Báo Công An Đà Nẵng

Nỗi đau con trẻ (Bài 1: Nhức nhối vấn nạn trẻ em bị xâm hại tình dục)

Thứ hai, 15/04/2019 13:56

Thời gian gần đây, nhiều địa phương trên cả nước liên tục xảy ra các vụ xâm hại tình dục trẻ em gây nhức nhối dư luận. Những vụ trẻ em bị xâm hại đều để lại hậu quả rất nặng nề. Bị hại không chỉ tổn thương về thể chất mà còn luôn sống trong sợ hãi và ám ảnh. Đặc biệt các em nhỏ tuổi rất khó hòa nhập lại với cộng đồng. Nhiều vụ việc các bé gái sau khi bị xâm hại tình dục do lo sợ bị trả thù vì bị đe dọa và sự thiếu quan tâm chăm sóc của người lớn, đã không dám lên tiếng tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của kẻ xâm hại dẫn đến bị xâm hại nhiều lần.

Trẻ em cần được bảo vệ tuyệt đối trước vấn nạn xâm hại tình dục. 

Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2018, cả nước phát hiện 1.547 vụ xâm hại trẻ em với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em. Trong đó, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em là 1.269 vụ (chiếm 82% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em) với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 em. Riêng tại TP Đà Nẵng xảy ra 9 vụ, gồm 35 đối tượng xâm hại trẻ và 9 trẻ bị xâm hại. Tuy nhiên, trên thực tế, con số này còn lớn hơn nhiều bởi vụ việc chưa được phát hiện hoặc đã phát hiện nhưng người bị hại hoặc gia đình nạn nhân mặc cảm, ngại làm đơn tố cáo nên vụ việc không được đưa ra ánh sáng.

Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em trái luân thường đạo lý như: cha dượng xâm hại con riêng của vợ, hay cả cha đẻ, ông nội cũng xâm hại trẻ, thầy giáo xâm hại học trò... Sự việc nghiêm trọng như vậy nhưng sau khi xảy ra thì lại có dấu hiệu bị bỏ qua, bị bỏ lọt hoặc rất khó khăn trong quá trình chứng minh tội phạm. Chúng tôi tìm gặp gia đình một số nạn nhân, mong được chia sẻ và thấu hiểu, thế nhưng câu trả lời nhận được khá mù mờ, bởi đa số họ đều sợ ảnh hưởng đến tương lai của con mình sau này, sợ dư luận, sợ điều tiếng xã hội nên tất cả đều từ chối báo chí. Một người mẹ (xin được giấu tên, trú H.Hòa Vang) gạt nước mắt chia sẻ, nhiều năm qua chị ròng rã đi tìm công lý cho đứa con gái sinh năm 2008 của mình (lúc bị xâm hại cháu mới học lớp 1), nhưng đớn đau thay, người xâm hại cháu lại chính là cha đẻ của cháu...

Vì hoàn cảnh khó khăn, người mẹ đi làm giúp việc cho một gia đình ở Q.Hải Châu, con gái ở nhà với cha và gia đình nhà nội để tiện đi học. Trong một lần về thăm nhà, người mẹ phát hiện một dấu hiệu lạ, thấy nghi ngờ nên chị đưa con đi khám ở Trung tâm Y tế H.Hòa vang. Sau khi nghe kết luận của bệnh viện và lời kể của con gái,  chị bàng hoàng, đến trình báo Công an... Chưa bao giờ, bất hạnh cuộc đời lại khiến người phụ nữ này như muốn quỵ ngã như lúc ấy. Chị không thể tin được chính chồng chị xâm hại tình dục chính con gái ruột của mình. Sau khi đi đủ nơi để tìm công lý cho con, nhưng kết quả là con số 0, bởi các cơ quan chức năng cho rằng không thể khởi tố là do sự việc xảy ra quá lâu, không xác định được vật chứng... và người cha một mực phủ nhận toàn bộ lời khai của cháu nên không có chứng cứ để khởi tố vụ án. Tất cả bằng chứng chỉ là lời khai của một đứa bé...

Đó chỉ là một trong nhiều vụ án mà "chứng cứ yếu", không đủ để buộc tội đối tượng xâm hại. Theo báo cáo tham luận của Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) CATP Đà Nẵng tại "Hội nghị triển khai Quyết định số 8316/QĐ-BCA-C02 ngày 26-12-2018 của Bộ Công an về ban hành Hướng dẫn công tác phòng ngừa, nghiệp vụ tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố về tội phạm xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi" cho thấy, việc phát hiện và xử lý các vụ việc rất khó khăn bởi gia đình ít tố giác và nếu tố giác thì chứng cứ cũng không còn. "Vẫn còn nhiều bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý trẻ em, thiếu nhận thức về nguy cơ, thiếu sự quan tâm chia sẻ vấn đề giới tính với trẻ em. Từ đó dẫn đến các em thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, về kiến thức, kỹ năng phòng tránh xâm hại, nhất là xâm hại tình dục. Trẻ em bị xâm hại thường xảy ra ở những nơi có nhiều dân nhập cư, phòng cho thuê, khu vực có đông người lao động nghèo và địa bàn vắng vẻ, nơi đó trẻ thiếu sự quan tâm của cha mẹ. Số vụ xâm hại trẻ em được báo cáo đến cơ quan chức năng điều tra thường được phát hiện chậm dẫn đến thu thập chứng cứ khó khăn, đối tượng không nhận tội hoặc bỏ trốn...", đại diện Phòng CSHS CATP Đà Nẵng cho biết thêm.

Các em học sinh tham gia tập huấn ngoại khóa "Tự bảo vệ mình".

Trong số những vụ án xâm hại tình dục trẻ em, khá nhiều trường hợp nạn nhân rơi vào gia đình có hoàn cảnh tương đối éo le, phức tạp hoặc bố mẹ không hòa thuận, hạnh phúc. Trường hợp vì mưu sinh, bố mẹ để cháu cho ông, bà hoặc người thân trông nom, nuôi dưỡng, còn vợ chồng mỗi người mỗi nơi đi làm ăn xa. Điển hình như vụ án xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn làng cá Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà, người dân ở đây ngày qua ngày bám biển kiếm từng miếng ăn nên con trẻ cũng không được quản lý, giáo dục đến nơi đến chốn.

Đầu tháng 9-2017, Nguyễn Văn Thi (trú P.Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà) đến khu chứa ngư cụ, lưới của ngư dân (P.Nại Hiên Đông) đi vệ sinh thì gặp cháu Huỳnh Thị A. (2004). Thi dỗ A. để quan hệ tình dục và cho cháu A. 10 ngàn đồng. Phát hiện sự việc, gia đình cháu A. trình báo CAQ Sơn Trà, qua điều tra, xác minh, đã đưa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Thi về hành vi "Hiếp dâm trẻ em"... Ngoài ra, việc trẻ em tiếp xúc với Internet vào các trang mạng "đen", các trang mạng xã hội thiếu sự giám sát của cha mẹ dẫn đến có nhận thức không đúng đắn. Trong một số trường hợp, các em yêu đương sớm và bị các đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo quan hệ tình dục...

Nạn xâm hại tình dục trẻ em đang là vấn đề nhức nhối được xã hội quan tâm. Trẻ chỉ mới học cấp 1, cấp 2, thậm chí là chỉ mới 5-6 tuổi, trẻ bị khuyết tật chậm phát triển... tất cả các em đều có thể trở thành nạn nhân của tội phạm xâm hại tình dục. Vấn đề cấp thiết là tìm ra giải pháp phòng ngừa và bảo vệ trẻ em, ngăn chặn, chấm dứt vấn nạn này.

Thanh Hoa

Kỳ tới: Nỗi đau của những đứa trẻ phía sau bản án