Nỗ lực được đền đáp
(Cadn.com.vn) - Sau 36 năm, những nỗ lực đòi quyền lợi chính đáng của các nạn nhân trong cuộc khủng hoảng con tin Iran hồi năm 1979 cuối cùng đã được đền đáp.
Theo dự luật chi tiêu Mỹ đã được thông qua hồi tuần trước, mỗi nạn nhân trong số 53 con tin hoặc người thừa kế của họ sẽ được nhận 4,4 triệu USD. Các nạn nhân của các vụ tấn công khủng bố khác như vụ đánh bom đại sứ quán Mỹ ở Đông Phi năm 1988 cũng được nhận khoản bồi thường tương tự.
Đây là khoản bồi thường nằm trong số tiền phạt 9 tỷ USD đối với Ngân hàng Pháp vì vi phạm lệnh trừng phạt Iran, Sudan và Cuba. Trong khi đó, còn có khoảng 1 tỷ USD sẽ chuyển vào quỹ dành cho các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố và 2,8 tỷ USD chi giúp đỡ các nạn nhân và gia đình trong vụ khủng bố 11-9.
Ngày 4-11-1979, các sinh viên Iran xông vào Đại sứ quán Mỹ ở Tehran và bắt 99 người làm con tin, trong đó có 66 người Mỹ. Họ yêu cầu Washington cho dẫn độ cựu lãnh đạo Iran, Shah Mohammed Reza Pahlavi, về Tehran. Ngày 17-11-1979, nhà lãnh đạo Iran Ayatollah Ruhollah Khomeini ra lệnh phóng thích các con tin nữ và người Mỹ gốc Phi, giảm số con tin xuống còn 53. Vụ khủng hoảng con tin phủ bóng đen lên mối quan hệ hai nước khiến Tổng thống Jimmy Carter cắt đứt quan hệ với Iran vào ngày 7-4-1980.
Mỹ sau đó nỗ lực giải cứu các con tin, vào ngày 25-4-1980. Tuy nhiên, kế hoạch đã thất bại khi một máy bay trực thăng và một máy bay vận tải va chạm, giết chết 8 binh sĩ Mỹ. Mãi gần 1 năm sau đó, vào ngày 19-1-1981, Mỹ và Iran ký thỏa thuận để giải phóng con tin. 1 ngày sau, 52 con tin còn lại (1 con tin được thả trước đó do bênh tật) được thả và bay đến Đức.
Vụ khủng hoảng con tin kéo dài 444 ngày đã thật sự "giết chết" quan hệ Mỹ và Iran và khiến con đường đi đòi công lý của các nạn nhân kéo dài đăng đẳng như không có lối ra. Các con tin từ lâu đấu tranh để đòi bồi thường nhưng thỏa thuận Mỹ-Iran đã ký, vốn giúp họ được trả tự do, không cho phép họ làm như vậy. Ngoài ra, các tòa án, trong đó có Tòa an Tối cao Mỹ, từng nhiều lần bác bỏ yêu cầu này.
Và quyết định bồi thường lần này được đánh giá là "giải thưởng lớn" của thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà các cường quốc thế giới và Iran đã đạt được. Theo đó, chắc hẳn cả hai đều biết rằng, một bước đi tiếp theo không thể tránh nhằm đảm bảo mối quan hệ tốt hơn giữa Washington - Tehran là giải quyết vụ khủng hoảng con tin này.
Thanh Văn