Báo Công An Đà Nẵng

Nỗi buồn mang tên tảo hôn

Thứ năm, 01/08/2019 13:11

Qua quá trình thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020", thời gian qua tại huyện vùng cao Phước Sơn (Quảng Nam) tình trạng trên đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, theo Trung tâm Dân số Kế hoạch hóa gia đình H. Phước Sơn, 6 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn huyện vẫn có đến 17 trường hợp tảo hôn. Đây là một trong những địa phương có tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao nhất Quảng Nam.

Nhiều đứa trẻ sinh ra không được chăm sóc tốt là hệ quả của tảo hôn.

Đến các xã trên địa bàn H. Phước Sơn, chúng tôi không khó bắt gặp hình ảnh các bé gái mới 15, 16 tuổi đã trở thành những người vợ, người mẹ. Thế nhưng, khi hỏi đến luật hôn nhân và gia đình, về những vấn đề liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống các em đều lắc đầu không biết. Hỏi tại sao lại lấy vợ, lấy chồng sớm, tại sao kết hôn với người cùng dòng họ? Những câu trả lời chúng tôi nhận được là "để có thêm người phụ giúp gia đình" hay hồn nhiên như  "thấy thích nhau thì lấy thôi" , "các con nó tự đưa nhau về thì cho cưới"...

Em Hồ Thị H. (trú xã Phước Thành) mới học xong lớp 8 thì lấy chồng. Ở tuổi 14- cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới", cuộc sống của H. là chuỗi ngày buồn tủi. Ngôi nhà chỉ vỏn vẹn hơn 20m2 nhưng có đến 11 con người từ bố mẹ, anh chị em và cả vợ chồng H. sinh sống. Để có được bữa cơm, không riêng gì vợ chồng H. mà cả gia đình phải vất vả làm thuê, đầu tắt mặt tối và chẳng dám mơ về ngôi nhà riêng như nhiều cặp vợ chồng khác. Lao động cực nhọc, làm mẹ khi còn quá trẻ, thiếu kiến thức chăm sóc con, sau khi sinh chưa đầy ba tháng đứa con gái bé bỏng của H. đã chết. Thương con cũng thương cho chính số phận của mình, H. ngày càng lầm lũi, sống khép mình. Đáng buồn hơn, H. không phải là trường hợp cá biệt tại xã Phước Thành bỏ học lấy chồng sớm.

Ông Hồ Văn Phức - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thành cho biết, trong năm 2018 toàn xã có đến 13 trường hợp tảo hôn, trong đó có 1 trường hợp kết hôn cận huyết thống. "Sau những kỳ nghỉ hè những em học sinh lớp 9 bỏ học ở nhà lấy chồng. Những trường hợp như vậy xã không làm giấy kết hôn, khi đám cưới họ mời mình cũng không đi dự. Sau khi sinh con, những trường hợp trên khó khăn trong việc làm khai sinh, giấy tờ này kia. Chính quyền xã cũng đau đầu và chưa thể tìm ra giải pháp căn cơ để đẩy lùi tình trạng này được"- ông Phức thông tin thêm.

Trở về nhà sau một ngày làm thuê vất vả, anh Hồ Văn K. (1988, trú xã Phước Năng, H. Phước Sơn) lại phụ vợ chuyện bếp núc, chăm sóc con nhỏ. Năm 2012, anh và chị Hồ Thị T. (1994) người cùng thôn nên duyên vợ chồng. Anh K. tâm sự: Nhà nghèo nên chúng tôi không có làm tiệc đãi họ hàng. Được sự cho phép của hai bên gia đình, vợ chồng dắt díu nhau về sống chung. Không lâu sau, vợ anh mang thai và hạ sinh một bé gái. Số phận thật trớ trêu, đứa con mà vợ chồng anh ngày đêm trông mong không may bị bệnh bại não. Nguyên nhân là do bố mẹ có quan hệ huyết thống... Từ hoàn cảnh của mình, anh K. nhận thấy hôn nhận cận huyết thống để lại hậu quả rất nặng nề và người gánh chịu không ai khác chính là những đứa con thân yêu của mình.

Một thực tế đáng lo ngại hiện nay, nạn tảo hôn không chỉ xảy ra ở các địa phương mà đang len lỏi vào môi trường giáo dục học đường, nơi tưởng chừng các em được trang bị kiến thức, có hiểu biết sẽ tránh được nạn tảo hôn. "Trong những năm gần đây, trường cũng xảy ra một số trường hợp tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Những trường hợp đó thường xảy ra đối với những em học sinh thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình; thường xảy ra vào dịp hè, tết khi các em có những kỳ nghỉ dài", bà Phạm Thị Thứ - Hiệu trưởng Trường PTDTNT H. Phước Sơn chia sẻ.

Ông Hồ Quang Hương - Phó Chủ tịch UBND H. Phước Sơn cho rằng, nhiều người xem việc cưới gả con cái là việc của gia đình họ, chính quyền không nên can thiệp khiến việc đẩy lùi và ngăn chặn việc tảo hôn gặp rất nhiều khó khăn. "Khi nhận thức của người dân được nâng lên, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, sinh con thứ 3 trở lên cũng theo đó sẽ được giảm thiểu. Tuy nhiên, để thay đổi nhận thức cho người dân, xóa bỏ những tập tục lạc hậu trên địa bàn huyện không phải một sớm một chiều, cần phải có thời gian và sự đồng lòng, chung tay gắng sức của toàn xã hội"- ông Hương nói.

Theo kết quả điều tra của Trung tâm Dân số Kế hoạch hóa gia đình H. Phước Sơn, 5 năm trở lại đây, tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn H. Phước Sơn có giảm và dao động từ 27-28%. Cụ thể, năm 2015 toàn huyện có đến 143 trường hợp (trong đó có 3 trường hợp kết hôn cận huyết thống); năm 2016 có 64 trường hợp; năm 2017 có 48; năm 2018 giảm xuống còn 40 trường hợp và 6 tháng đầu năm 2019 có 17 trường hợp. "Đa số đồng bào ở đây nhận thức còn nhiều hạn chế; công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức, pháp luật tới người dân ở nhiều địa phương còn yếu kém; phong tục tập quán lạc hậu ăn sâu, bám rễ lâu đời trong đời sống của bà con; sự quản lý lỏng lẻo từ phía gia đình, nhà trường; việc bùng nổ công nghệ thông tin ảnh hưởng từ các phim, ảnh... là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống mang lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giống nòi, chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số. Chính bản thân các em khi kết hôn sớm, kết hôn cận huyết thống sẽ là nạn nhân của thất học, không có việc làm, nghèo đói và bệnh tật. Thực trạng tảo hôn vẫn còn diễn ra trên địa bàn huyện và không còn xa lạ với người dân địa phương"- đại diện lãnh đạo Trung tâm Dân số Kế hoạch hóa gia đình H. Phước Sơn nhìn nhận.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, để giảm thiểu bền vững tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, trước hết phải nâng cao nhận thức của hệ thống chính quyền cơ sở, phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín tại cộng đồng tham gia vào công tác tuyên truyền, đồng thời cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để răn đe.

BÃO BÌNH - PHẠM TRỌNG