Nỗ lực giữ gìn, phát huy giá trị nghệ thuật Tuồng trong đời sống đương đại
Khi người trẻ say mê nghệ thuật Tuồng
Trong đợt tập huấn diễn viên, nhạc công loại hình nghệ thuật Tuồng truyền thống toàn quốc diễn ra giữa tháng 5 vừa qua tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (TP Đà Nẵng), chúng tôi thật sự bất ngờ khi được biết đa số các diễn viên, nhạc công tham gia lớp tập huấn này là các bạn trẻ thuộc thế hệ "Gen Z". Họ như làn gió mới, tươi mát, thổi thêm sức sống, góp phần cùng các thế hệ tiền bối, gạo cội nỗ lực "giữ lửa" loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Trò chuyện cùng nghệ sĩ trẻ Hồ Trí Nhơn (1996, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP Hồ Chí Minh), chúng tôi cảm nhận được năng lượng tràn đầy cùng tình yêu, niềm đam mê dành cho bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống đặc sắc của dân tộc từ chàng trai trẻ này. Nhơn chia sẻ, sinh ra và lớn lên ở miền Nam, từ bé đã rất thích nghe hát Bội, xem các vở Tuồng cổ... Cứ thế, tình yêu dành cho nghệ thuật truyền thống cứ lớn dần trong tâm hồn Nhơn. Và chàng trai trẻ quyết định thi vào Khoa Kịch hát Dân tộc, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp, năm 2019, Nhơn về công tác tại Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP Hồ Chí Minh cho đến nay với khao khát cháy bỏng: Được cống hiến hết mình qua từng vai diễn để phục vụ khán giả, nỗ lực cùng các lớp tiền bối giữ gìn, bảo tồn, phát triển nghệ thuật Tuồng trong đời sống đương đại. "Là một nghệ sĩ trẻ được đào tạo bài bản, tôi có cơ hội nhận thức được cái hay, cái đẹp, giá trị tinh hoa, độc đáo của nghệ thuật truyền thống dân tộc Việt Nam. Bản thân quyết tâm cố gắng trau dồi, học hỏi và nỗ lực đưa nghệ thuật Tuồng đến gần với khán giả hơn, nhất là khán giả trẻ"- Trí Nhơn nhiệt tình chia sẻ…
Nhắc đến nghệ thuật sân khấu Tuồng không thể bỏ qua vai trò của âm nhạc. Ngoài việc đệm cho hát, múa, cho các hiệu quả sân khấu như: phong ba bão tố, chiến trận sa trường, đăng đàn bái tướng..., âm nhạc còn nâng đỡ giọng, thổi hồn cho vỡ diễn. Theo đó, những nhạc công giữ vai trò hết sức quan trọng trong mỗi vở tuồng. Tuy rất thầm lặng, ít được khán giả biết đến, nhưng họ chính là những người góp phần tạo nên không gian và cảm xúc của một buổi diễn Tuồng. Với vai trò này, nhạc công trở thành một phần không thể thiếu của nghệ thuật Tuồng, giữ vai trò thổi hồn vào từng lớp diễn không lời và kết nối thế giới nội tâm nhân vật tới khán giả. Vì những lẽ đó mà Trương Nguyễn Quỳnh Mai (1998, nhạc công đàn Bầu, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh TP Đà Nẵng) đã quyết định chọn nghề nhạc công làm sự nghiệp của đời mình. Cô trải lòng: "Ngoài tình yêu dành cho âm nhạc truyền thống, em mong muốn được góp một phần bé nhỏ vào việc giữ gìn, phát huy các giá trị đặc sắc của nghệ thuật truyền thống… Vì thế, sau khi tốt nghiệp Đại học Âm nhạc Huế em quyết định theo đuổi nghệ thuật Tuồng. Mang tiếng đàn Bầu nỉ non, ai oán cùng dàn nhạc truyền thống góp phần làm nên những vở Tuồng đặc sắc, được khán giả đón nhận nhiệt tình…, với em đó là thành công lớn trong nghề. Với em, ban đầu đến với Tuồng có thể là cái duyên, nhưng giờ đã là nghiệp".
Nỗ lực bảo tồn "hồn phách dân tộc"
Để bảo tồn, giữ gìn tinh hoa nghệ thuật sân khấu Tuồng truyền thống, thời gian qua, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn diễn viên, nhạc công, loại hình nghệ thuật Tuồng truyền thống. Theo bà Trần Ly Ly - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, thông qua việc mở các lớp tập huấn này nhằm nâng cao trình độ chuyên môn về ca hát, vũ đạo, diễn xuất cho diễn viên, đồng thời bồi dưỡng chuyên sâu về phương pháp thể hiện những làn điệu tuồng cổ, cách xử lý các bài bản có tính kinh điển trong nghệ thuật sân khấu tuồng cho các nhạc công. Đây cũng là cơ hội để các diễn viên, nhạc công trẻ được lĩnh hội những bài học, kinh nghiệm và kỹ năng biểu diễn quý báu của các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, các đạo diễn có chuyên môn cao, uy tín và có nhiều đóng góp cho sân khấu tuồng. Đồng thời, đây cũng là dịp để các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công bộ môn nghệ thuật tuồng được giao lưu, học hỏi, cùng nhau hun đúc ngọn lửa đam mê nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật Tuồng nói riêng.
Riêng tại Đà Nẵng, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thường xuyên tổ chức các hoạt động phát huy nghệ thuật Tuồng, đưa nghệ thuật Tuồng đến gần hơn với công chúng. NSƯT Nguyễn Thị Hội An - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng cho biết: "Thời gian qua, với sự nỗ lực, cố gắng hết mình, Nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh đã không ngừng học hỏi, kế thừa được vốn Tuồng cổ khá đồ sộ của các bậc thầy giàu kinh nghiệm. Những nỗ lực đó đã đem về cho Nhà hát nói riêng, Tuồng nói chung nhiều kết quả đáng khích lệ như: tổ chức nhiều buổi biểu diễn phục vụ các đoàn khách quốc tế; đưa tuồng xuống phố để phục vụ người dân; đưa tuồng vào học đường để giới thiệu với thế hệ trẻ về loại hình nghệ thuật cổ điển, bác học của dân tộc; hình thành nhiều show diễn phục vụ du khách trong và ngoài nước. Nhà hát thường xuyên sáng đèn để giới thiệu đến công chúng các chương trình tiết mục đặc sắc của tuồng…, góp phần đưa nghệ thuật Tuồng đến gần với công chúng".
Có thể nói, dù đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn trước những làn sóng văn hóa nghệ thuật mới hội nhập vào trong đời sống đương đại, nhưng bằng tình yêu cùng niềm đam mê, những người nghệ sĩ Tuồng đã, đang nỗ lực hết sức mình để ""giữ lửa" với nghề; luôn canh cánh trong lòng nỗi niềm bảo tồn, phát huy các giá trị của nghệ thuật Tuồng. Tuy nhiên, để Tuồng phát triển, khởi sắc trong đời sống đương đại thì bên cạnh việc quan tâm nuôi dưỡng, đào tạo lực lượng trẻ kế cận, hơn bao giờ hết, cần lắm sự quan tâm đầu tư kinh phí cho những công trình sáng tác, dàn dựng và biểu diễn để có được những vở diễn hay, những tác phẩm gây ấn tượng, lan tỏa, tạo tiếng vang để công chúng chủ động tìm đến Tuồng. Muốn được như vậy cần lắm sự tiếp sức mạnh tinh thần và vật chất cho Tuồng nhiều hơn nữa từ phía Nhà nước
Thanh Hoa