Báo Công An Đà Nẵng

Nô nức về làng mới

Thứ sáu, 21/03/2014 12:18

(Cadn.com.vn) - Sáng tinh mơ, dọc theo con đường mới mở thẳng tắp vào mặt bằng mới, hàng trăm người dân thôn K'xêêng (xã Dang, H. Tây Giang, Quảng Nam) í ới gọi nhau, giục giã gùi, cõng đồ đạc chạy đua với cái nắng hừng hực đang gay gắt trên đầu. Đó là hình ảnh người dân thôn K'xêêng đang khẩn trương di dời nhà cửa, đồ dùng về mặt bằng mới đã được san ủi, lập làng mới.

Theo chân cán bộ xã Dang, chúng tôi đến với người dân thôn K'xêêng trong lúc mọi người đang cật lực vận chuyển đồ đạc gia đình về mặt bằng mới. Theo ông Ông Văn Kiêm, Bí thư Đảng ủy xã Dang, K'xêêng là thôn khó khăn của xã, đường vào thôn cũ phải vượt đường rừng hơn 3 giờ đi bộ, địa hình thôn cách trở, người dân làm nhà chủ yếu dọc theo quả đồi, điện, nước sinh hoạt không có, việc học tập của con em nơi đây hết sức khó khăn. Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, huyện đã san ủi mặt bằng bố trí đủ cho 34 hộ với 149 nhân khẩu trong thôn về ở, tại mặt bằng mới này xã sẽ chú trọng đến việc xây dựng mô hình làng phù hợp với bản sắc văn hóa Cơ Tu.

Có mặt tại mặt bằng mới K'xêêng, chúng tôi mới cảm nhận được sự hân hoan, vui mừng của nhiều gia đình đã dựng xong nhà bếp theo kiểu nhà sàn mang đậm truyền thống Cơ Tu. Dọc theo con đường dẫn vào thôn, nhiều hộ gia đình thay nhau vận chuyển đồ dùng bằng cách đi bộ, để được vận chuyển bằng xe gắn máy là một mơ ước xa vời đối với người dân nơi đây. Chị Arất Thị Aróh, tay vừa giữ cái mâm (khay), trên vai đang gùi cái ché xưa bước đi nhanh nhạy, hồ hởi: "Gia đình mình chuyển đi từ 4 giờ sáng để không gặp nắng, đồ vẫn còn nhiều chồng đang trông giữ để chiều mình vào lại làng cũ là chồng vận chuyển tiếp. Hôm nay vận chuyển không hết thì vài ngày sau cũng sẽ hết thôi. Có mặt bằng mới, rộng rãi là mình vui rồi".

Đường về làng mới K'xêêng.

Trong mái nhà vừa dựng xong, hai mẹ con chị Alăng Thị Bh'lếp liền vào bếp để đốt lửa sưởi ấm mái nhà. Chị Bh'lếp vui vẻ: "Nhà làm đã lâu nay mới về được dù rất mệt nhưng cũng phải đốt lửa bếp trước, có lửa thì mọi việc sau này cũng suôn sẻ, ấm cúng".

Dù trời đang nắng gắt, nhưng nhiều hộ dân vẫn nườm nượp đổ về mặt bằng mới. Nhiều vật dụng cần thiết trong gia đình được vận chuyển trước; các con vật nuôi như gà, vịt cũng được mang về, riêng trâu, bò thì vẫn ở lại làng cũ, sau này nơi đó sẽ hình thành một khu trang trại chung của thôn.

Có lẽ không ai vui hơn bằng già làng Bhling Xơớc. Năm nay 60 tuổi, từng chứng kiến bao nhiêu lần dân làng ra đi lập làng, nhưng già chưa thấy nơi nào rộng thoáng như mặt bằng mới này. Già được mọi người ưu tiên đến ở làng mới trước để làm thủ tục cúng đất, giữ làng trong thời gian các hộ dân vận chuyển đồ đạc. "Mừng lắm. Về đây có điện, nước rồi, làng lại nằm gần trường học nữa, gần đường lên huyện để buôn bán sau này. Mình rất thích ở nơi đây", già Bhling Xơớc vui mừng.

Làng mới K'xêêng đã được bố trí gần trường học của xã Dang.

Ngồi trên nhà sàn mới vừa hoàn thiện xong, nhiều chị em nữ sau khi cõng, gùi đồ đạc xong lại tụ tập hàn huyên chuyện trồng trọt sau này ở đất mới. Các chị là người vui nhất, vì khi được ở mặt bằng mới này, các chị không còn vất vả mỗi khi lên rẫy lại phải đi bộ đường rừng nhiều giờ, thay vào đó lại có thể đi bằng xe máy trên đường đất đỏ mới được mở. Gia đình anh Alăng Biên đã có thể nghỉ ngơi chuẩn bị cho một buổi cơm trưa ấm cúng sau một buổi sáng cật lực di chuyển vật dụng gia đình. Anh Biên đã vận chuyển gần hết mọi đồ đạc, ba đứa con nhỏ giờ đây đã không còn phải đi bộ vượt đường rừng để được đến trường, từ nhà anh xuống trường học đi bộ chưa đầy 5 phút.

Trong thời gian các hộ dân thôn K'xêêng di dời, lãnh đạo xã và huyện thường xuyên có mặt để thăm hỏi, động viên nhân dân. Theo ông Ông Văn Kiêm, trong những lúc người dân đang khó khăn thế này, sự có mặt của cán bộ xã và huyện hết sức cần thiết. Cũng theo ông Kiêm, để giảm bớt khó khăn cho người dân, xã cũng đã hỗ trợ 25kg gạo cho mỗi hộ, trước đó huyện cũng hỗ trợ cho thôn 2 tấn gạo để đảm bảo việc di dời nhà cửa của người dân.

Về xã Dang hôm nay đã khác xưa rất nhiều. Rừng cây cao su đang nẩy mầm trên đất mới. Đường đi đã được mở rộng vào các khu sản xuất... Hình ảnh về một vùng nông thôn mới chưa thể nói là hoàn chỉnh nhưng thắp lên trong lòng mọi người những hy vọng về sự đột phá, phát triển ổn định trong tương lai. Chính điều đó lý giải vì sao chủ trương này được người dân hưởng ứng nhiệt tình như vậy, dù phải rời ngôi làng cũ đã bao năm gắn bó.

BHƠRIU QUÂN