Báo Công An Đà Nẵng

Nikki Haley – "ngôi sao" của Mỹ tại LHQ

Thứ bảy, 21/04/2018 13:56

Với những phát ngôn cứng rắn về vấn đề Triều Tiên cũng như tuyên bố Mỹ sẵn sàng tấn công Syria trong các cuộc họp của HĐBA LHQ gần đây, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đã thể hiện vai trò một nhà ngoại giao "ngôi sao" của Washington trên trường quốc tế.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley.    Ảnh:AP

"Một ngôi sao đột phá của nội các Trump"

Bà Haley được Tổng thống Mỹ Donald Trump bổ nhiệm làm Đại sứ thứ 29 của Mỹ tại LHQ kể từ ngày 27-1-2017. Khi đề cử, ông Trump cho rằng, bà Haley là một "nhà thương thuyết giàu kinh nghiệm", người có "thành tích đưa mọi người xích lại với nhau bất kể nền tảng hay đảng phái".

Trong hơn một năm đảm nhận vị trí, Đại sứ Mỹ tại LHQ đã thể hiện như một làn gió mới, không nao núng, có nguyên tắc và hiểu biết. CNN cho rằng, bà là một trong những quan chức nổi tiếng nhất trong chính quyền Trump, "một ngôi sao đột phá của nội các Trump". Bà Haley gây ấn tượng với ông Trump khi đã thành công trong việc thúc đẩy HĐBA bổ sung các lệnh trừng phạt kinh tế lên Triều Tiên nhằm đáp trả loạt vụ thử tên lửa của nước này hồi năm 2017. Ban đầu, bà đề xuất một gói trừng phạt nghiêm khắc đến nỗi Nga và Trung Quốc chắc chắn sẽ bỏ phiếu phản đối. Sau đó, bà thương lượng một yêu cầu thỏa hiệp. Kết quả là, cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ đồng ý 15-0 chống lại Triều Tiên. Sau đó, bà cũng giành được sự nhất trí tuyệt đối của HĐBA thông qua một loạt trừng phạt mới đối với Triều Tiên.

Mới đây nhất, bà Haley cảnh báo "đạn sẽ lên nòng" nếu Syria tái diễn sử dụng vũ khí hóa học. "Chúng tôi tin rằng chúng tôi đã làm tê liệt chương trình vũ khí hóa học của Syria. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để lặp lại điều đó nếu chính quyền Syria thử chúng tôi một lần nữa", bà Haley nhấn mạnh trong cuộc họp khẩn của HĐBA ngày 14-4. Cuộc họp do Nga triệu tập sau khi Mỹ, Anh, Pháp không kích Syria rạng sáng 14-4.

Nữ thống đốc đầu tiên của Nam Carolina

Bà Haley sinh năm 1972 tại thị trấn Bamberg, bang Nam Carolina trong một gia đình có cha mẹ là người nhập cư Ấn Độ. Bà tốt nghiệp Đại học Clemson ngành kế toán. Bà từng cho biết, thật không dễ dàng gì khi lớn lên trong một thị trấn nhỏ ở Nam Carolina bởi nạn phân biệt chủng tộc ở đây. Năm 5 tuổi, bà Haley và chị gái bị loại khỏi một cuộc thi sắc đẹp tại Bamberg chỉ bởi họ không phải là người da trắng. Công việc đầu tiên của bà là làm sổ sách kế toán cho cửa hàng quần áo của gia đình khi mới 13 tuổi.

Bà Haley kết hôn với một sĩ quan quân đội Mỹ từng phục vụ ở Afghanistan. Họ có hai con. Ở Nam Carolina, bà Haley đi lễ tại một nhà thờ Kitô giáo, nhưng thỉnh thoảng bà vẫn tham gia các hoạt động của đạo Sikh bởi bà được nuôi dưỡng với đức tin đó. "Mẹ tôi đưa chúng tôi đến nhiều nhà thờ ở quê nhà bởi vì bà ấy muốn tôi nhìn thấy cách mà mọi người đến với Thiên Chúa và tôn trọng tất cả họ. Bà ấy thực sự muốn chúng tôi được tiếp xúc để chúng tôi không phán xét", bà Haley kể.

Bà Haley được bầu vào Nghị viện Nam Carolina từ năm 2004 và được bầu chọn lại nhiệm kỳ 2 vào năm 2006 và nhiệm kỳ 3 năm 2008. Trong cuộc bầu cử thống đốc Nam Carolina năm 2010, bà Haley được cựu Thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney và cựu Thống đốc Alaska Sarah Palin đề cử. Bà Haley giành 65% số phiếu và đại diện đảng Cộng hòa ra tranh cử và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử thống đốc trước ứng viên Vincent Sheheen của đảng Dân chủ.

Bà Haley trở thành nữ thống đốc đầu tiên của Nam Carolina vào năm 2011 và cũng là nghị sĩ đảng Cộng hòa thiểu số đầu tiên nắm giữ chức vụ này. Là thống đốc Nam Carolina trong 6 năm, bà Haley giảm tỷ lệ thất nghiệp ở tiểu bang xuống mức thấp nhất từ trước đến nay cũng như tạo thêm 85.000 việc làm tại đây. Trong bài diễn văn cuối cùng tại Nam Carolina, bà Haley tự hào nhận xét về những tiến bộ của Nam Carolina trong giáo dục và bạo lực gia đình. Bà được mệnh danh là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất trong năm 2016.

Là thống đốc, bà Haley lãnh đạo Nam Carolina vượt qua cuộc thảm sát thảm khốc tại nhà thờ Charleston. Vào tháng 6-2015, Dylann Roof, một kẻ da trắng phan biệt chủng tốc đã bắn chết 9 người đang học Kinh thánh tại một nhà thờ dành cho người da đen trong bang. Sau thảm họa, bà Haley ký dự luật không sử dụng lá cờ liên minh miền Nam - vốn được xem là biểu tượng phân biệt chủng tộc - ở trụ sở thủ phủ bang South Carolina. "Lá cờ này là một phần của quá khứ nhưng không đại diện cho tương lai của bang chúng ta", bà Haley cho biết vào thời điểm đó.

Từng không ủng hộ ông Trump

Bà Haley ủng hộ ông Mitt Romney, ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa năm 2012, và Jenny Sanford, sau đó là đệ nhất phu nhân Nam Carolina, khi bà này tranh cử.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống nắm 2016, bà Haley ủng hộ Thượng nghị sĩ Florida Marco Rubio. "Chúng tôi có nhiều người giỏi chạy đua tổng thống, và tôi cảm ơn họ ngày hôm nay vì sự hy sinh và sẵn sàng phục vụ của họ. Nhưng nhiệm vụ của tôi là tìm ra người mà tôi nghĩ có thể làm tốt nhất", bà Haley phát biểu vào thời điểm đó. Tuy nhiên, sau đó, ông Trump giành chiến thắng tại Nam Carolina. Kể từ đó, bà Haley cho biết sẽ bỏ phiếu cho ông Trump trong cuộc tổng tuyển cử.

AN BÌNH