Báo Công An Đà Nẵng

Nơi bình yên của những cây cao bóng cả

Thứ hai, 01/12/2014 11:00

Mái nhà chung ấm áp

(Cadn.com.vn) - Bỏ lại những ồn ã, náo nhiệt của phố xá, bước chân vào Trung tâm phụng dưỡng người có công (TTPDNCC) TP Đà Nẵng, trong tôi trào dâng một cảm giác bình yên, nhẹ nhàng như được đứng dưới một tán cây to giữa trời nắng gắt. Những dãy nhà cấp 4 đơn sơ nhưng sạch sẽ. Các phòng ở đều để dép bên ngoài, giường, tủ, bàn ghế được kê ngăn nắp cho thấy nơi đây được chăm sóc, lau dọn thường xuyên.

Trao đổi với ông Nguyễn Công Thành, Trưởng Phòng Hành chính tổng hợp tổng hợp của Trung tâm, ông Thành cho biết, Trung tâm đang ở tạm tại Làng Hy vọng vì cơ sở chính tại P. Mỹ An, Q. Ngũ Hành Sơn đang được xây dựng lại. Trung tâm hiện đang phụng dưỡng 57 cụ, trong đó có 2 mẹ VNAH là cụ Lâm Thị Cống (97 tuổi, quê Duy Hòa, Duy Xuyên) có  3 con là liệt sĩ và cụ Lê Thị Xuân (88 tuổi,  quê Quế Lưu, Hiệp Đức, Quảng Nam) có 1 con duy nhất là liệt sĩ;  2 cụ lão thành cách mạng, 1 cán bộ tiền khởi nghĩa, 19 thương binh, còn lại là thân nhân gia đình liệt sĩ và người có công cách mạng. Tuổi trung bình của các cụ ở đây là 80 tuổi, cao tuổi nhất là cụ Nguyễn Thị Sửu năm nay 105 tuổi.

Tổ chức các hoạt động tri ân, giao lưu với các cụ đang được phụng dưỡng tại Trung tâm.

Gặp bà Nguyễn Thị Huệ, năm nay đã 80 tuổi, là con của mẹ VNAH Lâm Thị Cống, tôi được nghe câu chuyện cảm động. Cách đây 3 năm,  Mẹ Cống được đưa vào Trung tâm để phụng dưỡng, bà Huệ cũng xin vào ở cùng để tiện chăm sóc mẹ. Do không có chế độ nên bà Huệ cũng nộp một suất tiền ăn hàng tháng và được xem như một thành viên của Trung tâm. Ở  phòng dành cho các cụ nam giới, tôi gặp cụ Nguyễn Mùi năm nay đã 96 tuổi, quê ở TT Đông Phú, H. Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Cụ Mùi trước là giáo viên tiểu học, năm 1954 bị địch bắt, tù đày, đến năm 1963, khi ra tù thì vợ cụ đã có chồng khác. Không muốn khuấy động cuộc sống mới đang êm ấm của người vợ, cụ  lặng lẽ chọn một nơi khác để dạy học.

Giải phóng về, cụ xin vào làm ở nhà máy điện và  nghỉ hưu vào năm 1980. Cụ Mùi chỉ có một người con gái duy nhất hiện đang sống tại Đồng Nai nên sau khi nghỉ hưu, cụ về quê sống với mấy người anh em ruột nhưng họ cũng khó khăn, con đông. Không muốn là gánh nặng của người thân nên từ 6 năm nay, cụ Mùi đã là thành viên của Trung tâm này. Cùng phòng với cụ Mùi có cụ Nguyễn Thanh, năm nay 92 tuổi, quê ở Điện Phước, Điện Bàn. Cụ Thanh là bộ đội về hưu, vừa được nhận danh hiệu 65 năm tuổi Đảng. Sau khi vợ chết, không có con cháu nên cụ Thanh cũng chọn Trung tâm là mái ấm bình yên cho những ngày cuối đời...

Sống với nhau đã lâu, lại đồng cảnh ngộ nên tình cảm của các cụ rất  gắn kết với nhau, người này mệt thì có người kia giúp pha sữa,  gọi giúp y tá khi bị bệnh, chia sẻ với nhau khi có thức ăn ngon.

Cán bộ TTPDNCC chăm sóc các cụ đang được phụng dưỡng.

Thơm thảo những nghĩa cử tri ân

Khi tôi đề nghị giới thiệu cho vài cụ có hoàn cảnh đặc biệt, ông Nguyễn Công Thành cười, bảo: "Không đặc biệt thì đã không vào đây".

Chỉ tính ở tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng có hàng ngàn trường hợp diện chính sách mà chỉ có 57 cụ được vào ở Trung tâm này thì đủ biết các cụ đều thuộc trường hợp đặc biệt. Bởi thế, ngoài tiêu chuẩn là người thuộc diện hưởng các chính sách về người có công, thì người được vào Trung tâm phụng dưỡng phải được địa phương xác nhận là không còn thân nhân chủ yếu. Chính vì thế, mỗi năm Trung tâm chỉ nhận vài trường hợp mới, như năm 2013 có 6 cụ mới vào, năm 2014 đến thời điểm này mới có 1 cụ.

Các cụ vào đây đều là cô đơn, già yếu, hiện có khoảng 50% trong số 57 cụ thuộc trường hợp nằm bất động hoặc bán bất động, nhân viên phải phục vụ từ A tới Z.  Người ở Trung tâm lâu nhất cũng đã được 33 năm, đó là bà Nguyễn Thị Thương (1951, quê Duy Hòa, H. Duy Xuyên, Quảng Nam). Bà Thương là con liệt sĩ, bản thân tật nguyền, vào Trung tâm từ năm 1981 khi mới ở tuổi 30, nay đã 63 tuổi. Hầu hết các cụ ở Trung tâm đều có tiêu chuẩn lương hoặc trợ cấp, khoản này các cụ được nhận và cất riêng, mỗi tháng thành phố hỗ trợ tiền ăn 800 ngàn đồng/cụ. Ngoài ra, mỗi cụ còn được hỗ trợ 30.000 đồng/tháng tiền thuốc chữa bệnh, 1.200.000 đồng/người/năm tiền thuốc nâng cao thể trạng, hỗ trợ mua quần áo, mùng mền 750.000 đồng/người/ năm.

Tiền do các đơn vị đến thăm, hỗ trợ thì Trung tâm đưa vào quỹ để tổ chức nấu bữa sáng cho các cụ và  thắp hương cho các cụ đã mất (Trung tâm có một khu vực ở nghĩa trang Sơn Gà,  có 22 ngôi mộ của các cụ do Trung tâm phụng dưỡng khi qua đời được chôn cất ở đây và có một nơi để thờ chung các cụ đã mất). Ngoài các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho các cụ như: chăm lo nơi ở, bữa ăn, giấc ngủ, cho các cụ tập thể dục dưỡng sinh, tắm nắng, tập vật lý trị liệu để nâng cao thể trạng, Trung tâm còn tổ chức thường xuyên 2 buổi sinh hoạt văn hóa/tuần, chiếu cho các cụ xem những bộ phim ưa thích như đề tài chiến tranh, phim về Bác Hồ; tổ chức nhiều hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa, sinh hoạt giao lưu văn nghệ nhân ngày 27-7 hoặc ngày Tết, tổ chức cho các cụ đi tham quan, giao lưu với các TTPDNCC các tỉnh bạn.

Chị Nguyễn Thị Toàn, Phó Phòng y tế chăm sóc sức khỏe của Trung tâm, người đã có thâm niên làm việc tại đây 18 năm, chia sẻ: Làm ở đây lương thấp, trách nhiệm lại cao nhưng chị em  đã vào đây cũng đều xác định, ngoài làm việc để kiếm miếng cơm manh áo thì các chị còn có tình cảm với  các cụ như với cha mẹ mình. Các cụ thì mỗi người mỗi cảnh và đều già yếu nên các cán bộ, nhân viên ở đây đều coi các cụ như cha mẹ ruột thịt, chăm lo cho các cụ mọi việc với tình cảm của những người con.

Người già tính khí thường thay đổi, khi nhớ khi quên, có cụ vừa mới ăn xong lại nói chưa ăn  vậy nên đôi lúc vô cớ bị các cụ bực bội, mắng chửi nhưng các chị hộ lý vẫn phải nhẹ nhàng an ủi, động viên, vỗ về, kể chuyện cười, đó cũng là một trong những biện pháp trị liệu để các cụ quên cảm giác cô đơn. Chị nói: "Khi nóng nảy thì các cụ dằn vặt, cáu gắt vậy thôi nhưng khi tỉnh lại rất tình cảm, có cụ nói lời cảm ơn, đó là sự động viên rất lớn đối với những người chăm sóc các cụ. Chúng tôi coi đây là bổn phận, trách nhiệm "Đền ơn đáp nghĩa" của lớp hậu thế đối với những người đã chịu nhiều thiệt thòi, mất mát, hy sinh, có nhiều đóng góp cho đất nước, vì thế làm gì được để các cụ khỏe, vui thì chúng tôi đều cố gắng hết sức".

Không chỉ là ân tình của các cán bộ, nhân viên của Trung tâm đối với các cụ được phụng dưỡng, nơi đây từ hàng chục năm qua đã trở thành một "địa chỉ đỏ" của TP Đà Nẵng để các cơ quan, doanh nghiệp và lớp lớp thế hệ trẻ tìm về, dành những tình cảm trân trọng, sự tri ân và chia sẻ đối với các cụ như tìm về những bóng mát cho tâm hồn mình.

K.Thanh