Nỗ lực nâng cao công tác tuyên truyền góp phần bảo vệ an toàn hành lang lưới điện
Hành lang an toàn lưới điện được xem là khoảng cách an toàn để bảo vệ công trình lưới điện và công trình dân dụng của người dân. Thực tế hiện nay, việc bảo vệ hành lang an toàn lưới điện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Công nhân Điện lực Sơn Hà thực hiện phát quang hành lang tuyến
Theo thống kê của Công ty Điện lực Quảng Ngãi (PC Quảng Ngãi), đối với công trình đang thi công, trên địa bàn tỉnh có 12 vị trí có khả năng vi phạm hàng lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) cao áp; 750 vị trí là cây nguyên liệu giấy/cây trồng khác có khả năng ngã đổ và 1.500 vị trí là cây nguyên liệu giấy trồng mới có nguy cơ vi phạm khi phát triển.
Từ đầu năm 2021 đến nay, PC Quảng Ngãi đã xử lý 2/14 công trình có nguy cơ và chặt, rong tỉa hơn 14.000 cây tại 2.546 vị trí. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ vi phạm là do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, ý thức chấp hành các quy định đảm bảo HLATLĐ chưa cao. Một số trường hợp trong quá trình xây dựng các công trình, san lấp mặt bằng vi phạm vào khoảng cách pha - đất. Khi đơn vị quản lý vận hành phát hiện mới tính đến việc xử lý, nhưng thời gian còn chậm có nguy cơ cao gây mất an toàn cho người và phương tiện giao thông.
Việc cấp đất của chính quyền địa phương cho cá nhân nơi có đường điện đi qua không được trừ diện tích đất thuộc hành lang bảo vệ công trình lưới điện cao áp theo quy định, dẫn đến khó khăn cho ngành điện trong việc quản lý vận hành và giải quyết khi vi phạm HLATLĐ. Cây cối ngoài hành lang lưới điện có nguy cơ đổ vào đường dây khi có gió, bão nhưng người dân gây khó không cho chặt tỉa hoặc đòi giá đền bù gấp nhiều lần so với định mức của tỉnh quy định; hoặc sau khi đền bù lại tiếp tục trồng cây, ngành điện không có kinh phí để đền bù, nhất là những rừng bạch đàn, keo,... phát triển rất nhanh.
Để nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ hành lang tuyến, PC Quảng Ngãi khuyến cáo không trồng cây trong hành lang an toàn lưới điện cao áp, trong trường hợp khai thác, cây ngoài hành lang có nguy cơ ngã đổ vào đường dây phải báo ngay đơn vị quản lý vận hành phối hợp xử lý, tránh nguy cơ gây tai nạn, sự cố thiết bị. Đặc biệt, trước tình trạng hiện nay có nhiều hộ dân trồng cây nguyên liệu giấy xung quanh đường dây điện, rất dễ gây ra sự cố trong mùa mưa bão, PC Quảng Ngãi tập trung tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức của người dân trong việc đảm bảo an toàn hành lang tuyến. Tuyệt đối không đốt nương rẫy, thực bì gần đường dây điện, thiết bị điện đang vận hành dẫn đến gây hỏa hoạn, sự cố mất điện trên diện rộng. “Đối với những hộ dân trồng cây nguyên liệu giấy ở dọc hành lang, chúng tôi để lại bảng thông báo và thông tin của đơn vị quản lý vận hành. Chúng tôi cũng hỗ trợ chủ cây chặt, khai thác các cây ở những vị trí có khả năng ảnh hưởng đến hành lang lưới điện”, ông Lê Văn Danh - Trưởng phòng An toàn PC Quảng Ngãi cho biết.
Bên cạnh đó, đối với những công trình ở gần khu vực hành lang lưới điện, để đảm bảo vận hành an toàn, PC Quảng Ngãi còn tư vấn, hỗ trợ về thiết kế cũng như nhân lực để thực hiện nâng cao độ cao hoặc tổ chức di dời nhằm tạo khoảng cách an toàn trong quá trình vận hành lưới điện. Thời gian tới, PC Quảng Ngãi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân trong việc tuân thủ các quy định về đảm bảo hành lang an toàn lưới điện, đồng thời tiếp tục hiện đại hóa lưới điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của khách hàng.
Mặt khác, khi tiếp nhận lưới điện của các xã, PC Quảng Ngãi phối hợp với các cơ quan báo chí và chính quyền các địa phương đưa các bản tin an toàn và tuyên truyền các điều nghiêm cấm của pháp luật về vi phạm HLATLĐ, an toàn sử dụng điện trong nhân dân; không trồng và để cành cây, dây leo của gia đình phát triển gây ảnh hưởng đến vận hành an toàn đường dây; nghiêm cấm người không có nhiệm vụ trèo lên bất cứ bộ phận nào của đường dây, phơi quần áo, đồ dùng lên dây điện; không thả diều, đá bóng ở gần đường dây điện; không bắn chim đậu trên dây điện, trạm điện; không ném bất kỳ vật gì lên đường dây điện, trạm điện; không tháo gỡ dây chằng néo, dây tiếp đất của cột; không lợi dụng cột điện để làm nhà, lều quán bán hàng, buộc trâu bò hoặc gia súc khác; không lắp đặt cột và dây chằng cột ăng-ten gần đường dây...
“Để việc bảo vệ hành lang tuyến đạt kết quả cao, rất mong các cấp quản lý nhà nươc, chính quyền địa phương hỗ trợ công tác tuyên truyền và xử lý vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp theo pháp luật hiện hành”, ông Danh chia sẻ.