
Dù lệnh thiết quân luật được bãi bỏ nhanh chóng, sự kiện này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tính bất ổn có thể xảy ra tại Hàn Quốc, một trung tâm kinh tế lớn của châu Á. Các tác động lâu dài đến uy tín quốc gia, thị trường tài chính, và lòng tin của người dân đối với chính phủ sẽ còn kéo dài. Các công ty quốc tế tại Seoul nhận ra sự cần thiết phải nâng cao khả năng ứng phó với khủng hoảng. Như một viên chức chia sẻ: "Chúng tôi may mắn vì mọi thứ được kiểm soát nhanh chóng, nhưng đây chắc chắn là bài học để chuẩn bị kỹ hơn cho các tình huống tương tự trong tương lai".
Thị trường chứng khoán Seoul giảm gần 2% vào cuối buổi sáng 4-12. Chỉ số chứng khoán tổng hợp Hàn Quốc KOSPI giảm 48,47 điểm (1,94%) xuống còn 2.451,63 điểm. Các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 385,43 tỷ won (273 triệu USD) cổ phiếu, vượt cả lượng mua cổ phiếu của các tổ chức và cá nhân trị giá 358,58 tỷ won. Hầu hết cổ phiếu của các "ông lớn" đều giảm. Đồng won Hàn Quốc được giao dịch ở mức 1.413,6 won đổi 1 USD lúc 11 giờ 20 phút, giảm 10,7 won so với phiên trước đó.
AN BÌNH
Bộ trưởng Quốc phòng đệ đơn từ chức Theo Yonhap, chiều 4-12, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong-hyun lên tiếng xin lỗi người dân vì những rắc rối do lệnh thiết quân luật gây ra. Ông đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Yoon Suk-yeol, song chưa có phản hồi. "Tôi đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống và xin chịu trách nhiệm về mọi tình trạng hỗn loạn do tình trạng thiết quân luật gây ra", Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong-hyun phát biểu với các phóng viên. Bộ trưởng Kim khẳng định tất cả binh sĩ thực hiện nhiệm vụ thiết quân luật chỉ tuân theo chỉ thị của ông. "Tôi là người phải chịu toàn bộ trách nhiệm", ông nêu thêm. Trước đó cùng ngày, toàn bộ trợ lý cấp cao của Tổng thống Yoon Suk Yeol, trong đó có Chánh văn phòng Chung Jin-suk, Cố vấn An ninh Quốc gia Shin Won-sik, đã xin từ chức. |