“Nổ” quen hiệu trưởng để “chạy” đào tạo liên thông
Trịnh Văn Đoàn “nổ” rằng có quan hệ thân thiết với lãnh đạo Trường Đại học Y dược Huế và cam đoan sẽ “lo” chắc chắn khoản trúng tuyển vào lớp học liên thông của trường này. Với mức giá từ 200-280 triệu đồng/người, Trịnh Văn Toàn đã chiếm đoạt của 4 bị hại với số tiền gần 1 tỷ đồng.
Bị cáo Trịnh Văn Toàn tại tòa.
TAND tỉnh Nghệ An vừa mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử Trịnh Văn Toàn (1980, trú P. Cửa Nam, TP Vinh, Nghệ An) về tội: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Điều đáng nói, chỉ trong vòng 3 tháng, Trịnh Văn Toàn thực hiện 3 vụ lừa đảo chạy học liên thông hệ đại học chiếm đoạt của 4 bị hại 960 triệu đồng.
Theo nội dung vụ án, Trịnh Văn Toàn nắm được thông tin Trường Đại học Y dược Huế đang có chương trình liên kết với Trường Trung cấp y dược Yersin (Khánh Hòa), đào tạo liên thông từ trung cấp lên đại học. Toàn nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người có nhu cầu hoàn thiện bằng cấp mà chưa đủ điều kiện.
Để bắt đầu “kịch bản” của mình, Trịnh Văn Toàn giới thiệu với một người bạn việc mình từng công tác tại một phân hiệu của trường chuyên đào tạo ngành y tại Tây Nguyên và tham gia chương trình tuyển sinh của Trường Đại học Y dược Huế. Qua trao đổi với bạn, Toàn cho biết mình có quan hệ với các lãnh đạo có thể lo được thủ tục chạy liên thông, nếu biết ai có nhu cầu thì giới thiệu cho Toàn.
Thông qua giới thiệu, có 4 người tại Nghệ An, Đồng Nai, Khánh Hòa và Quảng Bình tin tưởng, đặt vấn đề nhờ Toàn "chạy" thi liên thông hệ Đại học y dược Huế. Qua trao đổi, Trịnh Văn Toàn nói về mối quan hệ thân quen của mình với lãnh đạo Trường Đại học Y dược Huế. Toàn cam đoan sẽ lo cho 4 người này thi và trúng tuyển vào học lớp liên thông đại học với giá từ 200- 280 triệu đồng/người.
Tin tưởng Toàn nên trong từ tháng 7-2019 đến tháng 10-2019, các bị hại ở Nghệ An, Đồng Nai, Khánh Hòa, Quảng Bình đã đưa cho Toàn tổng số tiền 960 triệu đồng. Trong đó, trường hợp anh Phan Duy L. (trú tại TP Nha Trang, Khánh Hòa) là nhiều nhất. Cụ thể, thông qua giới thiệu của người bạn, tháng 10-2019, anh L. gọi điện cho Toàn nhờ lo hồ sơ chạy liên thông vào Trường Đại học Y dược Huế. Toàn đưa ra chi phí là 280 triệu đồng và cho biết bản thân đang nằm trong danh sách Hội đồng chấm thi của trường này nên Toàn hứa “chắc như đinh đóng cột” rằng chắc chắn sẽ được. Anh L. đã 2 lần gửi tiền với tổng cộng là 280 triệu đồng cho Toàn lo lót thủ tục. Tuy nhiên, khi mình không có tên trong danh sách trúng tuyển, ban đầu Toàn hứa sẽ bổ sung vào danh sách sau đó, cắt đứt hoàn toàn liên lạc với bị hại.
Tất cả 4 trường hợp, sau khi nhận tiền, Trịnh Văn Toàn tiêu xài cá nhân hết. Các nạn nhân chờ mãi không thấy tên mình trong danh sách trúng tuyển liên thông của trường Đại học Y dược Huế, những nạn nhân này mới liên lạc cho Toàn thì nhận được câu trả lời, do sơ suất nên chưa hoàn thiện hồ sơ và cam kết sẽ bổ sung danh sách để kịp dự thi. Đến khi phát hiện mình bị lừa, các nạn nhân yêu cầu Toàn hoàn trả lại tiền nhưng không được nên đã tố cáo đến công an. Số tiền Trịnh Văn Toàn chiếm đoạt của các nạn nhân là 960 triệu đồng.
Tại phiên tòa, Trịnh Văn Toàn cho biết bản thân ý thức được hành vi phạm tội của mình nên từ chối luật sư bào chữa đã được tòa án chỉ định trước đó và xin phép tự bào chữa cho mình. Toàn thừa nhận bản thân không tham gia chương trình tuyển sinh của Trường Đại học Y dược Huế, cũng không thể tác động hay can thiệp vào quá trình nộp hồ sơ hay thi tuyển sinh đào tạo liên thông từ hệ trung cấp lên đại học như đã giới thiệu. Việc bị cáo đưa ra những thông tin gian dối như vậy là nhằm chiếm đoạt tiền của bị hại để trả nợ và tiêu xài. Sau khi sự việc vỡ lở, Trịnh Văn Toàn đã bồi thường cho các nạn nhân mỗi người 10 triệu đồng.
Xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX tuyên phạt Trịnh Văn Toàn 17 năm tù, buộc bị cáo phải hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt cho các nạn nhân.
DƯƠNG HÓA