Báo Công An Đà Nẵng

Những vụ án bí ẩn liên quan đến bệnh viện

Thứ hai, 27/07/2015 12:07

(Cadn.com.vn) - Mặc dù nhiều thập kỷ đã trôi qua, nhưng những bí ẩn dưới đây liên quan đến số phận con người và bệnh viện vẫn chưa được “giải mã”.

Vụ án Pavulon

Mùa hè năm 1975 là thời điểm kinh hoàng, chết chóc đối với các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Cựu chiến binh ở Ann Arbor, bang Michigan, Mỹ. Theo đó, chỉ trong vòng 6 tuần, 35 bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp ở đây bị kẻ lạ mặt tấn công. 11 trong số này đã thiệt mạng. Theo Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), hầu hết các nạn nhân bị tiêm trái phép Pavulon, thuốc giãn cơ gây mê qua đường tĩnh mạch. Nghi ngờ đổ dồn vào 2 y tá người Philippines, tên Leonora Perez và Filipina Narciso.  Mặc dù 2 y tá đều bác bỏ và không có nhiều bằng chứng tin cậy, nhưng vào tháng 7-1977, 2 người này bị tuyên án 10 tội danh ngộ độc, 5 tội giết người, và 1 tội âm mưu giết người. Vụ án gây tranh cãi và bất bình trong dư luận, bị quy là phân biệt chủng tộc. 7 tháng sau khi xét xử, bản kết tội của tòa bị lật ngược do những cáo buộc là bịa đặt. Narciso và Perez được tha. Cho đến nay, hơn 40 năm trôi qua người ta vẫn chưa tìm ra thủ phạm đích thực.

2 y tá người Philippines, Leonora Perez (phải) và Filipina Narciso.

Sự biến mất bí ẩn của sản phụ Benita Chamberlin

Ngày 13-2-1978, một phụ nữ tên là Benita Chamberlin, 24 tuổi đến Bệnh viện Đa khoa Thánh Tâm ở Eugene, Oregon chờ sinh. Do sinh sớm trước 5 tuần nên đứa trẻ phải nuôi trong lồng kính thêm một thời gian trước khi được xuất viện. Sáng 23-2, khi quay trở lại bệnh viện đón con, Benita Chamberlin bất ngờ biến mất bí ẩn cùng con. Sau đó, chiếc xe bị bỏ rơi của Chamberlin được tìm thấy tại một nhà máy gần đó. Vài tuần sau, cảnh sát phát hiện túi nhựa có đùi người bị cắt rời trong một thùng rác công cộng. Người ta cho rằng, rất có thể Chamberlin đã bị sát hại sau đó phi tang bằng cách cắt rời thi thể. Tuy nhiên, đến nay, sau 37 năm, vẫn chưa ai tìm được lời giải cho vụ án này.

Tỷ lệ tử vong bất thường

Từ tháng 6-1980 đến tháng 3-1981, Bệnh viện điều trị bệnh nhi Toronto, Canada (THSC) đạt “kỷ lục đáng sợ”: tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh tăng hơn 600%. Cái chết đáng ngờ đầu tiên diễn ra vào sáng 30-6-1980, khi bé Laura Woodcock mới được 18 ngày tuổi chết đột ngột. 9 tháng tiếp theo, có khoảng 40 trẻ sơ sinh khác qua đời trong hoàn cảnh tương tự. Ngay sau đó cơ quan điều tra vào cuộc và phát hiện dư lượng thuốc tim digoxin trong máu của nạn nhân. Đến cuối tháng, y tá Susan Nelles bị bắt về tội giết người. Mặc dù vậy, do không có bằng chứng, các cáo buộc chống lại nữ y tá này đã được gỡ bỏ vào tháng 5-1982. Trong những năm gần đây, có giả thuyết mới cho rằng, những đứa trẻ sơ sinh này không hề bị sát hại. Có thể, dư lượng digoxin tiết ra từ nút bịt cao su lọ chứa nhóm thuốc tiêm IV và từ các ống tiêm nhựa, vô tình gây ra phản ứng nguy hiểm gây tử vong. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giả thiết, còn nguyên nhân chính thức hiện vẫn chưa được giải mã.

Bác sĩ tử thần “Dr. X” là ai?

Tháng 12-1965, bệnh nhân cao tuổi Carl Rohrbeck nhập Bệnh viện Riverdell ở Oradell, New Jersey để phẫu thuật thoát vị. Bác sĩ phẫu thuật, Dr. Mario Jascalevich là người trực tiếp thực hiện ca mổ, nhưng vào phút chót quyết định hủy phẫu thuật, làm cho bệnh nhân Rohrbeck chết ngay sau đó. Gần 1 năm sau, 8 bệnh nhân khác qua đời không rõ nguyên nhân sau khi được nhận vào Viện Riverdell để chữa trị.

Tháng 10-1966, người ta tìm thấy một vỏ chai chứa tubocurarine, chất giãn cơ gây mê trong hòm có khóa của bác sĩ Jascalevich. Tuy nhiên, Jascalevich phủ nhận những cáo buộc. Sau cuộc điều tra nội bộ, Jascalevich lặng lẽ từ chức và rời khỏi bệnh viện. Nhiều năm sau, Myron Farber, phóng viên tờ New York Times nhận được thư nặc danh liên quan đến những cái chết đáng ngờ tại Bệnh viện Riverdell. Myron Farber quyết định điều tra. Và để đảm bảo an toàn cho Jascalevich, tên nhân vật được đổi thành “Dr. X”. Nhờ hàng loạt phóng sự của Farber, cơ quan chức năng vào cuộc, khai quật 5 trong số các nạn nhân của Jascalevich. Kết quả, dư lượng tubocurarine được tìm thấy trong 3 thi thể. Jascalevich bị buộc tội giết người.  Tuy nhiên, do thiếu bằng chứng, 2 trong số các tội giết người chống lại Jascalevich đã bị bác bỏ. Năm 1978, Jascalevich được tuyên bố trắng án trong 3 vụ giết người khác và từ đây vị bác sĩ này được gọi là “Dr. X”.

Kim Hùng
(Theo Listverse)