“Nỗ lực hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”
* Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức Chính phủ
* Đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh những dự án đầy đủ hồ sơ
* Trình nhân sự Phó Chủ tịch nước, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao
(Cadn.com.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 26-7, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã tiến hành bầu chức vụ Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đối với đồng chí Nguyễn Xuân Phúc bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Theo kết quả kiểm phiếu được Trưởng ban kiểm phiếu Bùi Văn Cường công bố, có 485/489 đại biểu bỏ phiếu đồng ý, chiếm 98,18% tổng số ĐBQH. Căn cứ Nội quy kỳ họp, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đã được Quốc hội bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021.
Nghị quyết bầu Thủ tướng Chính phủ do Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày được 97,57% đại biểu thông qua sau đó.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức. |
Dưới Cờ đỏ Sao vàng, trước đồng bào và cử tri cả nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thực hiện nghi lễ tuyên thệ đã được hiến định tại Hiến pháp 2013: "Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nỗ lực công tác tốt để hoàn thành nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó".
Phát biểu nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu làm Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Khóa XIV.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề trước Đảng, Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi sẽ nỗ lực hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân”.
Thủ tướng cho biết, nợ công cao, áp lực trả nợ lớn; xử lý nợ xấu chưa thực chất; dư địa chính sách và nguồn lực cho phát triển giai đoạn tới rất hạn hẹp. Chính phủ phải nỗ lực tinh giản bộ máy hành chính nhà nước các cấp, đi đầu trong việc tiết kiệm công quỹ, sử dụng tài sản công, xe công, đi công tác nước ngoài... “Chúng ta cần phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội”, Thủ tướng nhấn mạnh.
“Để phát triển nhanh và bền vững, phải tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả đầu tư. Muốn vậy, phải đẩy mạnh cải cách thể chế, chấn hưng giáo dục và khoa học công nghệ. Đặc biệt phải bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển; quyết không vì phát triển mà hủy hoại môi trường. Thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn gây thiệt hại nặng nề chưa từng có thời gian vừa qua đòi hỏi chúng ta phải chủ động hơn nữa trước những thách thức lớn của biến đổi khí hậu đang diễn biến nhanh và ngày càng khốc liệt”, Thủ tướng nói.
“Phải bảo đảm các nguồn lực tiềm năng được sử dụng có hiệu quả. Thị trường vốn, đất đai, tài nguyên cần phải được phát triển lành mạnh, không để cho các nhóm lợi ích thao túng. Tiềm năng lớn nhất của Việt Nam là nguồn nhân lực. Nguyễn Trãi đã từng nói: “nước Đại Việt ta hào kiệt không bao giờ thiếu”. Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Ngày nay, nhân tài, hiền tài của Việt Nam ở cả trong nước và nước ngoài không thiếu, phải tạo mọi cơ hội để người tài cùng tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trong phiên họp chiều 26-7, các ĐBQH nghe Chủ tịch nước Trần Đại Quang trình bày các Tờ trình về việc giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch nước, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao nhiệm kỳ 2016-2021, gồm: Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2011-2016; ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao nhiệm kỳ 2011-2016; ông Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao nhiệm kỳ 2011-2016. Dự kiến, kết quả bầu các chức vụ trên sẽ được công bố tại phiên họp sáng nay 27-7. |
Hiền tài trong tương lai là thế hệ trẻ hôm nay. Chúng ta phải có trách nhiệm giáo dục, đào tạo lớp trẻ. Cần đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, dành ngân sách thỏa đáng để cải thiện phòng học, thư viện, nhà vệ sinh; lo tốt hơn điều kiện ăn ở, đi lại cho các cháu ở vùng sâu vùng xa. Phải tạo cơ hội bình đẳng trong học tập, làm việc, thăng tiến để xuất hiện ngày càng nhiều nhân tài. Chúng ta phải làm sao để con cháu của nông dân, công nhân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, kể cả cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai. Quan tâm gìn giữ bản sắc văn hóa và phát triển con người Việt Nam. Chăm lo cho gia đình chính sách, người nghèo, người yếu thế là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và của tất cả chúng ta”, Thủ tướng khẳng định.
Nhắc lại bài học từ sự kiện Formosa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là bài học sâu sắc về chính sách tiếp nhận và quản lý các dự án đầu tư nước ngoài. Chúng ta quyết không để tái diễn. Phải rà soát lại những dự án lớn, kiểm soát chặt chẽ các cam kết về môi trường, về chuyển giao công nghệ.
Cũng do chính sách tiếp nhận đầu tư nước ngoài chưa tốt và tình trạng các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động kém hiệu quả, cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có nhiều bất cập nên khu vực đầu tư nước ngoài phát triển mạnh trong khi khu vực trong nước còn yếu.
Thời gian tới, chúng ta phải cải thiện tình trạng này; tăng cường hợp tác liên kết hai khu vực trong một nền kinh tế quốc dân thống nhất. Phải tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; kiên quyết tháo gỡ những điểm nghẽn; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa làm sao cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, thành công tại thị trường trong nước và cả quốc tế...
Thủ tướng nhấn mạnh: “Với cương vị là người đứng đầu Cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, tôi sẽ cùng tập thể Chính phủ kế thừa và phát huy những thành tựu của 30 năm đổi mới; tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi; khắc phục hạn chế, yếu kém; vượt qua khó khăn thách thức; nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân; cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm tới và tạo điều kiện để tiếp tục phát triển bền vững trong một tương lai xa hơn.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát, phối hợp, ủng hộ của Quốc hội, Chủ tịch nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nghiêm túc lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri, đồng bào ta cả trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nỗ lực phấn đấu, xây dựng nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa ngày càng giàu mạnh, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.
TTXVN
* Sáng 26-7, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ với 93,52% đại biểu tán thành. Theo đó, cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ, cụ thể là các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, NN & PTNT, GTVT, Xây dựng, TN-MT, Thông tin và Truyền thông, LĐ-TB &XH, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế và 4 cơ quan ngang bộ gồm: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ. * Cũng trong sáng 26-7, các ĐBQH đã nghe Tờ trình về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và thảo luận về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Tham gia thảo luận, các ĐBQH thống nhất chỉ đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 những dự án có đầy đủ hồ sơ theo quy định; thuyết minh rõ ràng về mục đích, sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và các nội dung cơ bản theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, xác định rõ thứ tự ưu tiên của các dự án luật cần ban hành và quyết tâm tập trung thực hiện, bảo đảm tiến độ, tránh tình trạng phải điều chỉnh Chương trình... |