Nobel Hòa bình 2014: Nữ quyền và quyền trẻ em
(Cadn.com.vn) - Nữ quyền và quyền trẻ em bất ngờ ngân vang tại giải Nobel Hòa bình năm nay khi hai nhà hoạt động nhân quyền trở thành chủ nhân giải thưởng danh giá này.
Giải Nobel Hòa bình 2014 thật sự đi vào lịch sử khi lần đầu tiên vinh danh nhà hoạt động nữ quyền mới 17 tuổi Malala Yousafzai, người Pakistan, cùng với nhà hoạt động vì quyền trẻ em người Ấn Độ, Kailash Satyarthi.
AFP dẫn tuyên bố của Ủy ban Nobel Na Uy cho biết, cả hai được trao tặng giải thưởng vì “có nhiều đóng góp cho cuộc đấu tranh chống lại hành động đàn áp trẻ em, thanh thiếu niên và quyền được đi học của tất cả trẻ em”. Giải thưởng kèm theo 8 triệu kronor Thụy Điển (1,11 triệu USD), sẽ được trao tại Oslo (Na Uy) vào ngày 10-12 - ngày mất nhà sáng lập giải thưởng Alfred Nobel.
Hai chủ nhân của giải Nobel Hòa bình 2014, nữ sinh Malala Yousafzai và ông Kailash Satyarthi. Ảnh: Guardian |
Tiếng nói của phụ nữ...
“Các phần tử cực đoan sợ sách và bút”, Malala từng gây chú ý khi nói như vậy trong bài phát biểu tại một hội nghị thanh niên LHQ năm 2013. Theo nhà hoạt động nữ quyền này, “Taliban sợ sức mạnh của giáo dục và cả sức mạnh của phụ nữ”.
“Trẻ em phải được đi học, không thể là công cụ để người lớn hưởng lợi”, Thorbjorn Jagland, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy tuyên bố. |
Ở tuổi 17, Malala là nhân vật trẻ nhất trong lịch sử giành giải Nobel Hòa bình. Nhưng việc Malala đoạt giải Nobel Hòa bình không có gì bất ngờ bởi tên em luôn nằm trong danh sách dự đoán số 1. Cô bé nổi tiếng kể từ khi bị các tay súng Taliban bắn vào đầu hồi tháng 10-2012 vì vận động ủng hộ quyền được đi học của các bé gái.
Cô bé trở thành biểu tượng thách thức trong cuộc chiến chống lại các chiến binh hoạt động ở khu vực bộ lạc Pashtun ở phía tây bắc Pakistan - khu vực mà quyền phụ nữ được cho là “con số không”. Sau đó, Malala được ca ngợi là nhà hoạt động vì nữ quyền dũng cảm, dám đứng lên chống Taliban để bảo vệ niềm tin. Malala cũng giành giải thưởng nhân quyền của Liên minh Châu Âu (EU).
Hiện ở Anh, Malala không thể trở về quê hương vì Taliban đe dọa giết cô bé và các thành viên gia đình. Thủ lĩnh Taliban hiện nay, Mullah Fazlullah, là một trong những kẻ ra lệnh thủ tiêu Malala năm 2012. Malala ghi danh vào một trường học ở Birmingham và trở thành nhà hoạt động toàn cầu về quyền được đi học của phụ nữ và các vấn đề nhân quyền khác, chẳng hạn như tình hình ở Syria và Nigeria.
... và trẻ em
Khác với Malala, Kailash Satyarthi lại là cái tên “khá bất ngờ” dù ông là nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng ở Ấn Độ, có công tiếp nối di sản của lãnh tụ vĩ đại Mahatma Gandhi. Ở tuổi 60, ông lãnh đạo các phong trào biểu tình hòa bình khác nhau, trong đó “tập trung chống vấn nạn khai thác trẻ em để hưởng lợi”.
Tuy nhiên, hầu hết đều ca ngợi giải thưởng Nobel Hòa bình lần này cho ông Kailash. Nigel Chapman, Giám đốc điều hành tổ chức viện trợ quốc tế Plan, nói rằng, giải Nobel Hòa bình lần này mang đến “ánh sáng tuyệt vời” cho trái tim mọi người. “Tôi nghĩ rằng bất cứ ai quan tâm đến việc vận động cho quyền của trẻ em cũng đều vui mừng vì tin này”, ông nói với CNN. Theo ông, vấn đề giáo dục và lao động trẻ em thật sự có quan hệ mật thiết và liên kết với nhau. Hiện vẫn còn 65 triệu trẻ em gái trên toàn thế giới “không đi học” vì rất nhiều lý do nhưng chủ yếu là phải làm việc vì hoàn cảnh khó khăn.
Trong khi đó, vấn nạn lao động trẻ em trở thành hồi chuông báo động trên toàn cầu. CNN dẫn ước tính mới nhất cho biết, có khoảng 168 triệu lao động trẻ em trên toàn thế giới hiện nay. Năm 2000, con số này ở mức 246 triệu. Và cả thế giới đang nỗ lực tiến gần đến mục tiêu loại bỏ hoàn toàn lao động trẻ em. Mặc dù vậy, vấn đề này hiếm khi nằm trong danh sách ưu tiên trong các chương trình nghị sự quốc tế.
Khả Anh