Nơi chiến trường không tiếng súng
Ngày 29-1 vừa qua, Hội tù yêu nước TP Đà Nẵng đã cho ra mắt bạn đọc tập 5 "Những ngày tù ngục" với 44 bài viết. Đó là những câu chuyện do chính người trong cuộc tự viết ra hoặc kể lại, được khắc họa trong tập sách đã khiến người đọc day dứt, khâm phục ý chí quật cường của những con người một thời chiến đấu, hy sinh, cống hiến cho nền độc lập nước nhà.
Ảnh: Bìa sách "Những ngày tù ngục-tập 5". |
"Qua một đêm, sáng sớm ngồi trong phòng biệt giam, tôi nghe tiếng giày đinh của bọn chúng rầm rập bên ngoài cửa phòng, rồi cửa phòng mở toang. Chúng kéo đến phòng tôi đến năm sáu tên, thằng nào mặt cũng đỏ kè như say rượu. Chúng hùng hổ vào phòng, lôi tôi đứng dậy. Như đã chuẩn bị trước, một thằng lên gối, một thằng móc sườn, thằng thúc cùi chỏ vào mặt, thằng đạp giày đinh vào lưng khiến tôi ngã lăn quay ra đất. Trong tù, chúng tôi gọi đây là đòn hội đồng" (Thời thanh xuân của tôi, Nguyễn Kim Thương). Với cô bé 15 tuổi Nguyễn Thị Thanh Hương, ký ức ngày đầu bị địch bắt là: "Thủ đoạn tra tấn chung vẫn là bắt người tù nằm ngửa vắt lưng ngang qua thành của bồn tắm, lấy chiếc khăn lông dày tẩm xà phòng đắp lên mặt, sau đó xả nước từ vòi hoa sen cho chảy rỉ rả, từ từ xuống thấm vào chiếc khăn lông đang bịt cả mặt, mũi, miệng làm người tù ngạt thở, không chịu nổi..." (Gian truân một thời con gái). "Trưởng trại giam trực tiếp tra tấn tôi một trận nhừ tử. Bằng chiếc nhẫn nhọn hoắt đeo ở ngón giữa tay phải, nó cứ đấm thẳng vào mặt, vào xương sườn đau đến thấu xương" (Biệt giam: Tù trong tù, Đinh Sơn Khương). Tuy đau đớn, quằn quại trước những đòn nham hiểm của địch nhưng hầu hết đều kiên quyết ngậm hờn căm với câu trả lời "Tôi không biết" để giữ vững khí tiết, bảo vệ tổ chức, bảo vệ đồng chí đồng đội. Nếu người lính trên chiến trường những khi im tiếng súng là khoảng lặng bên đồng đội, là thời gian để có thể nhớ về quê hương, gia đình thì người tù chính trị không một phút bình yên. Lúc ăn, lúc ngủ, họ cũng phải luôn đề phòng địch nghe lén và sẵn sàng tâm lý đối phó khi bị tra tấn mọi lúc, mọi nơi với nhiều thủ đoạn khác nhau. Chỉ cần một phút mất cảnh giác hay một câu nói sơ hở, địch sẽ lần ra manh mối của cán bộ, cơ sở, tổ chức, thậm chí là một đơn vị quân đội đang ém quân chờ đến giờ nổ súng... hậu quả thật khôn lường. Để đối phó với địch, bên cạnh việc khẳng định không biết, khi bị bắt quả tang, ta cũng cần có lời khai hợp lý, nhất quán để chúng không moi được gì thêm. "Trong suy nghĩ của tôi lúc đó thì mình nhận là bộ đội từ Trường Sơn xuống thì sẽ tránh được việc địch khai thác tìm cơ sở, vũ khí, giao liên, phương thức hoạt động nội thành, giữ được an toàn cho cách mạng. Nhưng thừa nhận ở đơn vị bộ đội thì phải có phiên hiệu đơn vị, có người chỉ huy...Để đánh lạc hướng địch, tránh thiệt hại cho cách mạng và để dễ nhớ khi trả lời, trước sau tôi trả lời ở đơn vị Q81, hòm thư 181, mới đi bộ đội được vài tháng. Riêng về người chỉ huy thì tôi chọn một gia đình đông con ở cùng quê, sắp xếp thứ tự từ trên xuống dưới để khai tên người chỉ huy từ cao đến thấp. Vì vậy, bất cứ khi nào địch hỏi tôi đều trả lời một cách tự nhiên, suôn sẻ, trùng khớp nên địch không nghi ngờ gì" (Những tháng ngày đáng nhớ, Nguyễn Thanh Lâm)... Tập ký càng đọc càng gợi lên nhiều suy ngẫm: Sức mạnh nào đã giúp cho những người tù yêu nước vượt qua tất cả mọi thử thách chông gai? Lịch sử là dòng chảy tự nhiên theo quy luật thời gian, nhưng một thời người tù yêu nước đã sống, cống hiến cho cách mạng sẽ luôn được lưu giữ bởi những trang sách do Hội tù yêu nước thành phố Đà Nẵng dày công biên soạn.
Nguyễn Sỹ Long