"Những trái bom nước" tại các mỏ đá hết hạn khai thác
Tại khu vực P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), dưới chân núi Phước Tường, cách đây gần 10 năm về trước có những doanh nghiệp khai thác đá. Sau khi TP ngừng cấp phép, các mỏ đã đóng cửa khai thác, nhưng hiện trường để lại quanh chân núi là hiện trường nham nhở do bị đào bới, nổ mìn phá đá trước đây. Đáng sợ nhất là một hồ nước rộng có lẽ đến hàng nghìn mét vuông, sâu thăm thẳm ngay dưới chân núi. Người dân địa phương cho biết, hồ nước này là do quá trình khai thác đá tạo nên, trước đây rộng hơn nhiều, nhưng các doanh nghiệp đã cho san ủi, trồng cây, nhưng đến nay cũng còn đến chục nghìn mét vuông. Vào mùa mưa, nước dâng lên thành một hồ nước mênh mông, nguy cơ đe dọa các khu dân cư lân cận. Thêm nữa, tại nhiều địa điểm các mỏ khai thác đá đã ngừng khai thác, đã biến thành nơi đổ rác, phế liệu, xà bần… Vào những ngày nắng, bụi bay mù mịt cuốn theo mùi hôi thối xuống các khu dân cư, mùa mưa nước bẩn từ các đống rác bẩn cũng cuốn theo chảy tứ tung, gây ô nhiễm môi trường khu vực…
Ngược lên khu vực xã Hòa Nhơn, H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng), ông Lê Văn Tuân- Trưởng thôn Phước Hậu- Phước Thuận cho biết, hơn 10 năm qua, bao quanh thôn Phước Thuận- Phước Hậu có tới 8 mỏ khai thác đá. Đến nay, các mỏ đã hết hạn khai thác theo quy định, nhưng các đơn vị khai thác mỏ trên vẫn chưa hoàn thổ theo quy định, khiến hơn 130 ha đất sản xuất nông nghiệp của 350 hộ dân trong thôn không thể canh tác vì mất nguồn nước, đất ruộng bị bồi lấp lổn nhổn toàn sỏi đá. Nhiều doanh nghiệp lấy lý do đang chờ thành phố cấp phép để tiếp tục khai thác đá nên không hoàn thổ các mỏ. Từ kiến nghị của người dân, các đơn vị khai thác đá đã hỗ trợ người dân mỗi vụ mùa 1,5 triệu đồng trên 500m2 đất nông nghiệp, ngoài ra không có biện pháp gì khác, và người dân đã phải nhận hỗ trợ hơn 10 năm nay, trong khi đồng đất bỏ hoang, lãng phí…
Tại thôn Phước Thuận (cũ), việc khai thác đá đã đào bới, nổ mìn tan hoang, lấp hoàn toàn nguồn nước tự nhiên trước đây đã cung cấp nước cho hơn 50 ha ruộng. Tại thôn Phước Hậu (cũ), sát chân núi tại hiện trường các mỏ khai thác đá là những hồ nước sâu, có hồ nước mà người dân gọi tên là "hồ không đáy" rộng hàng nghìn mét vuông, ở độ cao cả chục mét, vào mùa mưa nước ngập tràn luôn đe dọa các khu dân cư bên dưới. Anh Trần Phước Sơn- một người dân thôn Phước Thuận dẫn chúng tôi đi thực tế từng mỏ đá đã ngừng khai thác ta thán: "Riêng gia đình tôi trước đây có 20 ha đất đồi trồng keo và ruộng trồng lúa, nhưng nay các mỏ khai thác đã để đất đá bồi lấp không thể canh tác được thứ gì nữa. Đất đai toàn sỏi đá, đến nuôi bò, nuôi dê cũng không phát triển được, vì ngay cỏ cũng không mọc nổi…!".
Có thể nói, việc phục hồi, hoàn thổ các mỏ khai thác đất, đá luôn là câu chuyện triền miên. Người dân ở Hòa Nhơn vẫn chưa quên vụ việc hồ nước Hố Dư giữa nửa đêm vỡ đập đổ hàng triệu m3 nước tràn xuống vùi lấp khu dân cư thôn Thạch Nham Đông trong đợt mưa lũ lịch sử tháng 10-2022 ở Đà Nẵng. Hồ nước Hố Dư chính là "hiện trường" khai thác của các mỏ khai thác đất cách đây 10 năm về trước. Người dân mong muốn chính quyền, ngành chức năng TP Đà Nẵng khẩn trương xem xét có biện pháp kiểm tra, cho khai thông các hồ nước tại các mỏ khai thác đất đá để lại như ở chân núi Phước Tường, khu vực thôn Phước Thuận- Phước Hậu như đã nêu trên và có kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tìm cách chuyển đổi ngành nghề cho người dân tại các khu vực khai thác mỏ đã bồi lấp, ảnh hưởng đến đất sản xuất của người dân…
Hồng Thanh