Báo Công An Đà Nẵng

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8:

Niềm tin của nhà đầu tư ngoại đối với kinh tế Việt Nam vẫn được khẳng định

Thứ sáu, 31/08/2018 07:24

Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 với rất nhiều nội dung quan trọng cả về kinh tế - xã hội (KT- XH) và xây dựng thể chế diễn ra ngày 30-8.

Đề cập đến 10 nội dung của Phiên họp lần này, trong đó nhiều nội dung sẽ được báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp cuối năm 2018 sẽ khai mạc cuối tháng 10 tới, Thủ tướng đề nghị các thành viên dự họp cho ý kiến toàn diện, tập trung vào các vấn đề còn có ý kiến khác nhau để Chính phủ thảo luận, biểu quyết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Công nghiệp là động lực tăng trưởng

Nhấn mạnh đến tình hình KT- XH tháng 8; 8 tháng 2018 và kế hoạch 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ trưởng, nhất là các ngành kinh tế tổng hợp, các khối có các góc nhìn toàn diện, với trách nhiệm cao nhất, đánh giá cụ thể cả thành tích và hạn chế để từ đó, phân tích làm rõ nguyên nhân; đề ra các giải pháp phù hợp.

Đánh giá chung tình hình kinh tế tháng 8, tốt hơn tháng 7, Thủ tướng nêu rõ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 0,45%, bình quân 3,52%, ước cả năm tăng dưới 4% theo đúng chỉ tiêu của Quốc hội.

Trong bối cảnh quốc tế và trong nước phức tạp như vậy, nhưng do chính sách điều hành phù hợp, nhất là chính sách tiền tệ nên lạm phát không tăng trong khi “nhiều nước bị chao đảo” về vấn đề này, Thủ tướng phân tích.

Cùng với đó, các ngành kinh tế chủ yếu có xu hướng tăng tốt hơn; trong đó công nghiệp tháng 8 tăng 13,4% trên nhiều lĩnh vực. “Đây là động lực tăng trưởng nhiều nhất để đóng góp vào tăng trưởng GDP”,  Thủ tướng nói và cho biết, tổng mức bán lẻ tăng gần 12%, xuất nhập khẩu 14,5%. Cả nước đã có trên 25 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Xuất siêu giữ được mức 2,8 tỷ USD. Nguồn vốn đầu tư có sự cải thiện rõ nét. Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước tháng 8 tăng gần 7%;  8 tháng tăng 11,3% so với kế hoạch năm. Thu hút FDI đạt trên 19 tỷ USD, vốn thực hiện lên đến 11,5 tỷ USD. Vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài 5.28 tỷ USD tăng 50,9%.

“Niềm tin của nhà đầu tư ngoại đối với kinh tế Việt Nam vẫn được khẳng định, trong bối cảnh tình hình quốc tế đang có nhiều yếu tố phức tạp”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng bày tỏ vui mừng trước việc, trong tháng 8, đã có trên 67 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 2,4% so với tháng trước về số doanh nghiệp và tăng 6,9% về vốn đăng ký. Đáng chú ý, gần 21 ngàn doanh nghiệp hoạt động trở lại, văn hóa, xã hội phát triển. Trong 8 tháng vừa qua, số hộ thiếu đói giảm 8,7%, số nhân khẩu thiếu đói giảm 40,4%. Các cấp, ngành đã tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống người dân.

Quốc phòng, an ninh đối ngoại được tăng cường, chính trị ổn định, uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục tăng. Các tổ chức quốc tế đánh giá cao tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, Thủ tướng cho biết thêm.

Nhấn mạnh đến việc Việt Nam đăng cai tổ chức WEF-ASEAN 2018 vào tháng 9 tới tại Hà Nội, Thủ tướng nhấn mạnh đây là sự kiện đối ngoại quan trọng nhất năm 2018 của đất nước, với nhiều lãnh đạo các nền kinh tế lớn tham dự. Do đó, Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao, các cấp, các ngành cần làm thật tốt công tác chuẩn bị cho sự kiện này.

Về những tồn tại, hạn chế, Thủ tướng nhắc đến tình hình thiên tai vẫn diễn biến phức tạp; trong khi đó nhiều  địa phương còn chưa có kế hoạch cụ thể để đối phó. Bên cạnh đó, giá cả nông sản, vấn đề khai thác bất hợp pháp thủy sản. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành liên quan xử lý nghiêm một số cơ quan báo chí đăng tin bôi xấu cá tra Việt Nam vì đây là những mặt hàng chủ  lực, liên quan đến phát triển kinh tế và đời sống người dân Việt Nam.

Có thể 8 chỉ tiêu sẽ vượt kế hoạch

Đánh giá sơ bộ về tình hình KT- XH 8 tháng và ước cả năm 2018, Thủ tướng nhận định, qua phân tích số liệu, có thể trong số 12 chỉ tiêu Quốc hội giao, sẽ có 8 chỉ tiêu vượt, 4 chỉ tiêu đạt. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt trên 6,7%; thu ngân sách vượt dự toán 3-5%. Các chỉ tiêu khác cũng có thể sẽ vượt cao, nhất là xuất siêu; nợ công giảm, lạm phát giữ được ở mức dưới 4% theo Nghị quyết Quốc hội giao.

Thủ tướng cũng đề nghị tại Phiên họp lần này, các thành viên Chính phủ tích cực  thảo luận các chỉ tiêu, định hướng kế hoạch KT- XH 2019 và giai đoạn 2019 – 2021.

Về mức tăng trưởng cho giai đoạn này, Thủ tướng đề nghị ở mức từ 6,5 – 6,7%; các thành viên Chính phủ cần phân tích, đánh giá cụ thể, toàn diện trên cơ sở quy mô nền kinh tế Việt Nam, diễn biến và hậu quả chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xu hướng bảo hộ thương mại lan rộng ở nhiều nước...

Đối với những nhiệm vụ năm 2018, Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian từ nay đến hết năm còn dài, các yếu tố thiên tai, lũ lụt vẫn ở trước mắt, việc hoàn thành kế hoạch năm 2018 vẫn là một thách thức lớn trong quản lý, điều hành và đòi hỏi một sự nỗ lực lớn của các cấp, các ngành.

Tại phiên họp, Chính phủ nghe, thảo luận về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình bày tóm tắt Báo cáo tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết; tình hình ban hành văn bản cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; kết quả kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng tháng 8-2018; nghe, cho ý kiến về các báo cáo đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước quốc gia 3 năm 2019-2021...

Quang Vũ