Nỗ lực cung ứng hàng hóa cho người dân vùng phong tỏa
Dịch bệnh lây lan diện rộng, Đà Nẵng đã áp dụng biện pháp cách ly y tế, phong tỏa đối với nhiều khu vực trên địa bàn. Đặc biệt, tại điểm nóng quận Sơn Trà có đến 5 phường đã được phong tỏa nhiều ngày. Người dân trong các khu vực này được yêu cầu "nội bất xuất, ngoại bất nhập" nhưng việc cung ứng hàng hóa ban đầu còn chậm khiến người dân liên tục phản ánh.
Quận Sơn Trà đang nỗ lực tháo gỡ dần những khó khăn để cung ứng kịp thời nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân trong các khu phong tỏa.
Có khó khăn trong mua hàng hóa
Đợt dịch mới tại Đà Nẵng xuất phát từ chuỗi lây nhiễm tại Cảng cá Thọ Quang trên địa bàn quận Sơn Trà khiến địa phương này trở thành điểm nóng, đến nay con số dương tính mỗi ngày vẫn ở mức cao. Hiện, 5 phường trên địa bàn quận vẫn đang được phong tỏa gồm: Nại Hiên Đông, Thọ Quang, An Hải Bắc, Mân Thái và một phần Phước Mỹ. Nhằm kịp thời cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân, các địa phương đã tổ chức cho người dân ghi các mặt hàng cần mua vào phiếu gửi cho tổ trưởng tổ dân phố tổng hợp và chuyển cho đơn vị cung cấp hàng hóa. Người dân được khuyến khích mua hàng để dự trữ 3 ngày trở lên. Tuy nhiên, trong thời gian đầu áp dụng, người dân đợi nhiều ngày không có hàng.
Bà Nguyễn Thị N. (trú phường Mân Thái) cho hay, gia đình bà đã làm theo hướng dẫn của tổ dân phố nhưng những ngày đầu phải đợi cả tuần mới nhận được hàng. Thậm chí, khi nhận được hàng thì lại không đảm bảo chất lượng, nhiều mặt hàng dập úa. Cùng cảnh ngộ, chị Hoàng H. (trú phường An Hải Bắc) cho biết, chị cũng vất vả trong việc ăn uống vì có con nhỏ. Việc đặt mua bỉm, sữa cũng tương đối khó khăn. Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, trong các đợt kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên địa bàn quận Sơn Trà, một số người dân cũng đã phản ánh với ông về việc 3-4 ngày họ không có rau sạch.
Ông Nguyễn Thành Nam - Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà thừa nhận việc cung ứng hàng hóa cho người dân trong khu vực phong tỏa những ngày đầu còn chậm khiến người dân phản ánh. Tuy nhiên, hiện quận cùng các ngành chức năng liên quan đã phối hợp, tháo gỡ dần những khó khăn và cơ bản đáp ứng những nhu cầu về nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân. Theo ông Nam, để xảy ra tình trạng người dân phản ánh về việc thiếu lương thực thực phẩm nguyên nhân do đơn vị nhận cung ứng hàng hóa ban đầu là công ty Vựa miền Trung hạn chế năng lực nhưng lại nhận một lúc 3-4 ngàn đơn hàng của người dân. Đến khi đơn vị này không thể đáp ứng kịp thì lại giữ im lặng, bắt người dân phải chờ đợi. Sau khi sự việc xảy ra, quận đã cắt hợp đồng cung ứng ngay với công ty Vựa miền Trung. Hiện, đã có hơn 20 nhà cung ứng mới đủ năng lực đảm nhiệm việc cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân. Trong đó, có những đơn vị lớn như Công ty Đắc Vinh, Lotte, Big C, Co.opmart Sơn Trà…
"Các đơn vị này đảm bảo cung ứng đến 11 ngàn đơn hàng/ngày cho người dân trong khi con số đơn hàng thống kê từ người dân trong các khu phong tỏa cần trên địa bàn quận rơi vào khoảng 7-8 ngàn đơn/ngày", ông Nam nói đồng thời mong muốn người dân cùng chia sẻ với địa phương bởi trong bối cảnh dịch bệnh bủa vây, nguồn hàng không thể dồi dào, phong phú như những ngày thường nên chưa thể đáp ứng 100% nhu cầu cho tất cả người dân. Ông Nam cũng cho rằng, có một số đơn hàng của người dân địa phương không đáp ứng đầy đủ là do nằm ngoài khả năng. Nhiều trường hợp trong khu phong tỏa nhưng đòi mua trái cây sang, đắt tiền như nho Mỹ…
Tăng cường nguồn hàng
Để kịp thời cung ứng hàng hóa cho người dân, mới đây quận Sơn Trà đã trích ngân sách mua hơn 50 tấn hàng gồm rau củ quả và các nhu yếu phẩm thiết yếu chuyển xuống phân phát cho người dân. Ngoài ra, trong ngày 11-8, 30 tấn hàng là tấm lòng của người dân Quảng Nam cũng đã đến tận tay người dân đang gặp khó do dịch bệnh trong các khu phong tỏa tại Đà Nẵng.
Với tình dịch bệnh được dự báo còn kéo dài, Sở Công Thương đã đề nghị các doanh nghiệp, nhà phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, hộ tiểu thương ở các chợ lớn… chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu nhiều gấp 3 - 5 lần so với ngày thường, đảm bảo đủ phục vụ cho người dân thành phố trong nhiều tháng. Bà Lê Thị Kim Phương - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, sở đã làm việc với một số nhà phân phối, siêu thị, hộ tiểu thương lớn và cung cấp danh sách cụ thể các nhà phân phối, siêu thị, hộ tiểu thương lớn này cho quận Sơn Trà để quận phối hợp, hợp đồng với họ tổ chức cung ứng đủ và đa dạng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu cho người dân ở các phường, khu dân cư bị cách ly tế, phong tỏa.
Hiện, Sở Công Thương cũng đã chủ động phối hợp với các địa phương và các doanh nghiệp, nhà phân phối tổ chức 4 điểm bán hàng lưu động trên địa bàn 3 quận gồm: Sơn Trà, Liên Chiểu và Ngũ Hành Sơn. Các điểm bán hàng này nhằm thay thế các chợ dân sinh đã đóng cửa vì liên quan đến các ca F0. Cụ thể, 4 điểm bán hàng thực phẩm thiết yếu ở các địa chỉ sau: tại quận Sơn Trà, ở địa chỉ số 69 Võ Văn Kiệt (phường Phước Mỹ), thời gian bán hàng từ 6 giờ 30 đến 11 giờ hàng ngày bắt đầu từ ngày 12-8, do Cty TNHH Đắc Vinh đảm trách việc cung ứng thực phẩm thiết yếu; tại quận Liên Chiểu, ở địa chỉ số 78 Âu Cơ (trước cổng chợ Hòa Khánh thuộc phường Hòa Khánh Bắc), thời gian bán hàng từ 6 giờ 30 đến 9 giờ hàng ngày bắt đầu từ ngày 13-8, do Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hai Thuyên nhận trách nhiệm cung ứng thực phẩm thiết yếu; tại quận Ngũ Hành Sơn, có 2 điểm bán hàng thực phẩm thiết yếu ở khu đất trống tại ngã tư Mai Đăng Chơn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường Hòa Quý) và tại khu công viên đường Nguyễn Bá Lân nằm trước chợ Bắc Mỹ An (phường Mỹ An) với thời gian bán hàng đều cùng khung giờ từ 6 giờ 30 đến 9 giờ hàng ngày bắt đầu từ ngày 13-8, Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hai Thuyên cung ứng thực phẩm thiết yếu tại 2 điểm này.
THÀNH DANH - PHÚ NAM