Báo Công An Đà Nẵng

Nobel Hòa bình 2018 vinh danh bác sĩ phụ khoa và nhà hoạt động chống bạo lực tình dục

Thứ bảy, 06/10/2018 11:24

Giải Nobel Hòa bình năm 2018 đã được trao cho Denis Mukwege và Nadia Murad vì những nỗ lực nhằm chấm dứt việc sử dụng bạo lực tình dục như một vũ khí chiến tranh và xung đột vũ trang.

Denis Mukwege (trái) và Nadia Murad được vinh danh vì những nỗ lực trong việc chấm dứt nạn bạo lực tình dục.   Ảnh: CNN

Mukwege, một bác sĩ phụ khoa kiêm bác sĩ phẫu thuật, đã điều trị cho hàng ngàn phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của nạn hãm hiếp và bạo lực tình dục ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Murad là phụ nữ dân tộc thiểu số Yazidi đến từ thị trấn Sinjar ở miền bắc Iraq, người từng bị IS bắt làm nô lệ tình dục. Năm 2016, ở tuổi 23, cô đã trở thành đại sứ thiện chí của LHQ đại diện cho những nạn nhân của bọn buôn người may mắn sống sót.

Ông Berit Reiss-Andersen, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, cho biết: "Cả hai người đoạt giải đều đóng góp quan trọng vào việc tập trung sự chú ý và chống lại những tội ác chiến tranh". "Denis Mukwege là người trợ giúp đã cống hiến cả đời mình để bảo vệ những nạn nhân này. Nadia Murad là nhân chứng nói về những hành vi lạm dụng gây ra cho chính mình và những người khác. Mỗi người theo cách riêng của mình giúp thể hiện rõ hơn nạn bạo lực tình dục trong chiến tranh, để các thủ phạm phải chịu trách nhiệm về hành động của chúng", ông Reiss-Andersen cho biết thêm.

"Người đàn ông chăm sóc phụ nữ"

Bác sĩ Mukwege đã giành danh hiệu "Người đàn ông chăm sóc phụ nữ" vì công việc mà ông và các đồng nghiệp tại Bệnh viện Panzi đã làm kể từ khi ông thành lập ở Bukavu cách đây 20 năm. Hoạt động từ năm 1999, bệnh viện của ông Mukwege tiếp nhận hàng ngàn phụ nữ mỗi năm, nhiều người yêu cầu được phẫu thuật do hậu quả của bạo lực tình dục. Ý tưởng của vị bác sĩ 63 tuổi xuất hiện khi ông phát hiện những vết thương chưa từng thấy trên cơ thể những phụ nữ bị hãm hiếp theo cách vô cùng khủng khiếp. Họ không những bị cưỡng bức tập thể mà còn bị tấn công bằng gậy, súng và chai nước.

Bác sĩ phụ khoa nhớ lại những chấn thương khủng khiếp phải chịu đựng bởi một trong những bệnh nhân của mình vào năm 1999. "Họ đưa đến cho tôi một người phụ nữ đã bị cưỡng hiếp bởi nhiều người đàn ông mặc đồng phục. Cô ấy không chỉ bị cưỡng hiếp. Họ cũng bắn vào bộ phận sinh dục của cô ấy. Tôi chưa bao giờ thấy bất cứ thứ gì như thế. Tôi nghĩ đó phải là một trường hợp đặc biệt, hành động của một người điên. Tôi không thể tưởng tượng rằng nó sẽ trở thành công việc tôi làm suốt phần còn lại của cuộc đời mình", bác sĩ kể, giọng nói vẫn đầy đau đớn.

"Denis Mukwege là biểu tượng quan trọng nhất, thống nhất cả trong nước và quốc tế, trong cuộc đấu tranh chấm dứt bạo lực tình dục trong chiến tranh và xung đột vũ trang. Nguyên tắc cơ bản của ông là "công lý là mục tiêu của mọi người", ông Reiss-Andersen cho biết.

Chủ nhân trẻ tuổi thứ 2 của Nobel Hòa bình

Trong khi đó, ở tuổi 25, Murad trở thành người phụ nữ thứ 17 đoạt giải Nobel Hòa bình và là chủ nhân trẻ tuổi thứ hai của giải sau Malala Yousafzai, cô gái người Pakistan đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2014 nhờ các hoạt động vì quyền của phụ nữ và trẻ em khi cô 17 tuổi.

Ông Reiss-Andersen cho biết, Murad đã "tỏ ra can đảm một cách bất thường khi kể lại nỗi đau của chính mình và lên tiếng thay mặt cho các nạn nhân khác". Nói chuyện với CNN hồi năm ngoái, Murad đã mô tả vụ IS tấn công cộng đồng của cô vào ngày 3-8-2014. "Gần 6.500 phụ nữ và trẻ em từ Yazidi đã bị bắt cóc và khoảng 5.000 người của cộng đồng đã bị giết trong ngày đó. Trong 8 tháng, bọn chúng tách chúng tôi ra khỏi mẹ, các chị em và các anh em của chúng tôi, và một trong số họ bị giết và những người khác biến mất", cô kể. Mẹ của Murad, mẹ kế của cô và 6 người anh em đã bị hành quyết. Murad, cùng với những người phụ nữ chưa lập gia đình khác, bị bắt làm nô lệ tình dục, phục vụ cho nhiều tay súng IS khác nhau.

Sau khi trốn thoát khỏi IS vào tháng 11-2014, Murad đã trở thành gương mặt đi đầu của một chiến dịch nhằm giải phóng người Yazidi và chấm dứt nạn buôn người. Cô đã sử dụng kinh nghiệm đau thương của mình để trở thành người ủng hộ cho dân tộc thiểu số Yazidi ở Iraq và cho các vấn đề rộng lớn hơn về quyền của người tị nạn và phụ nữ. Vào năm 2016, ở tuổi 23, cô trở thành Đại sứ thiện chí đầu tiên về phẩm giá, đại diện cho những người sống sót vì nạn buôn người.

Murad trước đó đã giành được Giải thưởng Nhân quyền Vaclav Havel, Giải thưởng Sakharov, Giải thưởng Công dân Toàn cầu Clinton và Giải thưởng Hòa bình LHQ của Hiệp hội Tây Ban Nha. Cô đã xuất bản một cuốn hồi ký bán chạy nhất trên New York Times có tiêu đề "The Last Girl".

AN BÌNH