Báo Công An Đà Nẵng

NHÂN NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM (27-2):

Những thầy thuốc mang quân hàm

Thứ sáu, 28/02/2020 14:04

Là chiến sĩ CAND, đội ngũ y tế bệnh xá Trại tạm giam CA tỉnh Quảng Trị còn phải tròn "vai" người thầy thuốc. Họ đều là những người trẻ, bản lĩnh, cương quyết đấu tranh với tội phạm nhưng cũng đầy trách nhiệm, tình thương cùng y đức đánh thức tâm sáng trong góc khuất tăm tối của những người lầm lỗi.

Kiểm tra huyết áp cho phạm nhân đang chấp hành án tại Trại tạm giam CA tỉnh Quảng Trị.

Diễn biến tội phạm ngày càng phức tạp, có xu hướng tăng nên nhiệm vụ đối với CBCS càng thêm áp lực, đặc biệt là tổ y tế của bệnh xá. Đại tá Khổng Chiến Thắng, Giám thị Trại tạm giam cho biết, hiện bệnh xá có tất cả 4 cán bộ. Trong đó, tổ trưởng là Thượng úy - y sĩ Phan Văn Dũng, cùng 3 y sĩ, dược sĩ, điều dưỡng là Thượng úy Trần Đình Việt, Trung úy Tô Thị Huệ và Trung úy Phan Thị Lan Hương. Bao năm gắn với lực lượng CAND, làm việc ở một môi trường đặc biệt, Thượng úy Dũng cùng các đồng đội đã trải qua vô vàn khó khăn nhưng từ đó câu chuyện đời ngày càng dày sâu trong ký ức.

Trại tạm giam CA Quảng Trị có phạm nhân nhưng phần lớn vẫn là bị can, bị cáo, người bị kết án. Thời gian bị tạm giữ hình sự, tạm giam phục vụ điều tra, truy tố, xét xử là giai đoạn "khó chịu" nhất với hầu hết những ai dính lao lý, đặc biệt là đối với những trường hợp đối diện khung hình phạt nặng, tinh thần không tránh khỏi bấn loạn, từ sốc đến khủng hoảng xen lẫn bi quan, tuyệt vọng. Và ở bất kỳ tình huống nào, khi có vấn đề về sức khỏe, họ đều nhận được tín hiệu hỗ trợ nhanh nhất từ tổ y tế của bệnh xá. Thượng tá Nguyễn Thành Phúc, Phó Giám thị Trại tạm giam cho biết, cán bộ y tế của trại trực 24/24 giờ.

Không chỉ chăm sóc, chia sẻ với người bệnh kịp thời, các thầy thuốc với nghiệp vụ CA sắc bén còn lật tẩy những thủ đoạn, toan tính của những đối tượng thiếu hợp tác, có ý đồ đối phó. Trong vô vàn câu chuyện nghề nghiệp, Thượng úy Dũng vẫn chưa quên trường hợp bị cáo Đ.D (quê Quảng Bình) bị khởi tố, tạm giam về tội "Mua bán trái phép chất ma túy". Cả quá trình điều tra, phúc cung, D. đều thể hiện sự hợp tác, thành khẩn, khai ra nhiều lần phạm tội khác trước khi bị bắt quả tang với gần 3.000 viên MTTH. Tuy nhiên, đến khi tống đạt cáo trạng, D. phủ nhận mọi lời khai, cho rằng, trước đây bị ảo giác ma túy nên khai không đúng sự thật. Để phản đối "chính mình", D. im lặng, biểu hiện bên ngoài khiến nhiều người nghĩ D. có vấn đề về thần kinh. Là người theo dõi, nắm rõ tình trạng sức khỏe bị can suốt nhiều tháng, Thượng úy Dũng cũng như cán bộ trại khẳng định vẫn bình thường.

Đến ngày ra xét xử, trước HĐXX, D. cũng không trả lời buộc Tòa phải tạm hoãn để mời cán bộ y tế cũng như quản giáo đến tòa làm rõ tình trạng bị cáo. Sau khi kiểm tra, tòa đủ căn cứ để tiếp tục xét xử, tuyên án tù đối với D. Không thể giở chứng nữa, lúc được áp giải về trại, D. liền quay sang Thượng úy Dũng nói: "Mong cán bộ thông cảm", ý nói về chuyện tự "cấm khẩu", chiêu trò thời gian qua. "Việc của anh anh cứ làm, còn chúng tôi phải nói đúng sự thật", Thượng úy Dũng đáp lời.

Trường hợp như D. là đặc biệt nhưng việc sử dụng các chiêu trò để "đau ốm" nhằm được rời phòng giam sang phòng bệnh của bệnh xá, hoặc để lên tuyến điều trị nhằm tìm cách bỏ trốn, trao đổi thông tin ra ngoài... là chuyện rất dễ xảy ra. Chính vì thế, nếu cán bộ y tế không vững chuyên môn, nghiệp vụ CA thì dễ bị "qua mặt". Nhưng trước bất kỳ tình huống cấp cứu nào, cán bộ y tế của Trại đều xử lý thận trọng, kịp thời. Đại tá Khổng Chiến Thắng tự hào và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của nhân viên y tế của trại, không ngừng vượt qua nhiều khó khăn, hạn chế về trang thiết bị cũng như đặc thù môi trường làm việc.

Chia sẻ về những năm công tác, Trung úy Hương, Trung úy Huệ còn nhiều cảm xúc với "ca" của T.T, một nữ quái đủ chiêu chiếm đoạt tài sản, vào tù nhiều lần. Lần phạm tội gần đây nhất, T. bị tạm giam tại Trại tạm giam CA tỉnh và đang trong thời gian mang thai. Ngày xét xử, T. cũng sắp đến ngày sinh nở. Và khi chưa kịp chuyển trại chấp hành án thì T. chuyển dạ. Những ngày "ở cữ" tại Trại tạm giam, T. và con nhỏ được cán bộ y tế chăm sóc chu đáo. Họ thấy vui khi đứa bé cứng cáp, T. không còn bi quan như trước. "Chúng tôi hiểu T. cần người thân đến mức nào, nhưng trong hoàn cảnh khó khăn, bất đắc dĩ, T. đã vượt qua và tin rằng cô ấy tu tỉnh, không trở lại con đường lầm lỗi", Thượng úy Việt chia sẻ.

Khoảng thời gian gần đây, tội phạm về giết người, ma túy, người tâm thần phân liệt gây án diễn ra nhức nhối tại Quảng Trị, hoặc bị can người nước ngoài, rất nhiều trong đó đối diện với mức án nặng, 20 năm, chung thân, tử hình nên tâm lý trở nên bất cần, thậm chí còn khó nắm bắt hơn cả kiểu đối phó như D. Chính trong lúc nghiệt ngã ấy, sự quan tâm của đội ngũ quản giáo, y tế tại trại tạm giam đã khiến bị án được xoa dịu lo lắng, sợ hãi, qua đó nhận thức tội lỗi và chấp nhận kết cục trả giá do hành vi gây ra.

BẢO HÀ