Nỗi đau của gia đình có 2 con cùng lâm vào ma túy
Nói đến tệ nạn ma túy, hệ lụy của nó không chỉ với người nghiện mà còn là gánh nặng không nhỏ cho gia đình và xã hội. Chính những người thân của người nghiện ma túy cũng phải chịu nỗi đau gián tiếp nhưng dai dẳng không kém từ “cái chết trắng”.
Ngôi nhà của vợ chồng ông Lê Tự Kim trở nên im ắng khi 2 người con cùng vướng vào ma túy và đối tượng Lê Tự Phong tại Cơ quan CSĐT. |
Những ngày qua, vợ chồng ông Lê Tự Kim (trú thôn Thanh Quýt 3, xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) như ngồi trên đống lửa. Chỉ trong vòng nửa tháng, hai con trai của ông Kim là Lê Tự Sơn (1978) và Lê Tự Phong (1984) đều bị bắt vì liên quan đến ma túy. Quá sốc trước sự việc trên, ông Kim đổ bệnh phải nhập viện điều trị, còn vợ ông ở nhà cùng con dâu lo cho 6 đứa cháu nội đang tuổi ăn tuổi lớn.
Hai con ông Kim là Lê Tự Sơn và Lê Tự Phong mặc dù tuổi đã lớn nhưng không chịu làm ăn lại chơi bời lêu lổng và thường xuyên sử dụng trái phép chất ma túy. Ngày 18-9-2018, CATX Điện Bàn lập hồ sơ đưa Sơn đi cơ sở cai nghiện để xác định tình trạng nghiện, bởi trước đó Sơn có biểu hiện “ngáo đá” đập phá tài sản và đe dọa người khác. Chưa dừng lại ở đó, ngày 24-9-2018, tổ CSGT CATX Điện Bàn đang tuần tra đêm trên tuyến đường nội thị Vĩnh Điện thì phát hiện 3 thanh niên đi xe máy có dấu hiệu nghi vấn nên ra hiệu dừng xe kiểm tra và mời các đối tượng về cơ quan để làm việc. Trong số đó có Lê Tự Phong, khi về đến cơ quan công an, Phong bỏ chạy nhưng lập tức bị khống chế. Qua kiểm tra, lực lượng CA thu giữ trên người Phong 1 gói chất bột màu trắng nghi vấn là ma túy. Cơ quan CSĐT CATX Điện Bàn đã tạm giữ hình sự đối với Phong để phục vụ công tác điều tra.
Trò chuyện với P.V, bà Chi (vợ ông Kim) không giấu nổi những giọt nước mắt vì bất hạnh liên tiếp ập đến gia đình. “Tôi sinh ra 4 người con, 3 trai một gái nhưng giờ hết hai đứa dính vô ma túy rồi tôi nói thật không thiết sống nữa. Xấu hổ với bà con xóm giềng nhưng giờ tôi mà gục xuống thì nhà này chắc loạn. Thương con nhưng mấy ngày nay tôi chưa đi thăm tụi nó được vì sợ gặp nó là không giữ được bình tĩnh. Buồn là vậy nhưng bây chừ tụi nó lớn rồi có làm sai thì phải tự chịu trách nhiệm tôi cũng không biết nên làm sao”. Bà kể: “Vợ chồng tôi làm nghề mổ heo còn mấy đứa con thì buôn bán bò cũng có đồng ra đồng vào. Ngày trước khi chưa vướng vào ma túy, thằng Sơn làm ăn được lắm, vợ chồng chăm chỉ làm ăn nên cũng có tích lũy được vốn liếng. Rứa rồi không biết nghe ai dụ dỗ mà 5 năm trở lại đây nó vướng vào ma túy. Lúc tỉnh thì nói chuyện thấy hiền lành tội lắm còn lúc có ma túy rồi thì chẳng ra gì. Nhiều lần lên cơn nó đánh đập vợ phải chạy trốn thoát thân. Nó chạy sang nhà tôi tìm không thấy thì vác dao ra dọa... Tôi sợ quá phải điện thoại cho chính quyền nhờ can thiệp. Nói thật cha mẹ ai muốn con mình bị bắt đâu nhưng giờ nó không cai được ma túy thì có ngày nó hại cái thân nó, hại cả gia đình”.
Bà Chi còn cho biết, Lê Tự Sơn đã từng đi cai nghiện cách đây 2 năm nhưng lại tái nghiện. Từ khi tái nghiện lần 2 thì trở nên hung hăng và thường đập phá đồ đạc, cắt xén tiền làm ăn để mua ma túy về sử dụng. “Từ chỗ có của ăn của để bây giờ vợ chồng nó phải nợ tiền ngân hàng. Chỉ tội con dâu tôi bị chồng đánh mắng nhưng vẫn lo cho gia đình, một thân lo cho mấy đứa con. Còn thằng Phong mới nghiện sau này nên vợ chồng tôi không biết, chỉ đến khi cơ quan công an xuống báo thì cả gia đình mới phát hoảng. Bây chừ tôi chỉ mong hai đứa con biết hối lỗi, an tâm cai nghiện để trở về với gia đình”, bà Chi buồn rầu nói.
Nhìn gương mặt khắc khổ, cái dáng đi tất tả của bà Chi, tôi vừa thương, lại vừa cảm phục một người đàn bà đã trải qua biết bao nỗi cùng cực của một người mẹ khi có 2 đứa con trai rơi vào vòng xoáy nghiệt ngã của ma túy. Cuộc đời một người phụ nữ không biết đến một ngày an nhàn, hạnh phúc bây giờ chồng thì ốm đau nằm viện, 2 con thì nghiện ngập chưa thấy ngày về. Tôi chợt ước rằng những người lầm lỡ vì ma túy có thể biết được nỗi đau mà họ để lại cho người thân trước khi lao mình tìm vui trong “cái chết trắng”. Để rồi khi những “ảo giác” của ma túy qua đi cái họ để lại chỉ là nợ nần, đau khổ chồng chất cho những người ở lại.
HÀ DUNG