Báo Công An Đà Nẵng

Những tụ điểm “ăn chơi” hành dân, dẹp được không? (Kỳ 3): Những chiêu trò "lách luật"

Thứ hai, 27/03/2023 08:05
Tiếp thị shisha tại Lamboghini dưới tầng hầm nhà hát Trưng Vương vào thời điểm trước khi Công an thành phố ra quân xử lý. Ảnh chụp trước ngày 3-3.

Đầu tháng 3-2023, chúng tôi “viếng thăm” điểm kinh doanh karaoke Xuân Tùng nằm trên đường Nam Trân (Đà Nẵng). Mặc dù cơ sở này đã bị rút giấy phép kinh doanh karaoke, nhưng vẫn lén lút đón khách vào hát. Xe vừa tắt máy, chúng tôi được nhân viên đon đả mời nhanh lên phòng hát tầng 2. Lý do vì sao karaoke Xuân Tùng đã bị rút giấy phép, nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, đại diện Đội Cảnh sát ma túy- Công an quận Liên Chiểu cho biết, chủ quán này rất bất chấp luật pháp, họ “lách luật” bằng cách chuyển qua đăng ký kinh doanh nhà hàng, song vẫn đón khách kinh doanh karaoke.

Các trinh sát dẫn chứng, mới đây nhất, khuya 21-2-2023, lực lượng chức năng Công an quận Liên Chiểu tiến hành kiểm tra hành chính phòng 402 của quán này và phát hiện trong phòng có 4 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy. Các đối tượng khai nhận, sau khi đi nhậu xong thì rủ nhau đến đây hát karaoke. Lúc này, một đối tượng trong nhóm “đặt hàng ma” (2 viên thuốc lắc và 1 chỉ ketamin) với giá 2,2 triệu đồng sau đó có người mang tới phòng hát, tổ chức “liên hoan”. Qua test nhanh, có 3/4 đối tượng dương tính với chất ma túy. Ngoài ra, qua kiểm tra test khách tại các phòng hát ở đây, còn phát hiện thêm 5 đối tượng dương tính với ma tuý. Công an quận Liên Chiểu đang mở rộng điều tra xem chủ quán karaoke có dấu hiệu của hành vi chứa chấp hay không; đồng thời phạt hành chính hành vi để người khác lợi dụng sử dụng ma túy.

Thực tế, trên địa bàn thành phố còn một số điểm kinh doanh karaoke đã bị rút giấy phép do không đảm bảo PCCC nhưng chủ quán “lách luật” bằng cách chuyển đổi hình thức kinh doanh qua nhà hàng, sau đó lén lút cho khách hát karaoke. Đây cũng là những điểm kinh doanh cuối năm 2021 và năm 2022 bị lực lượng Công an bắt và xử lý hàng chục con nghiện khi đến hát có sử dụng ma túy trong phòng karaoke. Công an quận Liên Chiểu cho hay, hiện tại, trong số gần 20 cơ sở kinh doanh karaoke chỉ có một điểm duy nhất đảm bảo tiêu chuẩn về PCCC. Số còn lại đã bị rút giấy phép, hoặc tạm ngưng kinh doanh. Một số “lách luật”, biến tướng như đã nói ở trên. Liên tục những ngày qua, các tổ công tác của Công an quận quyết liệt ra quân, kiểm tra, xử lý mạnh tay các cơ sở vi phạm. Đến thời điểm hiện tại, các cơ sở không đảm bảo điều kiện hoạt động đã đóng cửa.

Thiếu tá Trần Lê Minh Dũng- Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN- Công an TP Đà Nẵng cho hay, với hình thức kinh doanh karaoke, từ quý 3 năm 2022 đến nay, đã có tới 3/4 cơ sở kinh doanh toàn địa bàn thành phố bị đình chỉ, tạm đình chỉ, thu hồi giấy an ninh trật tự và chủ cơ sở tạm ngừng kinh doanh hoạt động. Phần đa các cơ sở này không đủ điều kiện về PCCC. Tuy nhiên rất nhiều chủ cơ sở đã “lách luật” bằng cách chuyển đổi mô hình kinh doanh qua nhà hàng và vẫn đón khách hát karaoke như thường.

Cuối tháng 2-2023, cơ sở kinh doanh Lamboghini đón khách, phục vụ nhảy múa sexy và kinh doanh cả shisha, bóng cười vào thời điểm chưa đủ điều kiện hoạt động.

Bên cạnh karaoke, nhiều quán bar, nhà hàng có phục vụ DJ cũng giở ngón “lách luật” trong kinh doanh nhằm che mắt lực lượng chức năng khi kiểm tra. Tại điểm kinh doanh Lamboghini dưới tầng hầm nhà hát Trưng vương, trước khi tạm đóng cửa do thành phố ra quân kiểm tra xử lý shisha, bóng cười đầu tháng 3-2023, nơi đây rầm rộ kinh doanh chẳng khác gì quán bar, vũ trường. Đêm đến, tiếng nhạc đập rung lồng ngực; shisha, bóng cười bán đắt như tôm tươi khi khách đến vui chơi. Để tránh bị các cơ quan chức năng xử lý, ông chủ nơi đây đăng ký mã ngành nghề kinh doanh là: dịch vụ phục vụ đồ uống; nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động; hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí. Song thực chất, cơ sở kinh doanh này hoạt động như một quán bar, vũ trường.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quang Hào - Giám đốc nhà hát Trưng Vương, cho biết: trước đây TV Club kinh doanh quán bar tại đây, nhưng đã hết hạn theo giấy phép nên thành phố tổ chức đấu thầu lại. Hiện tại, một đơn vị mới trúng thầu, xây dựng cơ sở kinh doanh khác là Lamboghini chỉ mới chạy thử, test nhạc, chứ chưa hề kinh doanh gì. Đơn vị mới cũng chỉ làm các hoạt động nghệ thuật, CLB khiêu vũ nhẹ nhàng, kinh doanh kiểu phòng trà tử tế chứ không phải “bay nhảy” như trước đây. Về thông tin cho rằng khi Lamboghini đầu tư mới để hoạt động có đào đất ở tầng hầm để cải tạo, Giám đốc Nhà hát Trưng Vương khẳng định, đơn vị kinh doanh này khi đầu tư xây dựng không hề đụng đến kết cấu nhà hát.

Trong chuyến thực tế của chúng tôi đến nơi đây những ngày cuối tháng 2-2023, Lamboghini kinh doanh phục vụ khách như một quán bar, vũ trường, nhạc DJ dội tức ngực, shisha, bóng cười, rượu bia bán đặc khắp các bàn tiệc. Cũng liên quan đến Lamboghini, Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN- Công an TP Đà Nẵng cho hay, hiện hồ sơ về PCCC của nơi đây đang tiến hành thẩm duyệt chứ chưa được cấp phép về an toàn PCCC. Như vậy, khi chưa đảm bảo về PCCC, mà cơ sở này vẫn tổ chức kinh doanh thời điểm từ cuối tháng 2-2023 trở về trước hoàn toàn vi phạm, chứ hoàn toàn không phải là chạy thử hay test âm thanh.

Còn nhớ, trong các kỳ HĐND trước đây, rất nhiều ý kiến, trong đó có lãnh đạo Công an thành phố từng kiến nghị, không thể để tồn tại một quán bar (cụ thể là TV Club) ngay dưới tầng hầm của nhà hát lớn của thành phố, bởi phát sinh rất nhiều hệ lụy. Sau đó, thành phố cũng đã tạm ngừng, không cho TV Club tiếp tục thuê nhà hát để hoạt động. Nhưng rồi, nay lại xuất hiện một Lamboghini hoạt động như bar, hiện diện đủ hình thức kinh doanh, đã diễn ra các hoạt động như trên liệu có phù hợp?

(còn nữa)

Nhóm Phóng viên