Báo Công An Đà Nẵng

Nỗi đau còn lại

Thứ ba, 07/07/2009 00:00

(Cadn.com.vn) - Hôm ấy, phòng xử án chật kín người. Có nhiều người là thân nhân của bị cáo, bị hại, nhưng số đông khác có lẽ do tò mò khi nghe thông tin tòa xử vụ “Ba cha con giết người” nên đến để... xem cho biết. Tình tiết vụ án được lật mở sau những phiên tranh luận, xét hỏi những người có liên quan. Và, sau một ngày làm việc căng thẳng của HĐXX, khi vị Chủ tọa phiên tòa đọc lời tuyên án xong, 3 bị cáo được đưa về trại giam, những người tham gia theo dõi phiên tòa lần lượt ra về.

Còn lại một người phụ nữ với bước chân thất thểu tìm đến ghế đá trong khuôn viên tòa án ngồi lặng lẽ, hai hàng nước mắt của bà trào ra thành dòng. Bất ngờ, bà chạy đến nơi có gia đình người bị hại đang đứng và quỳ sụp xuống, hai tay chắp trước ngực rồi cất tiếng van xin: “Xin mọi người hãy tha tội cho chồng và các con của tôi với. Tôi xin mọi người đấy...”. Rồi bà cũng được người thân đến dìu đứng dậy, chân bước đi nhưng mặt vẫn ngoảnh lại nhìn gia đình bị hại với ánh mắt như van lơn, cầu khẩn. Rồi đây, bà sẽ phải sống vò võ một mình khi cả người chồng và 2 đứa con trai phải thụ án trong trại giam.

Có lẽ đối với bà Huỳnh Thị Phượng (1968) - vợ của bị cáo Nguyễn Nở (1965, trú tổ 1, P. Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) chẳng bao giờ hình dung cuộc đời mình sẽ có bước ngoặt lớn đến như vậy. Bước ngoặt ấy không lấy gì làm tốt đẹp mà ngược lại, đưa bà từ một người phụ nữ có gia đình êm ấm, có chồng, hai đứa con trai và làm ăn lương thiện trở thành “trắng tay” khi cả ba thành viên ấy đều phải đi tù, gia đình ly tán mà chưa biết khi nào mới có ngày đoàn tụ. Hậu quả đau lòng ấy được định đoạt chỉ với 5 triệu đồng tiền nợ mà gia đình bà phải trả. Và, bà tự hỏi, nếu lúc ấy gia đình có tiền, nếu chồng và hai con của bà biết bình tĩnh để không nhẫn tâm cướp đi mạng sống của một người và đánh trọng thương một người khác thì câu chuyện của gia đình sẽ không đến nỗi bi đát như ngày hôm nay.

Ba cha con bị cáo Nguyễn Nở trước vành móng ngựa (từ phải qua: Long, Nở, An). 

Tuy nhiên, cuộc sống sẽ chẳng có chữ nếu ấy. Vụ án mà các thành viên trong gia đình bà gây ra đã gây xôn xao dư luận trong một thời gian dài. Và khoảng thời gian ấy bà phải sống trong nơm nớp lo sợ. Bà sợ cho mình thì ít mà lo lắng cho các thành viên còn lại trong gia đình thì nhiều. Bởi một lẽ, bà cảm nhận được rồi đây họ sẽ phải chịu sự trừng trị nghiêm minh của pháp luật.

Trở lại thời gian cách đây tròn một năm, đó là vào khoảng 23 giờ 30 ngày 20-6-2008, Trương Quang Tùng (1978, trú tổ 23, P. Hòa Thuận Tây, Q. Hải Châu) cùng Nguyễn Thiên Vũ (1990), Mai Xuân Vinh (1992), Nguyễn Huy Hoàng (1989, đều trú P. Bình Hiên, Q. Hải Châu) và 2 thanh niên không xác định được danh tính mang theo hung khí đến nhà bà Phượng để đòi nợ. Ông Nguyễn Nở (chồng bà) phát hiện Tùng có hung khí nên la lên kêu cứu. Nghe vậy, Nguyễn Văn An (1990), Nguyễn Văn Long (1989) – là hai con của bà cùng các thanh niên trong xóm đang uống cà-phê ở quán gần đó chạy về dùng ly, chai, gạch, đá tấn công nhóm Tùng. T

ùng kẹp cổ bà Phượng trước cửa phòng ngủ, Vũ chạy vào trong phòng đóng cửa lại trốn. Nguyễn Nở mở cửa sau thoát ra ngoài thì gặp An, Long và Mai Đăng Phúc (1988, trú tổ 1, Khuê Mỹ). Nguyễn Nở bảo An, Long vào lò mổ bò phía sau nhà lấy dao ra chống đỡ. Long vào lấy 2 con dao và đưa cho Phúc 1 con rồi cùng Nở, An, Long, Phúc theo cửa sau vào nhà. An, Long xông vào dùng dao đâm, chém Tùng nhiều nhát, đồng thời Nguyễn Nở dùng tuýp sắt đánh Tùng. Nguyễn Nở và An tiếp tục đạp cửa xông vào buồng tìm Vũ. An dùng dao đâm vào bụng Vũ, Nguyễn Nở tham gia tấn công Vũ và kéo Vũ ra khỏi buồng ngủ. Hậu quả của trận “tấn công phủ đầu” của 3 cha con Nguyễn Nở đã khiến cho Tùng tử vong ngay sau đó còn Vũ bị tỷ lệ thương tật vĩnh viễn 62%. Trải qua một ngày làm việc, căn cứ vào tình tiết vụ án và từng hành vi phạm tội của các bị cáo, Tòa tuyên phạt Nguyễn Văn An án chung thân, Nguyễn Văn Long 19 năm tù và Nguyễn Nở 15 năm tù.

Phiên tòa kết thúc, những người trực tiếp phải gánh chịu hậu quả thì đã rồi, còn nỗi đau tinh thần mà những người thân của họ phải mang theo liệu có gì so sánh, bù đắp nổi. Cái kết cục buồn của câu chuyện trên sẽ mãi là bài học bổ ích cho tất cả chúng ta trong việc đối nhân, xử thế ở đời!

Bà Phượng bật khóc và quỳ xuống van xin
gia đình bị hại tha lỗi cho chồng và các con mình. 

D.H