Báo Công An Đà Nẵng

Kỳ họp thứ 16 Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng Khóa IX

Nỗ lực khôi phục nền kinh tế, ổn định an ninh, trật tự

Thứ tư, 09/12/2020 09:31

Ngày 8-12, trong phiên thảo luận của kỳ họp thứ 16 Hội đồng nhân dân Khóa IX (2016-2021), các đại biểu đã nêu rất nhiều vấn đề nổi cộm trên địa bàn. Trong đó, các vấn đề được đưa ra là thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, giải toả đền bù, khắc phục, phòng ngừa dịch bệnh covid19 tiềm ẩn, tình trạng an ninh trật tự, người nước ngoài nhập cư trái phép...

Đại tá Trần Đình Chung - Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng phát biểu tại buổi thảo luận. 

Tìm hướng phát triển kinh tế

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Kim Dũng đã nêu lên vấn đề liên quan đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của TP vẫn còn những khó khăn, vướng mắc khi triển khai tổ chức thực hiện. Mặc dù thành phố đã có cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nhưng kết quả vẫn chưa được như mong đợi và cho đến nay vẫn còn thiếu bóng dáng của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp vào lĩnh vực này. Vì vậy, ông Dũng đã kiến nghị TP cần triển khai quyết liệt hơn nữa, nổi bật là thủ tục giao đất, khắc phục tình trạng quy hoạch chậm triển khai, phải có giải pháp cụ thể ở các khâu đầu tư, hỗ trợ vốn khuyến khích nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, cùng nhiều chính sách ưu đãi để kêu gọi các nhà đầu tư.

Đại biểu Huỳnh Minh Chức trình bày một số giải pháp triển khai chính quyền đô thị và một số vấn đề cử tri quan tâm như công tác giải tỏa đền bù. Ông Chức đề nghị HĐND có nghị quyết tổ chức thực hiện thành công thí điểm không tổ chức HĐND quận, phường. Bởi đây là mô hình chính quyền ưu việt của một đô thị lớn, tổ chức bộ máy tinh mạnh, hoạt động hiệu quả, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, minh bạch trong hoạt động quản lý của chính quyền. Bên cạnh đó, ông Chức cũng đề nghị phải có cơ chế cho những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám xả thân cống hiến. Cơ chế này chính là bảo vệ cán bộ, tạo sự đồng thuận cao.

Ngoài ra, ông Chức cũng cho rằng muốn xây dựng chính quyền phải loại trừ cơ chế xin cho, vì đây là cơ chế gây nhũng nhiễu đối với người dân, tạo ra sự bất công, bất bình đẳng cho xã hội. Từ đó, tăng cường công tác dân chủ cơ sở theo phương châm “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, vì vậy, Dân có quyền được cung cấp thông tin (trừ bí mật quốc phòng- an ninh), từng bước định hướng, tạo sự đồng thuận, tránh bưng bít thông tin, thông tin một chiều. Đặc biệt, ông Chức cũng đề cập đến vấn đề dư luận quan tâm khác như: sách giáo khoa có nhiều sai sót, công tác quản lý pháo hoa phải có sự quản lý chặt chẽ tránh nạn sản xuất, vận chuyển, buôn bán và sử dụng trái phép.

Quản lý chặt người nước ngoài nhập cảnh

Một vấn đề rất được quan tâm là các biện pháp kiểm soát, phòng, chống dịch covid 19 trong giai đoạn hiện nay. Giám đốc Sở Y tế, bà Ngô Thị Kim Yến cho biết, tình hình dịch tiềm ẩn rất nhiều biến động bất thường. Trong giai đoạn 1, Đà Nẵng chỉ có 6 ca (5 ca nhập cảnh), nhưng ở giai đoạn 2 (24-7 - 28-8), Đà Nẵng đã có 389 và sau đó, tính từ khi các chuyến bay được phép nhập cảnh tại Sân bay Đà Nẵng trở lại đã ghi nhận 12 ca mắc mới. Đây là các trường hợp nhập cảnh vào TP trên các chuyến bay giải cứu, các chuyến bay thương mại quốc tế, các trường hợp này đã được cách ly ngay khi nhập cảnh, được xét nghiệm. Tuy nhiên, hiện vẫn có 10 trường hợp đang điều trị tại Bệnh viện phổi. Như vậy, tính đến 8-12-2020, Đà Nẵng đã thực hiện cách ly y tế 2.589 người nhập cảnh, trong đó có 2.361 người đang cách ly tại 21 khách sạn trên địa bàn TP, 228 người cách ly tại cơ sở quân đội.

Đối với tình hình dịch bệnh hiện nay, bà Yến đã đề xuất hoàn thiện các quy trình, kỹ thuật, kế hoạch, phương án, kịch bản, thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, đảm bảo công tác y tế hiệu quả trong phòng, chống lây nhiễm tại các cơ sở cách ly trên địa bàn, chủ động xây dựng kế hoạch xét nghiệm diện rộng trên địa bàn, rà soát lại các nguồn lực sẵn có, kiện toàn, tăng cường, sẵn sàng các nguồn lực để chủ động, sẵn sàng ứng phó với các tình huống của dịch bệnh. Sở y tế cũng đã tăng cường công tác rà soát, thực hiện các biện pháp an toàn, phòng chống dịch Covid 19, chống lây nhiễm trong các bệnh viện, cơ sở y tế. Các địa phương, đặc biệt là địa phương có ca bệnh lây lan cộng đồng đều phối hợp để kịp thời phát hiện các tiếp xúc gần, có liên quan hoặc nghi ngờ mắc bệnh để truy vết, cách ly. Bà Yến cũng nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay, ngoài việc chủ động, nâng cao ý thức tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, cần có chiến lược chính tập trung chủ yếu vào công tác ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, cụ thể là quản lý chặt chẽ, giám sát liên tục, cách ly triệt để những trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài vào TP bao gồm các trường hợp nhập cảnh theo hình thức giải cứu hay thương mại, đặc biệt là nhập cảnh trái phép. Công tác rà soát, hoàn thiện các quy trình phương án phòng chống dịch cần được quan tâm, tự trang bị các phương tiện vật tư phòng chống dịch cần thiết. Với các chiến lược và các biện pháp trên, bà Yến tha thiết sự vào cuộc và chung tay của toàn bộ hệ thống chính trị, các sở ban ngành, địa phương trong công các quản lý, kiểm soát chặt chẽ tại cơ sở, tổ chức công tác tập huấn, tuyên truyền về các quy trình, nội dung về các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch, đặc biệt là điều phối chặt chẽ người nhập cảnh trên các chuyến bay, không để tình trạng một khách sạn tiếp nhận cách ly nhiều nhóm người thuộc các chuyến bay khác nhau, làm tăng nguy cơ lây nhiễm.

Đại biểu thảo luận tại hội trường sáng 8-12.

Phấn đấu làm giảm ít nhất 3% phạm pháp hình sự

Phó giám đốc CATP Đà Nẵng, Đại tá Trần Đình Chung đã phát biểu lực lượng CATP đã thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp phòng ngừa, nhiều biện pháp đấu tranh quyết liệt với tội phạm hình sự, bóc gỡ nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm, trong đó có 6 ổ nhóm với 79 đối tượng đánh bạc, tổ chức đánh bạc với quy mô lớn, số tiền cược lên đến hàng ngàn tỷ đồng, khởi tố 5 vụ với 13 bị can về tội cho vay nặng lãi, nhiều đường dây vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý với số lượng lớn đã được khám phá. Riêng đối với công tác quản lý người nước ngoài, Đại tá Chung cho biết năm nay số lượng người nước ngoài nhập cảnh, khai báo tạm trú giảm mạnh nhưng vi phạm pháp luật về ANTT của người nước ngoài không giảm với các hành vi nghiêm trọng như giết người, sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản, tổ chức sử dụng ma tuý, trốn truy nã. Trong đó, tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép qua đường tiểu ngạch từ các tỉnh phía Bắc đến địa bàn TP đang nổi lên. Chi phí để nhập cảnh vào khoảng 5.000 đến 9.000 nhân dân tệ (ước khoảng 17,7 triệu đồng đến 28,3 triệu đồng).

Sau khi đến Đà Nẵng, các đối tượng này sẽ được bố trí vào ở tạm tại các nhà nghỉ, nhà cho thuê tại Đà Nẵng với thời gian ngắn, được hướng dẫn là không ra khỏi nhà, luôn đóng khóa cửa để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Mục đích của các đối tượng này chủ yếu là tìm việc làm hoặc tổ chức, thực hiện các hoạt động trái phép. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng CATP đã phát hiện, điều tra, khởi tố 9 vụ và 21 bị can về các tội “tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”, “vi phạm quy định về nhập cảnh”, xử lý 398 trường hợp vi phạm các quy định về xuất nhập cảnh, phối hợp truy bắt và bàn giao 21 đối tượng truy nã cho phía nước ngoài, trong đó có 20 người Trung Quốc, 1 Hàn Quốc. Trong thời gian đến, lực lượng CATP Đà Nẵng sẽ tiếp tục đảm bảo tốt ANTT, an toàn cho các sự kiện lớn, tăng cường đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, nâng cao hiệu quả phòng ngừa, phấn đấu làm giảm ít nhất 3% phạm pháp hình sự so với năm 2020, đặc biệt là đưa vào quản trị, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thực hiện dự án cấp căn cước công dân.

Từng bước khôi phục kinh tế

Ông Lê Trung Chinh, Phó chủ tịch thường trực Đà Nẵng đã nhận định: Đà Nẵng luôn sẵn sàng tinh thần phòng chống dịch, toàn thể hệ thống chính trị, người dân luôn nỗ lực để kiểm soát phòng chống Covid-19. Riêng đối với công tác hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tính đến nay Đà Nẵng đã hỗ trợ khoảng 250 tỷ đồng. Công tác hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19 cũng đã được triển khai nhưng vẫn chưa đạt được kết quả tốt, cần rà soát tổng thể, từ đó có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đi vào thực chất, tập trung.

Các hoạt động dịch vụ cũng bị ảnh hưởng khá lớn. Tuy nhiên, điểm sáng phải kể đến là sự đóng góp của một số ngành đã trở thành trụ đỡ chính kiềm chế sự sụt giảm nghiêm trọng của nền kinh tế Đà Nẵng như hoạt động thông tin và truyền thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế và trợ giúp xã hội, hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ. Ngoài ra, sự nỗ lực đổi mới phương pháp dạy và học trong thời gian giãn cách đã thích nghi với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Vì vậy, ngành giáo dục cũng đã duy trì được mức tăng trưởng khá với mức 5,557%. Hoạt động thông tin và truyền thông là một trong số ít ngành duy trì được đà tăng trưởng. Tuy nhiên mức tăng thấp so với mức tăng của các năm trước. Ước năm 20202, doanh thu toàn ngành đạt 14 nghìn tỷ, chỉ tăng 1,6%. Tuy nhiên, Đà Nẵng cũng đã thành công với kết quả nổi bật với danh hiệu thành phố dịch vụ công thông minh, thành phố hạ tầng số thông minh, thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Trước tình hình kinh tế, xã hội cũng như dịch bệnh, Phó chủ tịch Lê Trung Chinh nhấn mạnh: trong thời gian đến cần triển khai nhiều chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII của Đảng bộ TP, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết HĐND, triển khai Nghị quyết 119, tham mưu sửa đổi Nghị định 144, đề án điều chỉnh quy hoạch chung. Bên cạnh đó, các cấp cần tập trung đề xuất các giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế cùng với công tác phòng chống dịch, thông qua các chính sách kích cầu du lịch, tháo  gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh tiến độ hoàn thành các công trình trọng điểm, giải ngân cho các đơn vị thi công, xúc tiền đầu tư từ đó khơi thông các nguồn lực để phát triển thành phố. Tuy nhiên, các nhà thầu vi phạm hợp đồng cũng phải xử lý nghiêm. Ngoài ra, các quy chế làm việc phải được thực hiện nghiêm, tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm từ đó đẩy mạnh cải cách hành chính, tích cực giải quyết các kiến nghị của nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp. Đặc biệt, các chính sách an sinh xã hội phải được đảm bảo, nhất là các đối tượng khó khăn trong dịp Tết Tân Sửu. Bên cạnh đó, ông Lê Trung Chinh cũng yêu cầu phải đảm bảo ANCT, TTATXH, phát hiện nhanh, xử lý dứt điểm các loại tội phạm.

LÊ ANH TUẤN

>> Phải “giải mã” để gỡ vướng thi hành án Khu đô thị Đa Phước