Báo Công An Đà Nẵng

Nỗ lực vì thành phố xanh quốc gia

Thứ ba, 02/07/2019 13:12

Quỹ bảo tồn Thiên nhiên thế giới (WWF) trao bằng công nhận "Thành phố xanh quốc gia" cho TP Huế (TT - Huế) từ năm 2016. Từ đó đến nay, TP Huế, đã có nhiều nỗ lực thực hiện các cam kết với nhiều chương trình, hành động nhằm mục tiêu cụ thể góp phần xây dựng Huế trở thành "Cố đô xanh - di sản thế giới - thành phố an toàn và thân thiện với môi trường".

TP Huế đang nỗ lực vì thành phố xanh quốc gia. 

Ông Nguyễn Văn Thành Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, thành phố cam kết đến năm 2020 giảm 20% mức phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính so với mức phát thải của năm 2011. Theo đó, thành phố đề ra kế hoạch hành động cụ thể, chú trọng mục tiêu xanh hóa đô thị, phát triển du lịch xanh, xử lý nước và rác thải hiệu quả, hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo và nguyên liệu xây dựng thân thiện môi trường. Thành phố Huế phấn đấu trở thành địa chỉ an toàn, là thành phố đáng sống, thành phố có môi trường trong lành, người dân thân thiện, chính quyền vì dân, phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo vệ môi trường.

TP  Huế có diện tích tự nhiên hơn 71 km2 với mật độ sông ngòi và cây xanh dày đặc. Huế có nhiều sông lớn, nhỏ bao quanh như các sông Hương, An Cựu, Kẻ Vạn, Đông Ba, Bạch Yến, Như Ý... Đây còn được mệnh danh là thành phố của cây xanh. Thống kê cho thấy, thành phố Huế có diện tích công viên cây xanh, đường phố có cây xanh lên đến hơn 750 ha trong tổng số 7.100 ha đất công cộng, đạt 18,5 m2/người (chưa tính cây xanh trong vườn nhà dân, đất vườn ươm, cây công sở, cây xanh trong hệ thống di tích, rừng cảnh quan). Xưa kia, khi bắt đầu xây dựng kinh đô, các vua triều Nguyễn đã cho trồng nhiều cây trong khu vực Đại Nội và trên các con đường. Trải qua nhiều thời kỳ, nhất là ngày nay, quá trình đô thị hóa nhanh chóng, cây xanh ở Huế ngày càng được chú trọng bảo tồn, phát triển và đa dạng hóa chủng loại để Huế trở nên nổi tiếng hơn về một đô thị xanh. Huế có những cây xanh rất đặc biệt, thuộc loại "độc nhất vô nhị" như cây ngô đồng được vua Minh Mạng cho trồng trong Hoàng cung, cây chà là canary và cây bao báp đặc trưng, có xuất xứ châu Phi (70-80 năm tuổi) đang được trồng trên một số tuyến phố.

Thời gian qua, TP Huế từng bước triển khai việc trồng mới và thay thế những cây xanh ít hiệu quả về độ che phủ, cây chậm lớn, nhất là dự án trồng cây xanh đường phố. Chỉ riêng giai đoạn 2012-2018, toàn thành phố đã trồng hơn 18.000 cây xanh để thay thế những cây không đúng quy hoạch. Đến nay, TP Huế có hơn 64.000 cây xanh đường phố, vượt tiêu chuẩn về cây xanh đối với đô thị loại I, qua đó góp phần quan trọng trong công tác phát triển không gian xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững cho thành phố.

Không phải ngẫu nhiên mà mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu xây dựng Huế thành thành phố 4 mùa hoa. Từ danh hiệu thành phố xanh quốc gia đến xây dựng Huế thành thành phố 4 mùa hoa cùng chung mục đích, ý tưởng. Để thực hiện ý tưởng này, tỉnh sẽ hỗ trợ hạ tầng, việc còn lại là triển khai công tác xã hội hóa, doanh nghiệp, người dân cùng thực hiện và quản lý. Các đơn vị liên quan tham mưu nghiên cứu trồng loại hoa, cây gì cho phù hợp để hướng đến hiện thực hóa mục tiêu tổ chức lễ hội hoa mùa Xuân tại Huế.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ, không chỉ trồng hoa, cây xanh ven hai bờ sông Hương để làm Huế đẹp hơn, tỉnh giao các đơn vị chức năng tiếp tục nghiên cứu, thực hiện hệ thống chiếu sáng hai bờ sông Hương, nhất là chiếu sáng nghệ thuật làm cho đôi bờ sông Hương vốn đã đẹp lại càng đẹp và lung linh hơn trong sắc hoa bốn mùa. Về hệ thống chiếu sáng, trước tiên UBND tỉnh tập trung cho việc thực hiện hệ thống chiếu sáng cầu Trường Tiền, đồng thời hình thành những tuyến phố mang tên các loài hoa.

Lâu nay ở TP Huế đã có những con đường mà người dân thay vì gọi tên chính thức, thường sử dụng tên của các loài cây đã hiện hữu tại đó suốt bao năm tháng như đường Phượng bay, hàng Me, hàng Đoác... Cùng với những cây xanh chủ thể như phượng vỹ, long não, xà cừ, bằng lăng, từ lâu ở Huế đã xuất hiện những cây xanh cá biệt như những cây phượng vỹ màu vàng dọc tuyến đường Trần Hưng Đạo, Lê Duẩn.

Theo các chuyên gia, TP Huế nên thiết kế tạo điểm nhấn xanh bằng cách tạo hai hàng cây xanh đặc trưng cho hai cửa ngõ Bắc Nam dẫn vào thành phố. Cây ngô đồng có lịch sử dẫn giống từ phương Bắc cần được chọn trồng thành hai hàng ở đoạn đường đầu tiên của cửa ngõ phía Bắc. Cây bao báp có lịch sử dẫn giống từ châu Phi, cần được chọn trồng thành hai hàng ở đoạn đường đầu tiên của cửa ngõ phía Nam. Sau này, khi con đường quá cảnh từ Lào qua A Lưới vào TP Huế được hình thành, để tạo điểm nhấn ở đoạn đường cửa ngõ phía Tây, có thể chọn cây chà là canary. Khi tạo được điểm nhấn xanh theo kiểu này, ở mỗi cửa ngõ của thành phố có một đoạn đường xanh dài chừng 100-200m là đủ gây ấn tượng cho khách vãng lai.

Theo ông Phan Ngọc Thọ, việc xây dựng TP Huế bốn mùa hoa sẽ tạo ra bộ mặt mới cho đô thị Huế, điểm đến ấn tượng cho du khách cũng như tạo không gian sống mới cho người dân thành phố. Để xây dựng Huế là thành phố bốn mùa hoa, hai bên bờ sông Hương sẽ có quy hoạch phù hợp, tối ưu và thực hiện công tác xã hội hóa đối với hình thức trồng hoa hai bên bờ sông, nhưng phải đảm bảo về màu hoa, loại hoa, diện tích trồng hoa theo quy hoạch đã đề ra. Trước mắt, các đơn vị liên quan tập trung trồng hoa, cây xanh hai bờ sông Hương, tuyến đường từ sân bay Phú Bài về TP Huế, đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như đầu tư hệ thống chiếu sáng hai bờ sông Hương, theo tiêu chí xanh, sạch và sáng.

Q.V