Báo Công An Đà Nẵng

Nỗi đau mang tên chiến tranh

Thứ năm, 27/07/2023 07:50
Nhân dân, cán bộ xã Hòa Phú tổ chức tri ân, an táng HCLS được phát hiện ở Tiểu khu 53.

Trong kháng chiến chống Mỹ, vùng tam giác Phú Túc - Ô Rây - Tống Cói (H. Hiên, Quảng Nam - Đà Nẵng cũ, nay là thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) là địa bàn vô cùng quan trọng. Bởi đây là cửa ngõ từ miền xuôi lên với địa thế hiểm trở, có nhiều cơ quan, đơn vị chọn làm nơi trú quân, chuẩn bị cho công cuộc giải phóng quê hương, đất nước. Giặc Mỹ luôn tăng cường đánh phá ác liệt, hòng ngăn chặn và tiêu diệt lực lượng cách mạng, nên có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống ở vùng tam giác này... “Sau ngày đất nước thống nhất, Hòa Vang sớm có chủ trương xã hội hóa công tác quy tập hài cốt liệt sĩ (HCLS). Tôi và các thành viên trong Đội tìm kiếm, quy tập HCLS xã Hòa Phong (cũ) đã phát hiện, quy tập hàng trăm hài cốt ở các địa bàn vùng thấp về yên nghỉ tại NTLS xã”, ông Đinh Văn Sâm - du kích trong kháng chiến chống Mỹ nhớ lại.

Năm 1986, xã Hòa Phú được thành lập từ việc chia tách địa giới hành chính với xã Hòa Phong. Lúc đó, chính quyền địa phương tiếp tục vận động người dân trong quá trình vào rừng, lên núi mưu sinh nếu phát hiện dấu vết HCLS thì kịp thời tin báo để chính quyền tổ chức quy tập về NTLS xã mới xây dựng. Những địa danh: Sân bay dã chiến Sông Hương (giáp ranh xã Đại Đồng, H. Đại Lộc, Quảng Nam), đồi Nắp Vung, đá Bảy Mẫu, khe Giành (Tiểu khu 53, thôn Phú Túc) đã ken dầy dấu chân các ông Đặng Hoa, Nguyễn Tân Thanh, Phạm Phú Quốc... thuộc Đội tìm kiếm, cất bốc HCLS xã.

Tính đường chim bay chừng 5 cây số, nhưng để đến được nơi phải mất hơn nửa ngày đường; gặp thời tiết không thuận lợi phải căng lều ngủ tạm qua đêm với cơm đùm gạo nắm. Nhiều HCLS khi phát hiện chỉ còn là nắm xương pha lẫn trong đất đá, lúc thì nằm nơi triền núi, chân suối, lúc ở lưng chừng đồi hoặc trong gợp đá dưới hang sâu... “Các anh sinh ra có quê quán, có tên tuổi đầy đủ. Vì lý tưởng độc lập, tự do của dân tộc, các anh đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình và nằm lại nơi rừng sâu heo hút nhưng lại không có bất kỳ môt kỷ vật nào để xác định được tên tuổi, quê quán. Thế hệ chúng tôi luôn cảm thấy mắc một món nợ nghĩa tình với lớp người đi trước, nên giờ xin được dần trả, cố gắng đưa các anh về yên nghỉ cùng đồng đội. Mong rằng, mỗi nén nhang và sự thành kính của người đang sống sẽ làm ấm hơn phần mộ của các anh”, ông Đặng Hoa chia sẻ.

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng những đau thương, mất mát do nó gây ra đến nay vẫn còn hiện hữu trong đời sống của rất nhiều gia đình và xã hội. Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, hàng chục năm qua, công tác tìm kiếm, quy tập HCLS luôn được các ngành, địa phương thực hiện với quyết tâm, trách nhiệm cao nhất là làm sao tìm được để đưa thi thể các liệt sĩ về an táng bên đồng đội và người thân gia đình. Đó là cách để những người ở lại nói riêng, thế hệ hôm nay nói chung tri ân các anh hùng liệt sĩ đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Nguyễn Văn Bửu thổ lộ rằng, mỗi lần có dịp đến NTLS xã dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, ông thường tìm đến dãy có những phần mộ liên tiếp đều cùng một dòng chữ lặng im “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. Lặng lẽ gập người, thắp nén hương thơm mong được góp phần sưởi ấm, tri ân những người đã ngã xuống, lòng ông trĩu nặng, khóe mắt cay cay. Chẳng biết do khói hương hay do chiến tranh đã lùi sâu vào quá khứ nhưng nỗi đau mang tên chiến tranh đến nay vẫn còn dai dẳng?

Vy Hậu