Niềm tin, khát vọng vào sự học vùng biên giới
(Cadn.com.vn) - Sau bao năm mong ước về một ngôi trường khang trang, về một khu nhà nội trú dành cho con em học sinh vùng biên giới của thầy cô giáo giờ đây đã thành hiện thực. Những công trình mới không chỉ mang lại điều kiện ăn ở, học tập cho học sinh, mà còn trở thành động lực, niềm tin cho đội ngũ giáo viên nỗ lực phấn đấu dạy học nơi vùng sâu biên giới.
Được ăn ở nội trú ngay trong trường học, các em học sinh Trường THCS và THPT Hóa Tiến phấn khởi thi đua, nỗ lực học tập. |
Công trình trường học nối nhịp tương lai
Ngay trong năm học 2016 - 2017, thầy trò Trường THCS và THPT Hóa Tiến (xã Hóa Tiến, huyện biên giới Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) phấn khởi đón nhận công trình khu nhà ở nội trú dành cho con em học sinh vào sử dụng. Ngày khánh thành, nhận bàn giao công trình, nhiều giáo viên, phụ huynh, học sinh không kìm được niềm xúc động vì quá vui sướng. Bởi nói như lời tâm sự của thầy giáo Đinh Xuân Thọ - Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Hóa Tiến, công trình nhà ở dành cho học sinh là niềm khát khao, mong ước bấy lâu nay của không chỉ thầy trò, mà còn là niềm ước mơ của người dân, phụ huynh các xã vùng biên giới Việt – Lào. Trước đây, học sinh các xã biên giới ở Minh Hóa như Hóa Sơn, Dân Hóa, Trọng Hóa, Thượng Hóa tốt nghiệp THCS xong sẽ phải thi vào Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh. Nếu em nào thi đậu thì tiếp tục xách ba lô về Đồng Hới học tập để viết tiếp ước mơ. Còn em nào không đậu thì phải về xã Hóa Tiến thuê nhà để tiếp tục đi học.
Do điều kiện kinh tế các xã biên giới còn rất nhiều khó khăn nên chỉ một số học sinh đến trường, còn phần lớn phải bỏ học giữa chừng. Chính vì vậy, việc đưa vào sử dụng nhà nội trú dành cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số và học sinh nghèo thực sự có một ý nghĩa rất thiết thực. Công trình đã tạo điều kiện thuận lợi cho con em học sinh các xã biên giới Minh Hóa có điều kiện đến trường, ăn ở, học tập tốt hơn; là điều kiện giúp nhà trường, ngành GD-ĐT địa phương duy trì được sĩ số học sinh đến lớp, ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Đây có thể xem là một trong những giải pháp hiệu quả mà chính quyền địa phương, ngành GD-ĐT thực hiện giúp các trường học tháo gỡ khó khăn nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục miền núi, vùng biên giới.
Thụ hưởng nhiều chế độ chính sách, học sinh các xã biên giới được tiếp thêm niềm tin, nghị lực đến trường. |
Chắp cánh niềm tin, khát vọng
Công trình nhà ở bán trú học sinh được UBND tỉnh Quảng Bình đầu tư xây dựng hơn 10 tỷ đồng, với thiết kế 20 phòng ở (phòng khép kín, có 3 giường đôi ở được 6 học sinh), một nhà ăn tập thể có căng tin với sức chứa 300 người và một nhà thi đấu thể thao. Thầy Đinh Xuân Thọ phấn khởi nói: “Trong thời gian qua, nhà trường gặp phải vô vàn khó khăn, nhất là vấn đề thiếu hệ thống cơ sở vật chất, nhà ở cho học sinh. Tuy nhiên, từ khi có khu nhà ở nội trú cho học sinh, nhà trường đã triển khai được nhiều giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng dạy và học. Các em không chỉ được học ngày 2 buổi, mà còn được giáo viên kèm cặp, phụ đạo kiến thức vào buổi tối. Việc tổ chức các hoạt động ngoài giờ sẽ phong phú, sinh động hơn. Tất cả những giải pháp đó đều tập trung cho mục tiêu giúp học sinh phát triển được năng lực, phẩm chất theo hướng toàn diện”.
Hiện khu nội trú của Trường THCS và THPT Hóa Tiến có hơn 60 em học sinh được ăn ở nội trú thường xuyên. Các em ở đây chủ yếu là con em đồng bào các dân tộc ở biên giới và những em hộ nghèo, nhà cách trường hơn 10km nhưng không có điều kiện để đi về trong ngày. Theo chế độ nội trú, mỗi ngày một em được ăn 3 bữa với số tiền là 33 nghìn đồng, ăn từ thứ 2 đến thứ 6. Ngoài ra, các em còn được hỗ trợ thêm tiền sách vở, chi phí đi lại vào dịp cuối tuần. Những chế độ chính sách này đã tạo động lực rất lớn cho học sinh các xã biên giới đến trường. Em Hồ Thị Tình - học lớp 11A2, Trường THCS và THPT Hóa Tiến, vui mừng nói: “Nhờ có chế độ nội trú nên chúng em mới được đi học. Dù cuộc sống gia đình vẫn còn khó khăn nhưng em sẽ cố gắng học thật tốt để sau này trở thành cô giáo dạy các em nhỏ trong bản”.
Cũng như Hồ Thị Tình, nhiều học sinh nghèo ở bản Y Leeng (xã Dân Hóa) khi chưa có nhà ở nội trú, các em phải thuê phòng ở mỗi tháng mất 300 nghìn đồng (chưa kể tiền điện nước). Ngoài ra, các em còn phải lo rất nhiều chi phí cho cuộc sống nên mỗi tháng gia đình phải hỗ trợ thêm khoảng 600 nghìn đồng. Nhưng từ khi được ở nội trú, gia đình không phải chu cấp các khoản đó nữa nên các em càng gắn bó với trường lớp. Em Hồ Lum, học lớp 10A2, xã Trọng Hóa, nói: “Nếu không có công trình nội trú chắc em cũng bỏ học như nhiều anh chị thế hệ trước thôi. Giờ đây, được đi học, được ăn ở, đi lại miễn phí nên chúng em rất yên tâm học tập”.
Chứng kiến việc đưa công trình nhà ở nội trú dành cho học sinh vào sử dụng, ông Hồ Phin - Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa không giấu được niềm vui: “Trước đây, có rất nhiều em học sinh trên địa bàn học xong lớp 9 phải bỏ học vì không thi đậu vào trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh hoặc do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên không thể học các trường khác. Điều này khiến chính quyền địa phương hết sức băn khoăn, trăn trở. Bởi thế, công trình khu nhà ở nội trú dành cho con em học sinh, cũng như các công trình trường lớp ngày một đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại nơi vùng biên giới này sẽ tạo dựng một diện mạo mới cho giáo dục vùng khó”.
Khải Minh