Báo Công An Đà Nẵng

Những “trận chiến” của tân Thủ tướng Anh (Kỳ 2: Khởi nghiệp báo chí)

Thứ bảy, 03/08/2019 12:53

Ông Boris Johnson bắt đầu sự nghiệp với tư cách là một phóng viên tại Times nhưng bị sa thải vì phạm sai lầm khi trích dẫn sai thông tin từ nguồn tin được cung cấp.

Một bài viết của ông Boris Johnson khi ông làm phóng viên mảng Châu Âu của tờ Daily Telegraph tại văn phòng Brussels.  Ảnh: BBC

Làm việc tại nhiều tờ báo

Sau khi rời khỏi Trường Đại học Balliol, ông Boris Johnson trở thành thực tập sinh của tờ Times do Tổng biên tập huyền thoại Charlie Wilson - một người khó tính, muốn thoát khỏi lối mòn của ngành công nghiệp báo chí Anh.

Tuy nhiên, sau đó ông Johnson bị phát hiện đã bịa đặt quá nhiều khi viết một câu chuyện khá vô hại về việc phát hiện một cung điện của Vua Edward II ở bờ nam sông Thames. Kiến thức lịch sử của ông trong bài viết là hoàn toàn sai và trích dẫn đi kèm cũng hoàn toàn do ông tự bịa. Ông đã viết về việc nhà vua sẽ vui đùa như thế nào tại cung điện với người bạn đồng hành của mình là Piers Gaveston. Trên thực tế, Gaveston đã bị xử tử nhiều năm trước khi cung điện được xây. Ông Johnson đã bịa câu trích dẫn được cho là của một học giả trong Trường Đại học Oxford, cũng là cha đỡ đầu của ông. Kết quả là, ông Johnson bị sa thải.

Đối với nhiều người, lỗi lầm này có thể dẫn đến việc kết thúc nghề báo – một nghề đòi hỏi tính chân thực và chính xác cao. Nhưng, điều này không đúng với ông Johnson. Max Hastings, biên tập viên tờ Daily Telegraph, người đã gặp ông Johnson khi ông là Chủ tịch Liên minh Oxford tại trường đại học, đã cho ông Johnson cơ hội chuộc lỗi và dĩ nhiên, ông đã nắm lấy.

Chẳng bao lâu, với tư cách là phóng viên mảng Châu Âu của tờ Daily Telegraph tại văn phòng Brussels, ông Johnson trở thành người tiên phong thúc đẩy phong trào báo chí chống lại Châu Âu. Hầu hết các bài viết tại thời điểm đó được thực hiện bởi các phóng viên, những người được cho là có thiện cảm với văn hóa của Cộng đồng kinh tế Châu Âu (EEC). Những câu chuyện của ông Johnson liên tục xuất hiện trên trang nhất, làm hài lòng những độc giả, những người ủng hộ “chủ nghĩa hoài nghi Châu Âu”. Ông cố gắng “công kích Châu Âu mỗi khi có cơ hội” trong suốt thời gian làm phóng viên tại Brussels, khuấy động “chủ nghĩa hoài nghi Châu Âu”. Những câu chuyện của ông Johnson viết về những quả chuối bị bẻ cong một cách “bất hợp pháp”, chuyện về tòa nhà Berlaymont, trụ sở của Ủy ban Châu Âu sắp bị nổ tung vì chất nổ có chứa amiăng… hầu hết đều làm cho người đọc cười thành tiếng.

Đó cũng là thời điểm thăng hoa nhất trong sự nghiệp báo chí của ông. Ông nắm vị trí chủ bút của tờ Telegraph và tờ Spectator. Ông cũng viết nhiều cuốn sách, từ tiểu thuyết đến tiểu sử của Winston Churchill.

Không chân thực?

“Theo quan điểm của tôi, về cơ bản, anh ấy không chân thực”, David Usborne đã nói với tác giả Andrew Gimson về ông Johnson trong một cuộc phỏng vấn cho cuốn sách của ông. “Ông ấy đã thành công trong nghề một cách rất khéo léo nhưng tôi không bao giờ cảm thấy ông ấy đáng tin... Ông ấy là một người đàn ông rất thông minh... ông ấy có thể nhìn thấy tất cả những sắc thái và sự tinh tế, nhưng ông ấy không truyền đạt chúng vào bài viết của mình. Đó là điều thực sự nguy hiểm”, ông Usborne cho biết thêm.

Trong cuộc phỏng vấn trước đây, ông Max Hastings đã nói về nhân viên cũ thật ấn tượng: “So với bất kỳ chính trị gia nào khác trong cuộc sống ở Anh ngày nay, ông ấy là một thiên tài. Ông ấy rất tuyệt vời khi nói với mọi người những gì họ muốn nghe và ông làm điều đó với sự dí dỏm, thanh lịch, với phong cách”. Nhưng một thời gian sau, ông Hastings lại cho rằng, ông Johnson không phù hợp với văn phòng quốc gia. Gần đây, ông Hastings đã viết về “sự phá sản đạo đức của ông Johnson, bắt nguồn từ sự khinh miệt đối với sự thật”.

AN BÌNH

Ông Johnson thất bại trong “bài kiểm tra” đầu tiên

Đảng Bảo thủ của tân Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thua trong cuộc bầu cử đặc biệt hôm 2-8, khiến thế đa số vốn mong manh của đảng cầm quyền trong Quốc hội bị giảm đi một ghế.

Trong cuộc bầu cử đầu tiên của đảng Bảo thủ kể từ khi ông Johnson trở thành thủ tướng, ứng cử viên đảng Bảo thủ cầm quyền Chris Davies không thể vượt qua đối thủ Jane Dodds từ đảng Dân chủ Tự do trong cuộc bầu cử bổ sung tại khu vực Brecon và Radnorshire. Ông Dodds giành được 43% phiếu bầu, trong khi ông Davies, người đang đấu tranh để giữ ghế sau khi bị kết án và bị phạt vì gian lận, nhận được 39%. Kết quả này khiến chính phủ của ông Johnson khó khăn hơn trong việc thông qua luật và giành được phiếu trong Quốc hội, với việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit) dự kiến sẽ diễn ra trong vòng chưa đầy 3 tháng.

T.NGỌC