Những việc cần làm ngay
“Sắp tới, QH sẽ có ý kiến đối với Bộ Y tế và yêu cầu lãnh đạo Bộ này phải tập trung xử lý, chấn chỉnh những mặt hạn chế đang tồn tại”- |
(Cadn.com.vn) - Nạn tham nhũng, sự trì trệ và yếu kém của ngành Y tế, tình trạng Luật bị “treo”... là những vấn đề được cử tri các quận Thanh Khê, Liên Chiểu quan tâm nhiều nhất tại buổi tiếp xúc với Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng diễn ra ngày 27-9. Các ĐBQH Huỳnh Ngọc Sơn, Huỳnh Nghĩa, Thân Đức Nam đã tiếp thu, ghi nhận các ý kiến của cử tri và hứa sẽ chuyển đến các đơn vị liên quan để yêu cầu giải quyết, giải trình đồng thời đưa ra QH để xem xét.
CHẤN CHỈNH NGÀNH Y
Liên quan đến những “sự cố” của ngành Y tế thời gian gần đây, cử tri Nguyễn Xuân Sơn (Q. Liên Chiểu) bức xúc: “Việc phải làm ngay của QH bây giờ là mạnh tay chấn chỉnh ngành Y tế để đem lại niềm tin cho nhân dân”. Viện dẫn những vụ việc xảy ra thời gian qua, cử tri Nguyễn Xuân Sơn cho rằng nền y tế nước ta hiện quá trì trệ, thiếu trách nhiệm, thiếu y đức, liên tục để xảy ra những vụ việc động trời... Và theo cử tri này, căn nguyên vấn đề là do công tác quản lý cán bộ còn lỏng lẻo.
Về vấn đề này, ĐB Huỳnh Nghĩa- Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng thẳng thắn nhìn nhận: ngành Y tế được QH đầu tư ngân sách lớn nhất nhưng thời gian qua ngành này có rất nhiều vấn đề cần phải quan tâm, y đức thì xuống cấp nghiêm trọng. Theo ĐB Huỳnh Nghĩa sắp tới, QH sẽ có ý kiến đối với Bộ Y tế và yêu cầu lãnh đạo Bộ này phải tập trung xử lý, chấn chỉnh những mặt hạn chế đang tồn tại.
Cũng liên quan đến ngành y, một cử tri Q. Thanh Khê phản ánh: đã xảy ra thực trạng người không đi bộ đội, chưa một ngày ra chiến trường vẫn được chứng nhận thương binh, trong khi đó nhiều trường hợp đã hy sinh tuổi thanh xuân, chiến đấu vì độc lập Tổ quốc bị thương nhưng không được công nhận. Do đó, cử tri đề nghị QH tiến hành rà soát lại những trường hợp có dấu hiệu bất minh và có chính sách đối với những trường hợp đã có nhiều đóng góp cho đất nước để họ cảm thấy được quan tâm.
Các ĐBQH tiếp thu ý kiến cử tri Q. Liên Chiểu. |
TRUY ĐẾN CÙNG NẠN THAM NHŨNG
Một “đầu việc” cấp bách cần phải làm ngay khác được cử tri hai quận Thanh Khê, Liên Chiểu nêu ra là công tác phòng chống tham nhũng. Bởi các cử tri quan ngại có những vụ việc dù đã phát hiện từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được đưa ra xét xử. Điều đó đã làm giảm niềm tin của người dân và công tác phòng chống tham nhũng sẽ càng khó khăn hơn. Đề nghị, QH cần giám sát chặt chẽ và có hiệu quả hơn nữa công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng; bảo vệ người dũng cảm tố cáo, phanh phui các vụ tham nhũng và hình thức khen thưởng xứng đáng. Ngoài ra, các cử tri đặt câu hỏi, liệu có tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng hay không và vì sao các doanh nghiệp công ích của Nhà nước lại “dính” nhiều đến tham nhũng như vậy và đề nghị công bố thông tin các vụ án tham nhũng lớn để cử tri biết và theo dõi quá trình thanh tra, điều tra, xét xử...
Trả lời các vấn đề này, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cho rằng, vấn đề cử tri bức xúc là đúng; thời gian qua, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng cũng chưa xử được nhiều, đặc biệt là các vụ án lớn như cử tri mong đợi.
QUỐC HỘI CŨNG PHẢI TỰ SOI MÌNH
Các cử tri Đặng Đình Thăng, Vũ Quốc Chiến (Q. Thanh Khê), Mai Văn Dũng, Nguyễn Sừng (Q. Liên Chiểu) đánh giá chất lượng các kỳ họp của QH gần đây có nhiều đổi mới, đặc biệt là chất vấn và trả lời chất vấn các vấn đề nổi cộm. Tuy nhiên, các cử tri vẫn chưa hài lòng bởi còn nhiều vấn đề cử tri rất quan tâm nhưng chưa được trả lời thỏa đáng. Cử tri Đặng Đình Thăng, Phan Ánh, Vũ Quốc Chiến (Q. Thanh Khê) quan tâm nhiều đến vấn đề xây dựng luật và cho rằng hiện tại vẫn còn không ít luật bị “treo”. Ở một góc độ khác, cử tri Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Sừng (Q. Liên Chiểu) cho rằng luật chúng ta đã có và rất nghiêm minh tuy nhiên việc áp dụng luật lại chưa nghiêm nên làm giảm hiệu quả răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
ĐB Huỳnh Nghĩa thừa nhận, trong thực tế vấn đề này là có và cho biết, trong chương trình xây dựng Luật, QH cũng đã bàn nhiều và đã tiến đến xây dựng những luật cụ thể nhưng khi ban hành luật rồi nhưng các Nghị định, Thông tư dưới luật lại chậm ban hành dẫn đến tình trạng Luật bị “treo” như phản ảnh của cử tri.
P. Kiếm – T. Dũng