Báo Công An Đà Nẵng

Những thay đổi tích cực trong công tác coi thi THPT Quốc gia năm 2019

Thứ bảy, 29/06/2019 13:19

Gần 880.000 thí sinh trên cả nước vừa hoàn thành kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2019. Trong những ngày qua, ngành giáo dục và cả xã hội đã cùng chung tay dồn sức để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh làm bài thi.

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 được tổ chức nghiêm túc nhờ sự phối hợp của toàn xã hội. Trong ảnh: Lực lượng Công an làm nhiệm vụ bảo vệ tại một điểm thi ở Đà Nẵng.  Ảnh: P.THỦY

Cả xã hội cùng vào cuộc

Toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, với đầy đủ các thành phần tham gia như: Công an, Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Điện lực... Trong đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh (có một số địa phương Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban). Nhiều địa phương thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp huyện là cánh tay nối dài, giúp cho công việc chỉ đạo được kịp thời, đặc biệt là ở miền núi, hải đảo. Một số địa phương đã ban hành Chỉ thị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để quán triệt tổ chức nghiêm túc kỳ thi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tập huấn về phần mềm chấm thi trắc nghiệm, quy trình nghiệp vụ chấm thi trắc nghiệm và nghiệp vụ công tác thi, tuyển sinh cho tất cả các trường đại học, cao đẳng, các Sở Giáo dục và Đào tạo. Hệ thống phần mềm quản lý thi và tuyển sinh năm 2019 đã được hoàn thiện, nghiệm thu và tập huấn cho các đơn vị. Phần mềm được cải tiến để tăng cường tính bảo mật, đảm bảo chấm thi chính xác, ngăn ngừa sự can thiệp từ phía người dùng.

Bộ Công an cũng đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo lực lượng công an toàn quốc tham gia phối hợp chặt chẽ, triển khai công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi, nhất là trong khâu ra đề thi, vận chuyển đề thi, in sao, bảo quản đề thi, bài thi tại các điểm thi. Bên cạnh đó, các đơn vị đã kịp thời phối hợp xử lý các vụ việc liên quan đến gian lận trong kỳ thi; đảm bảo an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy và hỗ trợ thí sinh trong các tình huống gặp sự cố.

Các trường đại học, cao đẳng đã cử đủ số lượng và đảm bảo chất lượng cán bộ về các địa phương cùng phối hợp tham gia công tác tổ chức thi Trung học phổ thông Quốc gia theo quyết định điều động của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đánh giá sơ bộ về các công tác thi đến thời điểm này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, Phó Trưởng Ban chỉ đạo thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2019, cho biết: Công tác đề thi, in sao đề và coi thi đã diễn ra thành công, an toàn, nghiêm túc, công bằng, đúng kế hoạch. Về công tác in sao đề, Bộ đã thành lập các đoàn đưa đề thi đến các hội đồng thi. Địa điểm in, sao đề đã được các hội đồng chuẩn bị đảm bảo cách ly ba vòng độc lập có an ninh, bảo vệ đúng quy chế. Công tác in sao đề thi được đánh giá đảm bảo an toàn, không có sơ suất, không bị lộ, lọt đề. Công tác coi thi đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương nên diễn ra thành công, không có sự cố đáng tiếc xảy ra.

Đúng tinh thần chỉ đạo

Rút kinh nghiệm từ những hạn chế, tồn tại của kỳ thi năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra nhiều quy định, giải pháp nhằm khắc phục những vấn đề này.

Về đề thi, nội dung được quy định nằm trong chương trình Trung học phổ thông, chủ yếu là chương trình lớp 12; đồng thời, tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp từ 50% lên 70% (30% còn lại là điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh) để đảm bảo mục tiêu, ý nghĩa của kỳ thi.

Đối với việc chấm thi, Bộ trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ. Đồng thời, sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi; "đánh phách điện tử" phiếu trả lời trắc nghiệm; tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng và có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi. Đối với việc chấm bài thi tự luận (Ngữ văn) do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, Bộ quy định chặt chẽ hơn khâu chấm hai vòng độc lập, thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó, các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra.

Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ: Đánh giá bước đầu đến thời điểm này là kỳ thi đã được tổ chức nghiêm túc, đúng quy chế, nhẹ nhàng, không căng thẳng, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện tại các hội đồng thi trên cả nước bắt đầu bước vào khâu chấm thi. Kết quả thi THPT Quốc gia năm 2019 sẽ được công bố vào ngày 14-7.

VIỆT HÀ