Những “từ khóa” quan trọng dành cho kinh tế tư nhân
Chiều 2-5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam (Hà Nội) Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019. Diễn đàn quan trọng này có chủ đề "Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị TW 5 khóa XII và Nghị quyết 98-NQ/CP của Chính phủ".
Diễn đàn do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì và chỉ đạo tổ chức. Diễn đàn gồm một Phiên toàn thể, 7 Hội thảo, Tọa đàm chuyên đề, hoạt động triển lãm và kết nối doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại biểu tham quan các gian trưng bày tại Triển lãm Thành tựu kinh tế tư nhân. |
Chọn lọc khách du lịch Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, sáng 2-5 đã diễn ra Hội thảo chuyên đề hiến kế về du lịch với chủ đề: “Thu hút có chọn lọc các phân đoạn thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày”. Bốn vấn đề được các đại biểu thảo luận tại Hội thảo là cải thiện chính sách thị thực, cơ sở hạ tầng, năng lực cạnh tranh của ngành và chiến lược quảng bá du lịch Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng cho biết, Việt Nam có vị thế đặc biệt về du lịch, đứng thứ 32 toàn cầu về số lượng và sự hấp dẫn của tài nguyên thiên nhiên, văn hóa với 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận. Để đóng góp 10% GDP cả nước trong thời gian tới, ngành du lịch cần tập trung khai thác các thị trường chi trả cao, du lịch chuyên đề, tăng tỷ trọng khách du lịch tự trải nghiệm thay vì trọn gói. Giải pháp cụ thể được ông đưa ra, đó là đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, công tác, kết hợp du lịch cao cấp, cá nhân hóa cao; đa dạng thị trường nguồn, phát triển thị trường chi tiêu cao như Nhật, Bắc Mỹ, Bắc Âu, Trung Quốc và Hàn Quốc, hướng tới phân khúc thị trường cao cấp. Nhìn nhận vấn đề visa là một trong những nút thắt của du lịch Việt Nam, ông Phạm Hà, Giám đốc Công ty du lịch Sang Trọng kiến nghị bỏ visa đối với càng nhiều nước càng tốt. Chính sách visa là rào cản rất lớn. Bên cạnh đó, cần quy hoạch lại các điểm đến, giảm bớt khách chi tiêu thấp, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. “Về sản phẩm du lịch, chúng ta vẫn loay hoay định vị Việt Nam là điểm đến như thế nào. Từ trước tới nay, chúng ta vẫn định vị là điểm đến văn hóa, nếu vậy khách chỉ đến một lần. Nếu định vị Việt Nam là điểm đến du lịch biển, khách sẽ trở lại để thử những trải nghiệm mới và chúng ta cần tạo điều kiện để khách trở lại thuận lợi hơn”, ông Phạm Hà nói. |
Những “từ khóa”
Sau 7 phiên Hội thảo chuyên đề, vào chiều 2-5 Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 bước vào phiên toàn thể với phần đối thoại lớn có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường và lãnh đạo các bộ ngành, địa phương.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng nêu thông điệp, cũng là các "từ khóa" đối với khu vực kinh tế tư nhân là “tạo bình đẳng” trong phát triển, được “bảo vệ”, “khích lệ” và “trao cơ hội”.
Thủ tướng nêu rõ: Khu vực kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Thủ tướng tin tưởng rằng nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh khi có những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Phát biểu trước đông đảo doanh nhân, Thủ tướng đã chia sẻ quan điểm về tinh thần doanh nghiệp. Thủ tướng đề cao chí tiến thủ của nhà doanh nghiệp, không bằng lòng với hoàn cảnh đang có mà cần xông xáo tìm kiếm và nắm bắt cho bằng được các cơ hội do công nghệ và thị trường mang lại. Nỗ lực tìm kiếm công nghệ mới, thị trường mới, nguyên liệu mới, đổi mới tổ chức, đổi mới quản lý được gọi tổng quát là cách tân, một tố chất quan trọng của nhà doanh nghiệp.
Sẽ phê duyệt Đề án chuyển đổi số quốc gia
Trước câu hỏi của các doanh nghiệp tư nhân về quyết sách của Chính phủ nhằm thúc đẩy các ý tưởng, sáng tạo trong khối doanh nghiệp tư nhân có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa, Thủ tướng nêu rõ: Việc Chính phủ phải làm là tạo nên một thể chế pháp luật, nhân lực, hạ tầng và thị trường để tạo điều kiện cho khởi nghiệp.
Trước hết, về nguồn nhân lực, chú trọng số lượng, chất lượng nhân lực đáp ứng các yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt, công nghiệp thông tin truyền thông, mở ra một ngành mới, xu hướng mới trong lĩnh vực truyền thông đa phương tiện, công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo… Nhất là có những chính sách tốt hơn nữa để thu hút và giữ chân những nhà đầu tư “thiên thần”.
Bên cạnh đó là về hạ tầng, Chính phủ và các bộ, ngành, các cơ quan có liên quan chú trọng hơn nữa hạ tầng viễn thông thông minh, ví dụ phát triển nhanh mạng 5G trong thời gian đến hoặc là thanh toán không dùng tiền mặt, các hạ tầng kỹ thuật công nghệ khác. Tiếp đó là tạo thị trường, mua sắm sản phẩm đổi mới sáng tạo nhiều hơn, cho thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã phê duyệt Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, trong đó thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia với những cơ chế thông thoáng nhất. Trong năm 2019 Chính phủ sẽ phê duyệt Đề án chuyển đổi số quốc gia để tạo điều kiện cho khởi nghiệp thành công.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại biểu tham quan các gian trưng bày tại Triển lãm Thành tựu kinh tế tư nhân. |
GDP có thêm 162 tỷ USD nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, sáng 2-5, đã diễn ra Hội thảo hiến kế về phát triển kinh tế số với chủ đề: “Hoàn thiện thể chế và các nền tảng phát triển kinh tế số tại Việt Nam”, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy. Gần 300 đại biểu, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, các hiệp hội, ngân hàng, doanh nghiệp, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ số trong nước và nước ngoài tham dự. Các kiến nghị, đề xuất tại Hội thảo được tổng hợp, báo cáo tại Phiên toàn thể của Diễn đàn vào chiều cùng ngày. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, kinh tế số đang diễn ra nhanh chóng và có tác động to lớn, sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia; thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn diện trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh, đến cách thức tiêu dùng, giao tiếp... Dẫn nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore), Thứ trưởng này cho biết, kinh tế số của Việt Nam đạt 3 tỷ USD năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Trong khi đó, một nghiên cứu khác của Tổ chức Data 61 (Australia), GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công. Trong sự biến chuyển này, doanh nghiệp là trung tâm trong phát triển kinh tế số. “Để phát triển kinh tế số, phải xây dựng được sự tin cậy trong hạ tầng số. Người tiêu dùng không thể giao dịch, người tham gia không thể tạo ra sự liên kết nếu không có sự tin cậy. Vì thế, an toàn, an ninh mạng, sự đảm bảo trong giao dịch là điều kiện quan trọng để xây dựng hạ tầng số và cho sự phát triển của kinh tế số”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng nhận định. Theo ông, để thúc đẩy sự phát triển kinh tế số tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng Đề án quốc gia về chuyển đổi số, trong đó đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để chuyển đổi số nền kinh tế, xã hội, chuyển đổi số cơ quan nhà nước và một số ngành trọng điểm. Bộ cũng chú trọng vào những giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh không gian mạng, tăng cường các giải pháp để chống mã độc, giảm các cuộc tấn công mạng từ nước ngoài vào Việt Nam. Theo Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam Phạm Thế Trường, việc phát triển kinh tế số đi kèm với những thách thức, đặc biệt là về an toàn thông tin cá nhân. "Bao nhiêu phần trăm trong số chúng ta sử dụng smartphone có thể khẳng định mình không bị theo dõi. Khi một người dân có tiền mua điện thoại, thì việc đảm bảo tự do cá nhân sẽ thuộc trách nhiệm của ai", ông Phạm Thế Trường đặt câu hỏi. Vị Tổng Giám đốc này cho rằng trách nhiệm đó thuộc về Nhà nước. Chính phủ cần có những biện pháp để đảm bảo sự an toàn cho người dân trong nền kinh tế số, trước những thách thức ngày càng gia tăng phải đối mặt. T.THỦY – TTXVN |
Cần có một chương trình cà-phê với Thủ tướng
Hội thảo "Các mô hình kinh doanh mới và khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam: Nút thắt và các kiến nghị" đã diễn ra sáng 2-5, tại Hà Nội. Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho biết, thời gian qua, số lượng và chất lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng tăng với hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp, 50 cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh, đã hình thành thêm một số quỹ đầu tư. Chất lượng và số lượng đơn vị đầu tư các start up có xu hướng tăng mạnh trong năm 2018 với tổng số vốn đầu tư 889 triệu USD, tăng 3 lần so với năm 2017...
Tại tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về thực trạng, kinh nghiệm, cơ hội, thách thức, từ đó hiến kế, kiến nghị các cơ chế, chính sách, giải pháp trong phát triển các mô hình kinh doanh mới và khởi nghiệp sáng tạo trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, năng lượng khởi nghiệp ở Việt Nam đang rất lớn, nên chỉ cần Nhà nước bỏ một rào cản, phong trào khởi nghiệp sẽ phát triển mạnh mẽ.
Tại tọa đàm, có ý kiến cho rằng, cần có một chương trình cà-phê với Thủ tướng, giúp các startup có cơ hội trình bày khúc mắc, ý tưởng với Thủ tướng. Ở một số địa phương đã có các doanh nghiệp làm việc với cơ quan của tỉnh, nhưng đó đều là các doanh nghiệp lớn. Nhiều ý kiến đề xuất, nếu Chính phủ có một cổng thông tin chung, khi doanh nghiệp có ý tưởng sáng tạo sản phẩm hay dịch vụ có thể đăng ký ngay để bảo hộ ý tưởng sáng tạo, người mua hàng trong và ngoài nước biết đến sản phẩm đó, liên thông tới các thị trường khác, không xảy ra tình trạng mất thương hiệu. Đặc biệt, thông qua cổng thông tin này, các ngân hàng có hỗ trợ doanh nghiệp về vốn vì doanh nghiệp đi vay vốn rất khó khăn.
Nắm bắt cơ hội, đón nhận thách thức đến từ CPTPP
Sáng 2-5, trong khuôn khổ Diễn đàn, phiên Hội thảo chuyên đề hiến kế về: “Chủ động khai thác có hiệu quả Hiệp định CPTPP để phát triển bứt phá”. Tại hội thảo, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, Việt Nam vừa trải qua 3 tháng đầu tiên thực thi CPTPP – Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới lớn nhất, tiêu chuẩn cao, tự do. Đây là một hiệp định nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ông Lộc, CPTPP là cơ hội đặc biệt, tiếp tục thúc đẩy cạnh tranh, mở ra cơ hội thuận lợi cho 700.000 doanh nghiệp, hàng trăm nghìn hộ kinh doanh nước ta... Dù còn nhiều khó khăn nhưng CPTPP sẽ là động lực, cảm hứng để các doanh nghiệp vượt qua chính mình, hội nhập từ bên trong, cải cách kinh tế Việt Nam sau sự kiện Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết: Giống như tham gia WTO, tham gia CPTPP là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường kinh doanh minh bạch, bộ máy nhà nước liêm chính, khách quan. Hiệp định thúc đẩy cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, phòng chống tham nhũng, quan liêu. Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, hội nhập mà hiệu quả thấp hay không thấy hiệu quả là lỗi của bộ máy quản lý; cần thay đổi tư duy quản lý, chính sách theo hướng mở; lấy môi trường kinh doanh công bằng, lấy doanh nghiệp là nguyên khí của quốc gia.
“Hội nhập không chỉ đặt hàng hóa, dịch vụ vào môi trường cạnh tranh mà cả bộ máy quản lý cũng cần thay đổi, cần vươn lên để đủ sức điều hành”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định.
THU THỦY – TTXVN