Báo Công An Đà Nẵng

Nobel Hòa bình 2017 cho nỗ lực bãi bỏ vũ khí hạt nhân

Thứ bảy, 07/10/2017 09:27

Ngày 6-10, Ủy ban Nobel Na Uy đã công bố chủ nhân giải Nobel Hòa bình năm 2017, một trong những giải thưởng gây chú ý và tranh cãi nhất trong hệ thống giải Nobel, thuộc về tổ chức Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân (ICAN).

Giám đốc điều hành ICAN Beatrice Fihn mừng chiến thắng giải Nobel Hòa bình
với các thành viên của tổ chức tại văn phòng ở Geneve.
   Ảnh: AFP

Thông báo của Ủy ban Nobel cho biết ICAN được trao giải vì “nỗ lực của họ nhằm thu hút sự chú ý đối với các thảm họa do sử dụng vũ khí hạt nhân, và vì thành công đột phá để đạt được hiệp ước cấm phổ biến loại vũ khí hủy diệt này”. Chủ tịch Ủy ban Nobel Berit Reiss-Andersen ca ngợi những việc làm của ICAN trong bối cảnh căng thẳng gia tăng sau các vụ thử vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và thỏa thuận hạt nhân của Iran với P5+1 đang đứng trước nguy cơ bị Tổng thống Mỹ Donald Trump xem xét lại. Bà Andersen cho biết: “Chúng ta sống ở một thế giới mà nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân được sử dụng cao hơn so với thời gian dài trước đây. Nhiều nước đang hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của họ và có nguy hiểm thật sự rằng ngày càng có nhiều quốc gia sẽ cố sở hữu vũ khí hạt nhân”.

Bà Andersen nhấn mạnh: “Vũ khí hạt nhân là mối đe dọa không ngừng đối với nhân loại và toàn bộ cuộc sống trên trái đất, thông qua các hiệp định quốc tế có tính ràng buộc, cộng đồng quốc tế trước đây đã thông qua các lệnh cấm đối với mìn, bom, đạn chùm, vũ khí sinh học và hóa học. Vũ khí hạt nhân có sức hủy hoại ghê gớm hơn nhiều, song chưa trở thành đối tượng cấm của một quy định pháp lý quốc tế nào tương tự như vậy”.

ICAN là liên minh gần 470 nhóm phi chính phủ hoạt động tại khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Tổ chức này được chính thức thành lập năm 2007, trụ sở chính hiện đặt ở Geneve, Thụy Sĩ. Mục tiêu của ICAN là  thúc đẩy sự tham gia và thực hiện đầy đủ Hiệp ước Cấm Phổ biến Vũ khí Hạt nhân. Theo Ủy ban Nobel, công việc vận động của ICAN đạt nhiều kết quả tích cực. Đến ngày 7-7-2017, 122 nước thành viên LHQ đã tham gia Hiệp ước Cấm Phổ biến Vũ khí Hạt nhân và 50 nước đã chính thức phê chuẩn nó. Hiệp ước này cấm các hoạt động hạt nhân, bao gồm việc phát triển, thử nghiệm, sản xuất, chế tạo, mua lại, sở hữu hoặc dự trữ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Mỹ , Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc - 5 thành viên thường trực của HĐBA LHQ, tất cả đều có kho vũ khí hạt nhân - không tham gia đàm phán hiệp ước này.

ICAN cho biết: “Niềm tin của một số chính phủ rằng vũ khí hạt nhân là một nguồn lực an ninh chính đáng và cần thiết không chỉ là sai lầm, mà còn nguy hiểm, vì nó kích động sự phổ biến vũ khí hạt nhân”. Theo ICAN, “Tất cả các quốc gia phải hủy bỏ vũ khí này hoàn toàn trước khi chúng được sử dụng. Đây là thời điểm căng thẳng leo thang trên toàn cầu, khi những lời hùng biện bốc lửa có thể dễ dàng dẫn tới một sự kiện kinh hoàng không thể diễn tả được. Bóng ma của cuộc xung đột hạt nhân một lần nữa lại xuất hiện. Nếu các quốc gia muốn tuyên bố sự phản đối rõ ràng của họ đối với vũ khí hạt nhân, thì hiện giờ là thời điểm thích hợp nhất”.

Bà Beatrice Fihn, Giám đốc điều hành ICAN, cho biết rất ngạc nhiên khi nhận được điện thoại thông báo của Ủy ban Nobel chỉ vài giây trước khi giải thưởng được công bố. Tuy nhiên, bà Fihn cho rằng, giải Nobel Hòa bình được trao cho ICAN là điều “rất quan trọng” trong nỗ lực bãi bỏ vũ khí hạt nhân. “Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng tôi đã nâng cao nhận thức về Hiệp ước Cấm Phổ biến Vũ khí Hạt nhân, tuyên bố loại hành vi đó là bất hợp pháp. Giải thưởng này gửi đến thế giới rằng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận, phải dừng lại bởi phần lớn các quốc gia trên thế giới đã kết luận rằng điều này là không thể chấp nhận và bất hợp pháp”.

ICAN sẽ chính thức được trao giải thưởng trị giá 9 triệu krona (1,1 triệu USD) tại thủ đô Oslo của Na Uy vào ngày 10-12 tới. Từ năm 1901 đến 2016, giải Nobel Hòa bình được trao 97 lần cho các cá nhân và nhóm.   Năm ngoái, Ủy ban Nobel Na Uy quyết định trao giải cho Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos nhờ đàm phán thành công thỏa thuận hòa bình với lực lượng nổi dậy FARC, chấm dứt nhiều thập kỷ bất ổn ở nước này.

AN BÌNH