Những vấn đề cần lưu ý đối với hợp đồng nhượng quyền thương mại
Ngoài những điểm cần chú ý về điều kiện đối với bên nhượng quyền, bên nhận nhượng quyền khi tham gia giao dịch, cũng như danh mục hàng hóa, dịch vụ được phép kinh doanh nhượng quyền thương mại (NQTM) đã được đề cập và phân tích trong các bài viết kỳ trước, khi soạn thảo hợp đồng (HĐ) NQTM các bên cần lưu ý các vấn đề sau:
Thứ nhất, về hình thức HĐ NQTM: theo quy định HĐ NQTM phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Tuy nhiên, NQTM có những đặc thù riêng, đòi hỏi cần phải ghi nhận chặt chẽ, đầy đủ, rõ ràng các nội dung trong HĐ để hạn chế các rủi ro pháp lý có thể xảy ra. Vì vậy, các bên nên chọn lựa hình thức HĐ bằng văn bản để giao kết.
Thứ hai, về ngôn ngữ của HĐ NQTM phải được lập bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, trường hợp nhượng quyền từ Việt Nam ra nước ngoài, ngôn ngữ của HĐ NQTM do các bên thỏa thuận. Do đó, khi soạn thảo HĐ đối với trường hợp này, các bên cần lưu ý trong HĐ phải quy định rõ ngôn ngữ giải thích HĐ, làm cơ sở giải quyết tranh chấp NQTM sau này.
Thứ ba, về nội dung của HĐ NQTM phải có đầy đủ các nội dung chủ yếu sau đây: nội dung của quyền thương mại; quyền, nghĩa vụ của bên nhượng quyền; quyền, nghĩa vụ của bên nhận quyền; giá cả, phí nhượng quyền định kỳ và phương thức thanh toán; thời hạn hiệu lực của HĐ; gia hạn, chấm dứt HĐ và giải quyết tranh chấp. Ngoài ra, cần lưu ý đối với nội dung thỏa thuận về chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp (chịu sự điều chỉnh của pháp luật sở hữu trí tuệ) rất đa dạng và tương đối phức tạp, do đó, các bên nên lập thành một phụ lục riêng trong HĐ NQTM để quy định đầy đủ các nội dung liên quan.
Thứ tư, về thời hạn của HĐ NQTM có thể đương nhiên chấm dứt trước thời hạn trong các trường hợp pháp luật quy định, mà không phụ thuộc vào nội dung thỏa thuận của các bên. Vì vậy, cần tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật để tránh trường hợp các bên chấm dứt HĐ không đúng và có thể phải chịu trách nhiệm về việc bồi thường thiệt hại phát sinh.
Thứ năm, về thời điểm có hiệu lực của HĐ NQTM tùy thuộc vào thỏa thuận các bên, trong trường hợp các bên không thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực là thời điểm giao kết HĐ. Tuy nhiên, các bên cần lưu ý: nếu trong HĐ có phần nội dung về chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ thì phần này có hiệu lực theo quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Thứ sáu, về nhượng quyền lại cho bên thứ ba: trường hợp bên nhận nhượng quyền muốn có quyền chuyển nhượng lại cho bên thứ ba (gọi là bên nhận lại quyền) thì trong HĐ phải quy định rõ nội dung này. Đồng thời, cần lưu ý đối với HĐ NQTM thứ cấp phải đảm bảo các nội dung không được trái với nội dung của HĐ NQTM sơ cấp. Quan trọng nhất là các nội dung về phạm vi "quyền thương mại" của HĐ NQTM thứ cấp không được lớn hơn HĐ NQTM sơ cấp và thời hạn của HĐ NQTM thứ cấp phải bằng hoặc ngắn hơn thời hạn của HĐ NQTM sơ cấp.
Ngoài những điểm cần lưu ý nêu trên, để đảm bảo HĐ NQTM có hiệu lực, các bên tham gia giao dịch còn phải đảm bảo các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như: các bên ký kết có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và thẩm quyền ký kết; HĐ được giao kết một cách tự nguyện; mục đích và nội dung của HĐ không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Chuyên mục này có sự cộng tác về chuyên môn của Chi nhánh Cty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456, 0903.573138, 0914.680678