Những tỷ phú từng ăn cơm tù
* Bài 1: Bảy "rừng", người phủ xanh đồi trọc
(Cadn.com.vn) - Những con người vì nhiều yếu tố đưa đẩy nên phải ngồi sau song sắt nhà giam. Thế nhưng, sau khi mãn hạn tù trở về với hai bàn tay trắng, bằng nghị lực, họ đã miệt mài lao động, sản xuất và đã trở thành tỷ phú khiến nhiều người phải nể phục.
Chuyện anh Nguyễn Tấn Hiệu (1974, thôn Phú Quý 2, xã Tam Mỹ Đông, H. Núi Thành, Quảng Nam) bị tù rất ngắn gọn. Năm 2007, anh liên quan đến dự án trồng rừng và bị 2 năm tù giam. Trở lại đời thường, anh vẫn bám rừng, làm giàu từ rừng. Tài sản trong tay anh hiện có hơn 30ha rừng keo lá tràm, 10ha xoài, 1.000 cây chanh không hạt. Mỗi năm anh bỏ túi từ 400 đến 500 triệu đồng.
Với việc sở hữu diện tích rừng "khủng", Nguyễn Tấn Hiệu được người dân nơi đây gọi với tên Bảy "rừng". Khuôn mặt sạm đen, cao to, với tác phong giản dị, chân chất của người dân xứ Quảng, anh Bảy hé mở: "Trước đây, anh làm chủ thầu xây dựng có tiếng ở đất Quảng Nam. Thời điểm năm 1998, anh ôm nhiều công trình xây dựng và đem lại hiệu quả kinh tế cao, trong tay có vài tỷ đồng. Ngày đó, ném cục tiền ấy vào mua vàng, hay ngân hàng thì chắc không phải như thế này. Chỉ ngồi chơi đủ sống rồi. Những năm 1998, tôi đổ tiền bắt đầu trồng rừng, đến năm 2007, có một dự án trồng rừng được Nhà nước rót vốn. Lúc này, tôi có mối quan hệ với nhiều vị lãnh đạo nên tôi đứng ra nhận trồng rừng. Trong quá trình triển khai thì bị sai phạm, rồi tôi dính án 2 năm".
Những cánh rừng đầy đá nhưng được Bảy "rừng" phủ xanh. |
Sau khi ra tù, anh Bảy không chú trọng đến thầu công trình xây dựng, mà đeo bám trồng rừng. "Vì rừng khiến mình sạt nghiệp, thì mình tiếp tục ôm lấy rừng đòi lại những cái đã mất. Rừng không những cho mình tiền, mà còn cho những ngọn đồi núi trọc thành những cánh rừng xanh bạt ngàn", Bảy "rừng" tâm sự.
Nhà ở Tam Mỹ Đông, nhưng rừng trồng ở xã Tam Mỹ Tây, cách nhau 15 km. Dẫn chúng tôi men theo đường nhựa đến xã Tam Mỹ Tây, trước mắt bát ngát rừng keo, xoài, chanh của anh Bảy. Thấy chúng tôi ngỡ ngàng bởi những cánh rừng tràm bạt ngàn, anh Bảy trải lòng: "Từ trước năm 1998, nơi đây là nương rẫy của bà con. Ngày đó, người đồng bào sống theo kiểu du canh du cư, cứ hết cánh rừng này họ đốt khu rừng khác để trồng lúa, sắn. Và sau một vài mùa lại đi khai phá khu vực mới, sau đó quay lại chỗ cũ. Càng ngày, đất bạc màu và năng suất không cao. Thấy những ngọn đồi trọc lóc, mỗi đợt mưa là đất đá cuốn trôi theo dòng nước. Nếu không trồng cây lên đó thì sẽ không giữ được đất. Và tôi bỏ tiền gom đất của bà con để trồng keo".
Dẫn chúng tôi tham quan khu rừng rộng bạt ngàn, đặc biệt là có nơi đá nhiều hơn đất, thế nhưng rừng keo mọc xanh ngút ngàn. "Để trồng được keo lên đó là điều không phải dễ, phải đào hố thật sâu rồi lấy đất từ nơi khác bỏ xuống hố và trồng cây lên. Ngoài ra, hàng năm cho nó "ngón" rất nhiều phân mới sống được", anh Bảy cho biết.
Nhờ cần cù, chịu khó, những mảnh đất cằn cỗi này giờ là những "mỏ vàng xanh" với diện tích trên 30ha keo. Mỗi héc-ta keo cho lãi từ 60 - 70 triệu đồng sau từ 5 - 7 năm trồng, chăm sóc. Như vậy sau vài năm lao động, riêng 30ha rừng trên, anh Bảy có vài tỷ đồng trong tay. "Từng ấy tiền có phải mình ôm đâu, phải nuôi 10 người làm quanh năm, đến vụ thu hoạch nuôi thêm gần 200 nhân công. Các chú xem đó, để có con đường vào đây, tôi phải bỏ ra cả tỷ đồng phá đá, ủi đất. Tính đi, tính lại thì cũng không ăn thua. Nhưng yêu rừng, đam mê rừng mình không bỏ được nghiệp trồng rừng", anh Bảy thanh minh về mức thu nhập của mình.
Ông Bảy "rừng" đưa P.V xem cơ ngơi diện tích rừng, vườn của mình. |
Với suy nghĩ "lá lành đùm lá rách", anh Bảy từng giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Anh thổ lộ: "Cuộc sống bà con dân tộc còn lắm gian truân, nên dù việc nhỏ hay lớn, nếu trong khả năng mình giúp đỡ được thì tôi luôn sẵn lòng. Trung bình mỗi ngày có hàng chục lao động trong thôn tìm đến tôi xin việc làm. Có nhiều người ốm đau không có tiền chữa trị, hay đến năm học mới, người làm thuê họ cần tiền lắm. Cứ rứa tôi ứng tiền trước, người nhiều thì 5 đến 10 triệu, người ít thì vài trăm ngàn đồng. Ít bữa họ lại làm trả sau. Ngày trước tui cũng vậy. Nếu không có sự chung tay giúp đỡ, động viên kịp thời của mọi người thì chưa chắc tôi đã có được cơ ngơi và sự nghiệp hôm nay".
Ngoài ra, rừng keo của anh Bảy đón không ít đoàn tham quan đến thăm học hỏi kinh nghiệm, nhiều nghiên cứu sinh đến để nghiên cứu bảo vệ luận án tiến sĩ, thạc sĩ. "Mỗi lần có nghiên cứu sinh nào đến thì họ chặt cây, rồi làm hỏng nhiều cây để nghiên cứu. Thế nhưng tôi không nặng lòng việc đó, mình giúp họ bảo vệ thành công luận án là vui rồi", anh Bảy tâm sự.
Đặc biệt, từ khi có của ăn, của để, anh Bảy rừng nhận đỡ đầu nuôi hai trẻ mồ côi, nay hai người đã lớn và có gia đình. Và hàng ngày họ gắn bó công việc trồng rừng cho anh, mỗi tháng nhận được khoản tiền trên 3 triệu đồng. "Ở đây, không những tôi mà có hơn 10 anh em có việc làm thường xuyên, thu nhập mỗi tháng từ 3-4 triệu đồng, ăn ngủ đã có chủ lo, còn đến mùa vụ thu hoạch keo thì hàng trăm người", ông Nguyễn Trung Kiên (xã Tam Trà) là lao động thường xuyên cho anh Bảy cho biết.
Bên cạnh rừng keo, anh Bảy còn có hơn 10ha xoài Tứ Quý, Đài Loan chuẩn bị cho trái. Ngoài ra, còn 1.000 cây chanh không hạt, sắp tới cũng cho quả. Với cây ăn trái này, những năm tới sẽ đem lại khoản thu nhập không nhỏ cho gia đình anh, chưa tính 30ha keo thay phiên nhau cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng mỗi năm…
B.Bình-T.Nguyễn
(còn nữa)