Báo Công An Đà Nẵng

Những trang sách về cõi vĩnh hằng

Thứ năm, 28/08/2014 07:38

(Cadn.com.vn) - Chuyên tâm viết về con người và mảnh đất thị xã Quảng Trị sử thi mà sâu lắng, bi tráng mà hiền thương, rộn rã mà xinh xắn, nhà báo Nguyễn Hoàn đã gây sự chú ý của người đọc qua những bút ký và phóng sự trong tập Một cõi vĩnh hằng.

Một cõi vĩnh hằng  là những trang sách giúp người đọc nhanh chóng có những hiểu biết sâu sắc về thị xã Quảng Trị- Thành cổ Quảng Trị với lời mở đầu tràn đầy cảm khái: “Trong muôn vàn sự kiện hào hùng của Quảng Trị 1972 kiên cường đánh Mỹ, giải phóng quê hương, sự kiện 81 ngày đêm Lửa thép Thành cổ là một sự kiện sáng chói, là một bản anh hùng ca tuyệt vời của quân và dân ta làm thức tỉnh và lay động cả lương tri nhân loại. Từ đó, Thành cổ đã bước vào lịch sử dân tộc với một tầm vóc rạng rỡ hễ có Việt Nam có cổ Thành”.

Từ ý thức về quá khứ của mảnh đất thiêng liêng ấy, nhà báo Nguyễn Hoàn khám phá hiện tại với rất nhiều tự hào về mảnh đất và con người Thành cổ thủy chung vàng đá với đất máu, đất lửa, với cỏ dại và gạch vỡ để ghi lại những ấn tượng về cuộc hồi sinh sống động ở đây...

Nhà báo Nguyễn Hoàn ký tên trên cờ Tổ quốc ở đảo Đá Lớn, quần đảo Trường Sa
trong âm hưởng: “Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình”. Ảnh: Văn Dũng

Là sinh viên K8 khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Huế, nhà báo Nguyễn Hoàn cho thấy, những bút ký, phóng sự của anh là những biến thể tự sự mang đầy đủ tính tư liệu, tính sắc sảo chính luận, tính tổng hợp trong những quan tâm của người cầm bút trước hiện thực ở quê nhà. Tập sách Một cõi vĩnh hằng tràn ngập những thông tin về đời sống xã hội, kinh tế, chính trị và tinh thần của thị xã Quảng Trị trong những giai đoạn phát triển với những góc nhìn vào tài nguyên, chân dung con người cùng tất cả những gì có giá trị đối với mảnh đất và con người thị xã Quảng Trị. Trung tâm của Một cõi vĩnh hằng vì thế là những sự kiện và con người của những sự kiện đó là động lực, là một bộ phận trong quá trình phát triển của lịch sử-xã hội, đại diện cho những nét mới trong ý thức xã hội của con người ở thị xã Quảng Trị.

 

Đó là việc vỡ vạc miếng đất gieo trồng hạt giống kinh tế hàng hóa (Hành trình từ cỏ dại và gạch vỡ), là “những mái phố chờ đợi phục sinh sau 81 ngày đêm đỏ lửa 1972 và 20 năm tái thiết đã mọc lên xôn xao một trời Thành cổ” (Bức thông điệp tái thiết Thành cổ), là việc người Thành cổ tôn tạo di tích lịch sử với sự sáng tạo các biểu tượng bất tử hóa lịch sử (Một cõi vĩnh hằng), là người lưu giữ hồi ức về 81 ngày đêm Thành cổ hào hùng (Phác họa chân dung một người trinh sát chiến trường Thành cổ), là hàng loạt công việc vì giấc mơ về một tương lai đàng hoàng hơn và to đẹp hơn của miền đất lửa này (Thành cổ-chiều sâu lòng đất, chiều sâu tình người), là những người làm thép trên đất thép Thành cổ, là khát vọng mở rộng không gian đô thị từ chiều sâu sử thi và chiều sâu lòng đất Thành cổ,...

Những đam mê, suy tưởng, hành động của những sự kiện, con người và ý thức ấy đã tạo nên bức tranh khách quan về hiện thực, làm người đọc chú ý vào những hiện tượng đó của đời sống và ủng hộ cái mới được hình thành trên mảnh đất Thành cổ lịch sử. Cũng từ những nhân tố này, các bút ký và phóng sự của nhà báo Nguyễn Hoàn có được sắc màu lãng mạn khi mô tả cuộc sống trong sự vận động và thấm nhuần khát vọng vươn tới lý tưởng ấm no, giàu đẹp của đất và người thị xã Quảng Trị. Những dòng bút ký được viết từ tình cảm và trí tưởng tượng chân tình như “Dưới ánh chiều vàng êm ả soi lung linh, sóng Thạch Hãn gợn lên vỗ về những con thuyền chở đầy cát, sạn cập bến nằm ngái ngủ kín bãi.

Đường Đại đoàn Đồng bằng gối ven lối bờ sông nhà lên tầng tìm gió bao giờ cũng tấp nập, rộn rịp bước chân người và bánh xe tới lui chuyển cát, sạn về cho những chiếc bay ngóng đợi của thợ nề”... là một trong những cách để nhà báo Nguyễn Hoàn khám phá bản chất thẩm mỹ, bản chất cuộc sống ở thị xã Quảng Trị, ở Thành cổ và thâm nhập vào những lớp nền móng của nhân sinh, lòng tin vào những khả năng tinh thần, đạo đức của con người ở đó...

Mô tả con người và sứ mệnh của họ trên thị xã Quảng Trị-Thành cổ Quảng Trị trong quá khứ và hiện tại, nhà báo Nguyễn Hoàn đã nhìn thấy trong những quá trình thực tế của mảnh đất ấy khả năng xây dựng và hoàn thiện đời sống với những khao khát tinh thần, ước mong, tư tưởng và hành động. Trên cơ sở đó, những trang sách Một cõi vĩnh hằng đã thực sự đề cao sức lao động và sự sáng tạo của con người, những nhân cách thuần hậu, những tư tưởng và hành động vì hạnh phúc xã hội cũng như khám phá nội dung xã hội và ý nghĩa của chúng.

Vì vậy, quá trình thuật chuyện của nhà báo Nguyễn Hoàn tập trung vào những mối quan hệ người-người, con người-sự kiện, con người-lịch sử đã làm mỗi bút ký, phóng sự là một câu chuyện có tính hoàn chỉnh về nghệ thuật. Đặc biệt, bồi dưỡng lòng tin ở con người và tương lai, lòng dũng cảm và mong muốn bắt tay vào hành động, Một cõi vĩnh hằng đã trở thành một phương tiện nhận thức cuộc sống, nhận thức hiện thực với những trang sách ấm áp giúp độc giả vững tin vào không gian mở của mảnh đất Thành cổ Quảng Trị.

Nguyễn Bội Nhiên