Những vụ án mang tên “bồng bột” (2)
* Bài cuối: Kỹ năng sống cho giới trẻ - câu chuyện cấp thiết
(Cadn.com.vn) - Có bao nhiêu vụ ẩu đả, cố ý gây thương tích (CYGTT) dẫn đến hậu quả nghiêm trọng xuất phát từ nguyên nhân bộc phát? Chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng chắc chắn, con số này đang ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Đâu là nguyên nhân của vấn đề này?
Nhiều năm gắn bó trong ngành CA, trung tá Phan Ngọc Dũng- Đội Trưởng Đội CSĐTTP về TTXH CAQ Liên Chiểu không còn nhớ đã tiếp xúc bao nhiêu đối tượng liên quan đến gây rối, cố ý đánh người gây thương tích. Anh cho biết, nguyên nhân chính gây nên những mầm mống của các loại tội phạm này đều xuất phát từ sự nông nổi, bốc đồng, nhận thức lệch lạc, phiến diện, cùng những ảnh hưởng tiêu cực từ sự tràn lan của hình ảnh, phim ảnh bạo lực, các tít đề giật gân, câu khách trên các trang mạng xã hội, tác động tiêu cực của đời sống kinh tế thị trường… Phần lớn các đối tượng trong diện này là giới trẻ, ở độ tuổi từ 14 đến dưới 30.
Đồng quan điểm này, đại úy Nguyễn Việt Hùng- Phó CAP Hòa Minh (Q. Liên Chiểu) cho rằng, còn có một nguyên nhân không kém phần quan trọng dẫn đến tình trạng bạo lực xã hội ngày càng có chiều hướng gia tăng, chính là giới trẻ ngày nay thiếu đi sự quan tâm, giáo dục đúng cách từ gia đình và xã hội. Theo đó, có một bộ phận không nhỏ giới trẻ ngày nay thiếu kỹ năng sống ngay từ bé, đặc biệt là kỹ năng trong giao tiếp. Đại úy Hùng đơn cử: “Thời chúng ta còn bé, chúng ta được bố mẹ rồi xã hội tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt tập thể. Theo đó, ngoài thời gian học ở trường được giao tiếp với bạn bè, chúng ta còn được giao tiếp với bạn bè trong khu phố nơi mình ở. Việc giao tiếp trực tiếp vô cùng quan trọng, giúp hình thành nên trong mỗi đứa trẻ các kỹ năng sống để có cách ứng xử, hành xử đúng mực với mọi người xung quanh.
Cụ thể, trẻ sẽ học được nhiều kỹ năng như: kỹ năng quan sát, kỹ năng nhận biết tâm tính, tính cách của bạn bè để tùy theo “nết ăn”, “nết ở” của nhau mà có cách “đối nhân xử thế” phù hợp… Việc tổ chức các trò chơi, sinh hoạt nhóm sẽ giúp trẻ hình thành nên cách biết phân công công việc, biết nhường nhịn lẫn nhau… Trong khi đó, giới trẻ ngày nay ngoài việc học ở trường và đi học thêm, phần lớn đều bị “nhốt” trong nhà. Phương tiện mà chúng thường xuyên giao tiếp nhất chính là tivi, máy tính, ĐTDĐ có nối mạng. Sống trong thế giới ảo, nói chuyện, “chém gió” với nhau cả ngày thông qua những con chữ đánh trên máy tính vô cảm xúc, nên ngôn ngữ trong giao tiếp, đối thoại của một bộ phận giới trẻ ngày nay đã bị giới hạn... lâu dần hình thành nên thói quen không muốn nói cũng như không thích nghe người lớn nói. Thiếu kỹ năng giao tiếp nên khi đối diện với những ngôn ngữ đối thoại ngoài đời, chỉ cần nghe hơi chướng tai, chỉ cần thấy hơi chướng mắt... là không kiềm chế được bản thân, dễ bị đối tượng xấu lợi dụng, kích động để làm nên điều xấu”.
Thiếu sự quan tâm, giáo dục, nhiều trẻ bỏ nhà đi hoang hoặc đi chơi đêm quá khuya... |
Sống trong môi trường xã hội có quá nhiều vấn đề đáng bàn như thời nay, nhiều phụ huynh tâm sự rằng họ cảm thấy... “bất lực” trong việc dạy dỗ con cái vì không biết phương pháp nào là đúng. Nghiêm khắc với con quá thì sợ dẫn đến tác dụng ngược; nuông chiều quá thì sợ con hư. Lại có không ít bố mẹ có suy nghĩ rằng, đời mình cực khổ nhiều rồi nên cố ráng làm việc để chu cấp đầy đủ cho con được sung sướng. Từ suy nghĩ đó, nhiều người lao vào cuộc mưu sinh, kiếm thật nhiều tiền để chu cấp đầy đủ các yêu cầu sinh hoạt, học tập của con; bỏ quên hoặc phó mặc việc dạy dỗ con cái cho nhà trường. Lại có không ít bậc làm cha, làm mẹ có quan niệm, thương con là không cho con đụng tay, đụng chân vào bất kỳ công việc nhà; miễn chúng chăm học là “OK”... Từ việc quan tâm, giáo dục không đúng cách ấy, đã có nhiều đứa trẻ ngay từ bé đã rất ích kỷ, luôn cho mình là “số 1”! Lại có không ít đứa trẻ “cô đơn” ngay chính trong ngôi nhà của mình; không biết chia sẻ, tâm sự cùng ai nên lấy mạng xã hội... làm nguồn vui sống của mình.
Mặt khác, quan niệm về sự ngoan ngoãn của một đứa trẻ trong xã hội ngày nay cũng đã có nhiều điểm khác trước rất nhiều. Theo đó, trước đây, một đứa trẻ được xem là ngoan khi gặp người lớn biết vòng tay chào, biết “kính trên, nhường dưới”, biết giúp đỡ cha mẹ làm việc nhà đúng vừa sức của mình... Nếu học giỏi thì được xem là ngoan toàn diện. Theo đó, “học giỏi” chỉ là một trong những tiêu chí để đánh giá ngoan, chứ không phải là tiêu chí tiên quyết. Trong khi đó, quan niệm về sự ngoan của một đứa trẻ ngày nay phần nhiều đều dựa trên tiêu chí học giỏi, ít quan tâm đến các kỹ năng mềm khác của các em… Có không ít bố mẹ khi hay tin con mình vi phạm pháp luật đã ngớ người, vì trong mắt họ, con mình ở nhà “rất ngoan”, “chỉ biết lao vào học thôi…”!
Bên cạnh ảnh hưởng rất lớn từ môi trường giáo dục của gia đình và nhà trường, cũng cần nhận diện khách quan khi đánh giá về thực trạng thanh thiếu niên hễ nổi nóng lên là… “chưởng”, còn phải kể đến sự cộng hưởng bởi tác động tiêu cực từ đời sống xã hội mang lại, trong đó có… CNTT, truyền thông, phim ảnh. Mặt khác, khách quan mà nói, phim ảnh (kể cả phim ảnh chính thống) ngày nay khai thác quá nhiều tình tiết bạo lực. Có nhiều bộ phim dài tập khai thác quá nhiều tâm sinh lý tội phạm, quá trình hình thành và nung nấu trả thù… quá dài, đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức một bộ phận giới trẻ ngày nay. Có một bạn trẻ trong lúc trò chuyện đã buộc miệng bày tỏ quan điểm khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng trước nhận thức rất... sai lệch rằng: “Ác mới sống lâu, cô! Cháu thấy, những người hiền lành thường bị ức hiếp, bị xử ép và thường là... họ nghèo không à! Trên phim ảnh toàn chiếu vậy mà cô. Và thực tế, cháu cũng thấy vậy mà?”.
Người xưa có câu “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Trước khi phán xét ai đó, mỗi người cần nhìn nhận lại hành vi của chính mình cho thật thấu đáo. Theo đó, việc giới trẻ ngày nay trở nên manh động, nóng nảy, thiếu kiềm chế bản thân, thiếu sự nhường nhịn lẫn nhau trong cuộc sống và... đang có chiều hướng “vô cảm” hơn trước những hành động xấu, hành động không đẹp từ người khác, ngoài nguyên nhân khách quan bên ngoài tác động vào, còn phải kể đến nguyên nhân do thiếu sự quan tâm, giáo dục, hình thành kỹ năng sống đúng cách cho trẻ ngay từ trong môi trường gia đình. Xin đừng cho đó là chuyện nhỏ và là chuyện của riêng nhà trường. Đừng đổ lỗi tất cả cho xã hội. Bởi xét cho cùng, môi trường mà trẻ được giao tiếp, sống nhiều nhất vẫn là gia đình. Không nên để đến khi sự việc xảy ra rồi mới thốt lên “giá như...”. Lúc đó đã là quá muộn!
P. Thủy