Niềm vui còn lại chút này...
Trên hai mươi năm đi làm báo với biết bao vui buồn, một câu chuyện dài nhiều tập mà tôi chưa có dịp viết ra. Nhiều người trong số bạn bè cùng thời với tôi, thời bao cấp hầu như đều đến với nghề làm báo tình cờ bằng tất cả đam mê, hồn nhiên hơn các bạn trẻ sau này. Khi về hưu, ngồi điểm lại từng khuôn mặt thân quen, tôi thấy gần như mỗi người đã tự khắc họa chân dung mình trong cái nghề đầy khắc nghiệt này.
Tôi làm báo kinh tế, nên có nhiều cơ hội để tiếp cận với các doanh nhân ngay từ thời bao cấp. Chuyện của họ thì nhiều, tôi cũng mong có dịp kể ra để thấy đất nước mình nó bất cập ngay từ những ngày gian khó ấy. Quen nhiều, nhưng ít người mình thân thiết, thậm chí rất mau quên vì chỉ tiếp cận, tác nghiệp báo chí mà thôi, ít mấy ai cùng hội cùng thuyền. Thế mà trong số các doanh nhân ấy, vẫn còn vài người luôn gần gũi, thân thiết với tôi cho đến tận ngày nay. Một trong những người tôi yêu quý, kính trọng lâu bền, đó là anh Huỳnh Văn Chính, người đã tạo dựng một thương hiệu lớn cho Đà Nẵng bằng chính tâm huyết của mình. Anh đã khốn khổ, thậm chí có khi suýt đánh đổi cuộc đời mình vì sự sống còn và phát triển của Công ty Dệt may 29-3. Ở đây tôi không khen, không viết báo nữa đâu, mà chỉ muốn nhắc đến một người bạn, một doanh nhân đặc biệt mà tôi ngưỡng mộ. Đâu dễ ai cũng có một tác phẩm trong đời như anh. Làm kinh tế ăn xổi thì nhiều, nhưng để lại tên tuổi vì lợi ích cho cuộc đời này mới khó. Lẽ ra khi tuổi già, anh cần quan tâm để lại tiền của cho con cháu hơn, làm cả đời khổ nhọc mà, ai chẳng mong như thế. Nhưng, Huỳnh Văn Chính lại ngồi nhặt nhạnh từng bản thảo từ những bài thơ của thời niên thiếu, thơ vui nói lái sau này, đặc biệt là những hồi ức thấm đẫm tình yêu gia đình, quê hương, đất nước sâu nặng trải dài suốt cuộc đời mình để lưu lại cho con cháu mai sau. Một đời nhả tơ chất chứa bao thăng trầm dâu bể, bao lo toan, hạnh phúc từng ngày mà cả một đời anh hiến tặng cho đời: “Ta chừ còn lắm lao đao/Lòng ta rừng biển rì rào quanh năm/Đã tình nguyện một kiếp tằm/Khó khăn vẫn phải góp phần nhả tơ...”.
Thực ra, đọc lại những bài thơ thời anh còn là cậu học trò trường Trần Quý Cáp, Hội An mới thấy Huỳnh Văn Chính đã yêu thơ văn từ ngày ấy. Chiến tranh điêu tàn vẫn không làm tan hết mộng mơ: “Thôi thì thôi, thế là thôi/ Đời thư sinh đã hết hồi mộng mơ/Chỉ còn đây những câu thơ/Chỉ còn đây những đợi chờ lãng quên”.
Huỳnh Văn Chính vẫn một đời mộng mơ, cho dù con đường văn chương với anh chỉ là niềm vui nhỏ. Đọc thơ tình thời trai trẻ tôi càng hiểu thêm gốc gác của anh, một chàng trai đa tình, đầy lãng mạn: Bốn câu thơ viết cho một tà áo trắng bay phía trời mây Cửa Đợi mang đầy thương nhớ tuổi hai mươi: “Ngần xanh xanh ngát không gian/Trắng hoang dã trắng dặm ngàn bờ xa/Mang thương nhớ ngọn phù sa/ Cho tôi hóa gió ru tà áo em”.
Tôi cũng có một thời đắm say như thế, đọc lại thơ “thời cắp sách” của anh tôi nhớ đến mình. Tâm hồn trong veo, đắm đuối với văn chương lại rẽ sang con đường khác, thế mà anh vẫn thành công. Có ai muốn rẽ thế đâu, “nếu một cộng với một cho em là hai, nếu đất cộng trời cho em tạo hóa” thì anh đã cộng niềm khát khao của mình để được là mình, dù sống giữa đô la, giữa cạnh tranh mua bán từng ngày mà lòng anh vẫn đau đáu nhớ quê, yêu từng con đường làng, vẫn ôm ấp từng câu thơ, từng dòng hồi ức về một thời gian khó đã qua. Anh đã “cộng đất trời” để cuối cuộc đời được gần gũi với văn chương, sống lại với mơ ước, những đợi chờ ngỡ đã lãng quên.
Không chỉ thơ trữ tình, Huỳnh Văn Chính còn là một hiện tượng hiếm có về thơ nói lái, một đặc trưng của xứ Quảng. Tôi thì không mê lắm, nhưng nhiều người, nhất là giới báo chí văn nghệ đều ít nhiều công nhận tài trào phúng, đối ứng của anh “nhanh như điện”, thông minh, giàu hình ảnh. Có thể sau này người ta sẽ ít nhớ Huỳnh Văn Chính là một doanh nhân mà thơ vui, nói lái của anh chắc họ sẽ khó quên. Cũng chưa biết đến một ngày nào đó, các nhà nghiên cứu về loại hình văn học này sẽ tìm hiểu và phân tích sâu hơn về thơ nói lái của Huỳnh Văn Chính.
Mỗi người đều có số phận riêng, buồn vui nhiều khi chẳng biết tỏ bày cùng ai. Trải qua bao nhiêu thăng trầm, sóng gió, những được mất ở đời, cả những người nổi tiếng họ còn chưa lý giải hết thì mấy ai dám khẳng định sự nghiệp của một con người bình thường, một doanh nhân thành đạt nặng nợ với văn chương như anh Huỳnh Văn Chính. Tôi là người em, người bạn lâu năm của anh, thật lòng vui mừng với anh về những thành công trong cuộc sống. Và điều lớn lao, đáng quý trọng nhất, đó là cách sống đầy nhân nghĩa của anh với cuộc đời này. Tôi vẫn tin rằng, có được điều lớn lao ấy chính là nhờ ở tình yêu đắm say văn chương của anh, chính từ tâm hồn của một người yêu thơ cháy bỏng.
Nguyễn Ngọc Hạnh