Báo Công An Đà Nẵng

Nỗ lực phục hồi tăng trưởng du lịch

Thứ năm, 05/11/2020 21:34

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng trong thời gian qua, ngành Du lịch Quảng Nam cùng với các địa phương đã và đang có nhiều nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để xây dựng điểm đến, quảng bá, kích cầu và thu hút du khách...

Bài chòi ở Hội An.

Năm 2020, ngành Du lịch Quảng Nam có kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động nhưng đã bị hủy hoặc hoãn tổ chức. Lượng khách du lịch đến Quảng Nam trong 9 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt hơn 1.453.700 lượt khách, giảm 75,6% so với cùng kỳ năm 2019, doanh thu ước đạt 1.050 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ năm 2019. Thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 2.468 tỷ đồng. Ông Phan Xuân Thanh- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho biết: Nhiều hợp đồng tham quan, lưu trú và dịch vụ du lịch bị hủy bỏ, các đơn vị kinh doanh du lịch phải tính đến phương án cắt giảm nhân lực, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hàng ngàn lao động du lịch. Theo thống kê, hơn 80% nhân lực du lịch của Quảng Nam không có việc làm kéo dài trong nhiều tháng. Đợt dịch thứ nhất diễn ra, có hơn 90% khách hủy tour. Sau đợt dịch lần thứ 2, mặc dù đã được kiểm soát nhưng vào thời điểm đã hết hè, hết mùa du lịch nội địa cộng với tâm lý của du khách e ngại, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch lại một lần nữa phải đối mặt với khó khăn để duy trì.

Hội An- Trung tâm du lịch của tỉnh Quảng Nam đã có nhiều hoạt động “hồi sinh” du lịch sau một thời gian dài ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Theo đó, Hội An đã chính thức mở cửa trở lại tất cả điểm du lịch, dịch vụ phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm, tiếp tục triển khai trở lại đề án “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ”, “Phố đêm”, các làng nghề truyền thống như làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà... và hoạt động hướng dẫn tham quan khu phố cổ. Khách mua vé sẽ được trải nghiệm các hoạt động như hô hát bài chòi hàng đêm tại bùng binh An Hội; trò chơi dân gian bịt mắt đập nồi tại đường Châu Thượng Văn; đêm nhạc “Tiếng dương cầm”. Ngoài ra, vào những ngày cuối tuần, du khách cũng được thưởng thức các chương trình nghệ thuật như: trình diễn trang phục Hội An- Ký ức thời gian, Chiếu dân ca, biểu diễn văn hóa dân gian… Các hoạt động này nhằm tập trung khởi động lại hoạt động du lịch tại Hội An, qua đó theo dõi lượng khách thực tế để có những chuẩn bị cho thời gian tới, khi hoạt động tham quan sẽ khởi sắc hơn.

Hồ Phú Ninh, một điểm đến hấp dẫn tại xứ Quảng.

Đến nay, BQL Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã thực hiện nhiều giải pháp như mở cửa thêm các địa điểm tham quan, hạ giá vé, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, tăng cường quảng bá để thu hút du khách. Trong đó, trước mắt chú trọng thị trường khách Việt và có các giải pháp như tăng cường quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, tuyên truyền trực quan tại các địa điểm như Hội An, Đà Nẵng, thực hiện các chương trình khuyến mãi, xây dựng một số sản phẩm du lịch như bổ sung các điểm check-in, đầu tư làm mới sản phẩm múa Chăm nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách. Đặc biệt, BQL Di sản Mỹ Sơn thực hiện là đã liên kết với các Di sản văn hóa thế giới trong nước cũng như các hãng lữ hành để tìm ra “tiếng nói chung” trong nỗ lực khôi phục và phát triển thị trường khách du lịch. Ông Phan Hộ - Giám đốc BQL Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn cho biết: "Thực hiện việc kết nối giữa các Di sản Văn hóa thế giới trong nước để vừa bảo vệ, vừa phát huy các giá trị văn hóa, đồng thời kết nối giữa các hãng lữ hành, các nhà cung cấp dịch vụ, các điểm đến du lịch trong hành trình Di sản miền Trung để chia sẻ lợi ích, tìm lại đà tăng trưởng chung góp phần cho ngành du lịch Quảng Nam”.

Hiện nay, các cơ sở lưu trú, dịch vụ đã mở cửa đón khách, hầu hết điểm du lịch lớn trên địa bàn tỉnh như Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, Cù Lao Chàm, rừng dừa Cẩm Thanh, công viên Ấn tượng, khu du lịch Vinpearl Nam Hội An, các làng nghề tại Hội An, hồ Phú Ninh, làng cổ Lộc Yên… cũng đã trở lại “trạng thái bình thường”. Mặc dù lượng khách đến tham quan, trải nghiệm chưa nhiều nhưng bức tranh du lịch Quảng Nam đã có những tín hiệu tích cực khởi sắc nhằm phục hồi và khởi động lại thị trường du lịch. Trung tâm hỗ trợ du khách Hội An đã sẵn sàng đón nhận và tư vấn cho các công ty lữ hành, khách sạn, du khách… tìm hiểu thông tin, nhờ tư vấn điểm đến du lịch Hội An và các điểm đến khác trên địa bàn tỉnh. Ngành du lịch Quảng Nam hướng đến sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm về văn hóa, lịch sử và sự kiện sẽ là những sản phẩm có khả năng lấy lại sự phục hồi cho ngành du lịch trong giai đoạn trước mắt.

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề cho kinh tế du lịch tỉnh Quảng Nam nhưng đồng thời cũng là một sự nhận diện để ngành du lịch, cộng đồng doanh nghiệp du lịch và các địa phương đánh giá lại khả năng và tạo ra những giải pháp, những cách làm hiệu quả hơn nhằm tìm hướng đi cho du lịch bền vững. Thời gian tới, ngành Du lịch sẽ phối hợp cộng đồng doanh nghiệp tổ chức một số hoạt động kích cầu vào những dịp lễ lớn như Giáng sinh, Tết dương lịch, Tết âm lịch… Đây là những vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay để ngành du lịch Quảng Nam vượt qua khó khăn và lấy lại đà tăng trưởng của du lịch Quảng Nam sau đại dịch Covid-19.

THẢO NGUYÊN