Báo Công An Đà Nẵng

Nỗ lực bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa

Thứ tư, 05/02/2020 22:20

Với người dân nông thôn Hòa Vang (TP Đà Nẵng), mỗi di tích cổ xưa đều gắn với rất nhiều thăng trầm lịch sử của dân làng, để rồi trong tâm thức của người đi xa mỗi lần nghĩ về nơi "chôn nhau, cắt rốn" lại thấy đau đáu, còn người ở lại thấy mình cần có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ, phát huy. Vì thế, trong quá  trình xây dựng nông thôn mới, Hòa Vang chủ trương nghiên cứu cụ thể từng vùng, miền có những đặc điểm khác nhau để làm thế nào vừa giữ được dáng dấp của làng quê, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương.

Dân làng Thái Lai (xã Hòa Nhơn, H. Hòa Vang) thực hiện nghi thức Tế cổ truyền tại lễ hội các đình làng.

Tại làng Quá Giáng (xã Hòa Phước), điều đặc biệt là tồn tại song song với vẻ bề ngoài đầy dáng dấp đô thị, ở nơi đây vẫn thấp thoáng một làng quê cổ kính đang được người dân gìn giữ như tài sản vô giá của cả cộng đồng. Tâm điểm của không gian ấy chính là sự hiện hữu của 3 di tích: Nhà thờ Chư phái tộc làng Quá Giáng được công nhận là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 2000; Đình làng Quá Giáng được TP công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa năm 2013; năm 2014, Nhà thờ tộc Đinh tiếp tục được công nhận là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp TP. Bên cạnh đó, điều giúp các tộc họ làng Quá Giáng lan tỏa chính là những nếp nhà được lớp người cao tuổi gìn giữ, từng ngày họ vẫn gói ghém nền nếp của gia đình để giáo dục con cháu.

Còn ở xã Hòa Nhơn, hiện có 7/15 ngôi đình được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp TP. Những lễ hội làng đều có lâu đời, bởi vậy đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành nét đẹp văn hóa, là nơi "về nguồn" ý nghĩa của biết bao thế hệ. Nét độc đáo ở mỗi lễ hội làng nơi đây đó là dù cuộc sống ngày càng hiện đại song mỗi người đều mong muốn được thành tâm dâng lên nơi thờ tự một vật phẩm do chính tay mình làm ra. Người thì dâng hoa, quả được trồng ở sân vườn; người thì đĩa xôi, con gà hay chục bánh nếp... cũng đều mang theo ước vọng cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Những người thôn quê hồn hậu ấy cũng vui hết mình với lễ hội, đặc biệt là những hoạt động mang tính cộng đồng của thế hệ trẻ. Để tiết kiệm chi phí và tránh thời gian giàn trải, từ năm 2018, chính quyền địa phương đã nỗ lực hợp nhất dân làng 15 thôn với gần 4 ngàn hộ dân cùng tổ chức chung một lễ hội các đình làng với chủ đề "Về với cội nguồn" vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương (mồng 10-3 âm lịch) hằng năm.

Gìn giữ nét đẹp văn hóa làng không chỉ giữ lại những gì mà ông, cha ta đã dày công vun đắp, mà qua đó còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ những nét văn hóa truyền thống của quê hương thì công tác tuyên truyền cần phải được đẩy mạnh hơn nữa để mỗi người dân thấy rõ trách nhiệm của bản thân, khẳng định mình là chủ thể trong quá trình tham gia xây dựng nông thôn mới và không làm mất đi bản sắc đặc trưng vùng nông thôn. Các dòng họ giáo dục con cháu xem đây là trách nhiệm và nghĩa vụ với chính dòng họ mình gắn với việc bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa quê hương; nỗ lực chăm sóc, bảo vệ các ngôi đình, miếu cổ; tiếp tục gìn giữ và phát huy truyền thống lễ hội của làng, có sức thu hút gắn với phát triển kinh tế - xã hội ngày càng văn minh giàu đẹp; góp phần thực hiện tốt Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về việc "Phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc"...

Cụ Nguyễn Đức Ngãi (thôn La Bông, xã Hòa Tiến) trải lòng, những người cao tuổi như ông rất lo sợ thời gian sẽ làm mất dần đi những giá trị văn hóa làng, sợ cuộc sống xô bồ của lớp trẻ sẽ không giữ nổi những gì mà cha ông ngày xưa để lại. Vì vậy, người dân quê ông đã tự nguyện hiến đất, đóng góp công sức xây mới ngôi đình bị chiến tranh hủy hoại hơn 50 năm trước. Bởi theo ông, dù có thay đổi, có công nghiệp hóa như thế nào đi chăng nữa thì vẫn phải lưu giữ nét quê, không chỉ trong không gian, cảnh vật mà trong cả tình cảm của con người "tối lửa, tắt đèn có nhau".

VY HẬU