Báo Công An Đà Nẵng

Nỗi đau của nữ giảng viên trẻ

Chủ nhật, 20/10/2013 11:46

(Cadn.com.vn) - Cả hai đều là giảng viên trẻ đang công tác tại một trường đại học (ĐH) ở Huế. Sau nhiều năm yêu nhau nhưng đám cưới của họ không diễn ra theo ý nguyện vì nhà trai ngăn cản. Tuy nhiên, giữa họ có con chung dù không đăng ký kết hôn. Sau đó, người đàn ông đi cưới vợ khác. Uất ức vì người tình bạc bẽo, cô gái đâm đơn ra tòa yêu cầu “xác định cha cho con”.

Hạnh phúc gia đình (ảnh minh họa).

Nhẹ dạ

Sau khi tốt nghiệp ĐH, T.T.B.A. (34 tuổi, quê Quảng Trị) công tác tại một trường ĐH ở Huế. Sau một thời gian đi làm, A. bắt đầu nghĩ đến việc lập gia đình. Trong thời gian này, A. có nhiều tình cảm với anh bạn công tác cùng khoa, đó là H.Đ.L. (35 tuổi, quê TT-Huế). Sau một năm tìm hiểu, lại được các bạn đồng nghiệp vun vén, đến năm 2010, hai người chính thức công khai tình cảm. L. nhiều lần ra quê A. ở Quảng Trị để xin bố mẹ A. cho hai người qua lại. Rồi những ngày lễ, Tết, L. đều theo A. về quê thăm gia đình người yêu... Trong khi gia đình A. vui vẻ chấp nhận tình cảm của hai người thì gia đình L. phản đối kịch liệt khi biết tin sắp có một cô con dâu ngoại tỉnh. Ba mẹ L. yêu cầu con phải dẫn về cho họ một cô gái gốc Huế. “Mẹ anh ấy không thích con gái ngoại tỉnh. Bà nói chỉ có con gái Huế mới đảm đang, tháo vát” - A. cho hay.

Những ngày tháng yêu đương hạnh phúc giữa L. và A. nhạt dần khi mà họ phải đấu tranh để được sống bên nhau. Rồi A. có thai. Đưa giấy khám thai cho người yêu, A. rối bời vì chẳng biết phải xử trí thế nào. Nhưng cô vẫn hy vọng, vì đứa bé, mà gia đình L. sẽ chấp nhận. “Khi chúng em mang giấy khám thai về nhà để xin phép bố mẹ anh ấy cho tổ chức lễ cưới vì em đã trót mang thai, nhưng bố mẹ anh ấy vẫn không chấp nhận. Họ nói em nếu muốn nuôi đứa nhỏ thì sinh, nếu không thì đi phá còn họ không cần cháu”. Nhiều lúc buồn, A. định tìm đến bệnh viện để giải quyết “hậu quả”, nhưng nghĩ đến đứa bé chẳng có tội tình gì và thiên chức làm mẹ nên cô đã cố gắng giữ lại đứa bé. Cũng trong thời gian mang thai, A. luôn đối mặt với những ánh mắt dè bỉu của người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Và, trong lúc đó, điều an ủi lớn nhất đối với A. là L. vẫn sát cánh bên cô và hứa hẹn: “Sinh đứa nhỏ ra rồi về nhà thuyết phục bố mẹ tiếp, thể nào vì thương cháu, hai ông bà cũng cho cưới”.

Không chịu được những lời bàn tán, xì xầm về cha đứa nhỏ là ai, khi mang thai đến tháng thứ 6, A. nhờ chi bộ khoa nơi hai người đang công tác xem xét giải quyết giúp. Thật bất ngờ, trong cuộc họp chi bộ, L. không nhận mình là tác giả của cái thai mà A. đang mang khiến cô như chết đứng. Vậy nhưng khi về nhà, L. tìm cách xoa dịu A. bằng những lời ngon ngọt...

Thời điểm A. sắp sinh nở, L. không còn thường xuyên lui tới dãy nhà tập thể nơi A. sống. Cho đến khi đứa bé sinh được 1 tháng, L. bỗng dưng quay lại, cùng chăm sóc đứa bé và lúc nào cũng xưng là ba. Theo lời kể của A., vì muốn con có đủ cả bố lẫn mẹ nên A. bàn với L. đi làm giấy khai sinh cho con. Nhưng L. không đồng ý và nói: “Cứ khai họ mẹ cho con trước đã, sau này hãy điều chỉnh sau”. Cũng từ đó, những lần đến thăm con của L. thưa dần và sau đó thì chấm dứt hẳn khi L. chính thức công khai có người yêu mới. Cũng đúng lúc này, L. một mực cho rằng, đứa bé A. sinh ra không phải là con mình. Ấm ức vì bị “đá”, A. làm đơn nhờ chi bộ khoa can thiệp. Trong cuộc họp của khoa, lúc đầu L. không thừa nhận là cha của con gái A. Tuy nhiên sau đó L. đồng ý cấp dưỡng cho đứa bé. Khi khoa yêu cầu L. làm văn bản thì anh ta lại khước từ. Trước sự chối bỏ trách nhiệm của người yêu, A. quyết định đâm đơn ra tòa để nhờ xác định L. có phải là cha đứa trẻ hay không.

Nỗi đau còn lại

Theo yêu cầu của nguyên đơn là T.T.B.A., ngày 3-10, TAND TP Huế mở phiên tòa dân sự, xét xử công khai việc “xác định cha cho con”. Có mặt ở phiên tòa, nữ giảng viên trẻ dáng người nhỏ nhắn, hiền lành trông rất mệt mỏi. Còn bị đơn có gửi đơn và xin tòa xử vắng mặt. Trong đơn gửi tòa, bị đơn không đồng ý để xác định ADN. Bị đơn cho rằng: “Đứa trẻ không phải là con tôi. Mối quan hệ giữa tôi với cô A. chỉ là bạn bè đơn thuần nhưng vì là đồng nghiệp nên thường quan tâm, lui tới giúp đỡ”. Ngoài ra, bị đơn cũng yêu cầu tòa không gửi các công văn cũng như giấy tờ liên quan của vụ kiện đến khoa, làm ảnh hưởng đến công tác của bị đơn.

Sau khi nghe nguyên đơn trình bày, HĐXX đã có nhiều câu hỏi chất vấn để làm rõ vấn đề. Khi tòa hỏi vì sao khi đi làm giấy khai sinh cho con, L. lại từ chối? A. nói, khi đó L. bảo giấy CMND bị bố mẹ giữ nên không thể đến phường làm giấy khai sinh. Chủ tọa phiên tòa bảo: “Giấy CMND là giấy tờ tùy thân của mỗi công dân nên người khác không có quyền cất giữ”. “Giấy CMND chứ có phải thẻ tài khoản đâu mà thu giữ”... Chủ tọa phiên tòa giải thích, pháp luật Việt Nam cho phép phụ nữ đơn thân sinh con mà không cần kết hôn. Pháp luật cũng cho phép việc làm giấy khai sinh cho con có đủ cả cha lẫn mẹ dù hai người không phải là vợ chồng và không có đăng ký kết hôn. Chỉ cần CMND và sổ hộ khẩu là có thể tiến hành được thủ tục.

HĐXX cho biết, tòa đã hai lần triệu tập bị đơn đến trung tâm giám định pháp y để xác định ADN nhưng bị đơn không cộng tác. Tòa cũng đã gửi công văn đến khoa nơi trường ĐH mà bị đơn đang công tác để yêu cầu khoa hỗ trợ, tuy nhiên bị đơn cũng một lần nữa từ chối giám định ADN. Ngay cả trong lá đơn xin vắng mặt tại tòa, bị đơn cũng khẳng định mình không đồng ý làm giám định ADN, tuy nhiên lại không nêu rõ lý do. Xét toàn bộ tính chất vụ việc, tòa quyết định công nhận bị đơn H.Đ.L. chính là cha đứa trẻ và quy định tiền cấp dưỡng cho đứa trẻ  là 1,5 triệu đồng/tháng cho đến khi đứa bé tròn 18 tuổi.

Phiên tòa kết thúc, nán lại ở hành lang bên ngoài phòng dự khán chờ tạnh mưa, ánh mắt A. buồn rười rượi. “Con gái em lâu nay vẫn gọi anh L. là ba, mỗi lần anh L. đến nhà, con bé luôn quấn quýt. Nhưng từ ngày anh L. đi lấy vợ thì đứa trẻ bị hắt hủi, tội nghiệp lắm. Nếu như em sinh được con trai, có lẽ gia đình anh L. đã...” - A. nghẹn ngào.

H.Lan