Báo Công An Đà Nẵng

Nobel Hòa bình 2022 vinh danh các nhà vận động nhân quyền

Thứ bảy, 08/10/2022 07:33
Nhà hoạt động nhân quyền người Belarus Ales Bialiatski, một trong 3 chủ nhân của giải Nobel Hòa Bình năm nay. Ảnh: NYT

Ủy ban Nobel cho biết đã trao giải Nobel Hòa bình cho ông Bialiatski và hai tổ chức trên vì muốn tôn vinh "quyền con người, dân chủ và cùng tồn tại hòa bình" ở ba quốc gia láng giềng Belarus, Nga và Ukraine. "Các bên đoạt giải đại diện cho xã hội dân sự ở quốc gia của họ. Họ đã bảo vệ các quyền cơ bản của công dân" trong nhiều năm qua, bằng cách ghi nhận các hành vi tội ác chiến tranh, lạm dụng nhân quyền và quyền lực. Họ cùng nhau chứng minh tầm quan trọng của xã hội dân sự đối với hòa bình và dân chủ", thông báo của Ủy ban Nobel cho biết.

Nhà vận động nhân quyền Ales Bialiatski là một trong những người khởi xướng phong trào dân chủ ở Belarus vào giữa những năm 1980. Ông đã dành cả cuộc đời của mình để thúc đẩy dân chủ và phát triển hòa bình ở quê hương mình. Ông thành lập tổ chức Viasna vào năm 1996 để phản đối những sửa đổi hiến pháp gây tranh cãi dẫn đến các cuộc biểu tình rộng rãi. Những năm sau đó, Viasna đã phát triển thành một tổ chức nhân quyền hoạt động rộng rãi. Sau các cuộc biểu tình quy mô lớn vào năm 2020, ông Bialiatski bị bắt và hiện đang bị giam giữ. Ủy ban Nobel Na Uy kêu gọi Belarus trả tự do cho ông. "Chúng tôi hy vọng điều này sẽ xảy ra và ông ấy có thể tới Oslo để nhận giải", bà Reiss-Andersen, Chủ tịch Ủy ban, cho biết.

Tổ chức nhân quyền Memorial của Nga được thành lập vào năm 1987 bởi các nhà hoạt động nhân quyền ở Liên Xô cũ. Memorial hoạt động dựa trên quan điểm: Đối đầu với tội ác trong quá khứ là điều cần thiết để ngăn chặn những tội ác mới. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Memorial phát triển trở thành tổ chức nhân quyền lớn nhất ở Nga. Tổ chức này luôn đi đầu trong các nỗ lực chống lại chủ nghĩa quân phiệt, thúc đẩy nhân quyền và nhà nước pháp quyền.

Trung tâm vì Tự do Dân sự của Ukraine thành lập tại Kiev vào năm 2007 với mục đích thúc đẩy nhân quyền và dân chủ ở Ukraine. Trung tâm này có quan điểm củng cố xã hội dân sự Ukraine và gây áp lực lên chính quyền để biến Ukraine trở thành một nền dân chủ, một quốc gia được quản lý bởi pháp quyền.

Giải Nobel Hoà bình là một trong 6 giải thưởng được nhà khoa học Alfred Nobel lập ra từ năm 1895. Theo di nguyện của ông, giải Nobel Hoà bình được trao cho "người làm nhiều nhất hoặc tốt nhất để củng cố tình hữu nghị giữa quốc gia, để xóa bỏ hoặc cắt giảm quân đội thường trực, cũng như để duy trì và thúc đẩy các tiến trình hòa bình".

Giải Nobel Hòa bình được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1901 và cho tới nay đã có tổng cộng 102 giải được trao. Có 25 tổ chức và 18 phụ nữ là chủ nhân của Giải Nobel Hòa bình. Năm 2021, Ủy ban Giải Nobel Na Uy đã trao Giải Nobel Hòa bình cho hai nhà báo điều tra Maria Ressa (người Mỹ gốc Philippines) và Dmitry Muratov (người Nga) vì những hoạt động liên quan tới tự do báo chí.

Nobel Hòa bình 2022 là giải thứ 5 được công bố trong mùa giải Nobel năm nay, sau giải thưởng trong các lĩnh vực y sinh, vật lý, hóa học, văn chương. Giải Nobel cuối cùng, dành cho các thành tựu về kinh tế học, sẽ được công bố vào ngày 10-10.

AN BÌNH