Báo Công An Đà Nẵng

KỶ NIỆM 20 NĂM TP ĐÀ NẴNG TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG:

Nơi kết tinh công sức và tình người

Thứ năm, 15/12/2016 10:00

(Cadn.com.vn) - Nhạc sĩ Quỳnh Hợp, trong bài hát “Đà Nẵng tôi yêu”, phổ thơ của cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh có một đoạn khá súc tích khi nói về Đà Nẵng: “công sức tình người dựng xây thành phố trẻ”. Đoạn lời tuy ngắn nhưng toát lên một ý nghĩa rất sâu sắc về một Đà Nẵng tràn đầy sức sống và ấm áp tình người, một thành phố mà nơi đó mọi người từ người lãnh đạo cao nhất đến người dân bình thường cùng chung sức đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp.

Nhìn lại chặng đường hơn 20 năm từ khi trở thành thành phố trực thuộc trung ương, mới thấy được công sức và tấm lòng của người Đà Nẵng dành cho mảnh đất quê hương mình to lớn và đáng quý đến nhường nào. Để có được những thành quả đáng tự hào trong một quãng thời gian chưa gọi là dài như vậy, bên cạnh việc ban hành những chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, thành phố rất chú trọng các chính sách về an sinh xã hội mang đậm tính nhân văn. Những chính sách đó, không chỉ gây được sự quan tâm, chú ý của cả nước mà điều quan trọng và có ý nghĩa nhất là được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ và tham gia thực hiện. Có thể kể đến những Chương trình lớn như Chương trình “thành phố 5 không”, “thành phố 3 có”. Đó còn là những chủ trương tuy có “quy mô” nhỏ hơn nhưng đều toát lên tính nhân văn rất điển hình mà không phải địa phương nào cũng có và làm được. Có thể kể ra đây một số ví dụ như việc xây dựng “Quỹ hoàn lương”, tạo nguồn quỹ để hỗ trợ cho vay đối với những người ra tù trở về làm lại cuộc đời, đã giúp không ít những con người từng một thời lầm đường, lạc lối, tìm về với nẻo thiện.  Đó là Chỉ thị 24-CT/TU của Thành ủy về  “Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư, vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố”, một Chỉ thị có nội dung hết sức sâu sắc, có tác dụng mạnh mẽ, đã thúc đẩy sự phối hợp giữa các ngành các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội, các doanh nghiệp chung tay thực hiện mục tiêu với nhiều giải pháp có tính sáng tạo, hiệu quả, đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng làm lành mạnh hóa môi trường xã hội, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của thành phố; là Chỉ thị  số 25-CT/TU về “hỗ trợ, giúp đỡ, ngăn chặn các hành vi bạo hành trong gia đình, phòng chống bạo lực gia đình”, khẳng định quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền thành phố trong việc ngăn chặn tình trạng bạo hành trong gia đình, bảo vệ sức khỏe và nhân phẩm cho phụ nữ... Đi vào cụ thể hơn là việc lãnh đạo cao nhất của thành phố, gặp gỡ, đối thoại với những người đàn ông đánh vợ có hệ thống, là chuyện Hội Liên hiệp phụ nữ gặp gỡ nói chuyện với những người vợ của những ông chồng vũ phu... Đó còn  là buổi đối thoại giữa Bí thư Thành ủy với các trẻ em chậm tiến, sau khi các em được cho đi chơi ở khu du lịch Bà Nà và “thăm” Trường Giáo dưỡng Tân Hòa, Trại giam Hòa Sơn. Và cũng ít có nơi nào mỗi khi Tết đến, những người bình dân nhất như bác xe thồ, những anh xe ôm, những hộ đặc biệt nghèo, những hộ bị giải tỏa... được thành phố hỗ trợ tiền ăn tết, dù chỉ là vài trăm nghìn đồng nhưng thể hiện sự quan tâm sâu sắc của thành phố đối với mọi tầng lớp, đặc biệt là những đối tượng có đời sống kinh tế khó khăn nhất.

Hội phụ nữ P.Hòa Thuận Đông (Q.Hải Châu) trao tiền hỗ trợ phương tiện sinh kế hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

 Đó còn là sự quan tâm, sâu sát người dân của lãnh đạo thành phố, nhất là các đối tượng thuộc diện chính sách, các đối tượng trong diện phải di dời, giải tỏa đền bù, hộ đặc biệt nghèo. Đi đâu, từ Nam chí Bắc, mọi người đều biết Đà Nẵng là địa phương làm tốt công tác giải tỏa đền bù, xây dựng cơ sở hạ tầng với tốc độ nhanh vào hàng nhất nhì của cả nước. Để làm được điều đó thì an dân là yếu tố lãnh đạo thành phố quan tâm trước tiên. Nói như lời Cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh: “Dân không an cư thì lãnh đạo thành phố có giỏi bằng trời cũng bó tay thôi”. Đà Nẵng cũng là nơi có những mô hình bệnh viện “không giống ai” như Bệnh viện Phụ nữ, nơi mà phụ nữ nghèo, bất hạnh trên địa bàn thành phố có thể tiếp cận được với những dịch vụ y tế hiện đại nhất và được hưởng chế độ miễn giảm viện phí một phần hoặc toàn bộ;  Bệnh viện Ung bướu, một bệnh viện mà như có một bài viết đã nói đó là “Bệnh viện tình người” vì là nơi giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, tạo cơ hội sống cho những người có hoàn cảnh khó khăn trước căn bệnh hiểm nghèo.

Bên cạnh cái tình của người Đà Nẵng với nhau, ấn tượng của Đà Nẵng còn thể hiện trong cái tình đối với bạn bè trong và ngoài nước. Đó là sự thân thiện, hiếu khách, sẵn sàng hợp tác của người Đà Nẵng với những du khách gần xa từ người dân bình thường nhất đến những chiến sĩ cảnh sát giao thông. Một người bạn của tôi ở miền Bắc, lần đầu tiên đến Đà Nẵng đã thốt lên: “người Đà Nẵng sao mà thân thiện, dễ thương thế!”. Anh nói, chỉ đơn giản việc hỏi đường thôi mà bất kỳ ai cũng hướng dẫn rất tận tình, cặn kẽ, điều mà những thành phố lớn khác không phải lúc nào cũng thuận lợi. Một “chuyện lạ” nữa ở Đà Nẵng nữa là, khi xe ở địa phương khác đến Đà Nẵng, do chưa thuộc đường nên đã đi vào đường 1 chiều, đường cấm nhưng thay vì xử phạt một cách “lạnh lùng” thì CSGT Đà Nẵng chỉ nhắc nhở và hướng dẫn họ đi cho đúng. Đó còn là chuyện cán bộ chiến sỹ Phòng CSGT tổ chức sinh nhật cho 1 cậu bé bị ung thư có ước mong lớn lên làm CSGT hay chuyện Phòng CSGT lập trang facebook tiếp nhận ý kiến của người dân liên quan đến giao thông đô thị...

Có thể nói, những chính sách an dân của lãnh đạo hòa quyện với tính nhân văn, văn hóa của mỗi con người Đà Nẵng đã tạo được sự đồng thuận lớn trong lòng hơn 1 triệu người dân đang an cư ở mảnh đất này. Và cũng chính điều này, đã thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Đà Nẵng cư trú và xem đây là nơi “đất lành chim đậu”. Nêu lên hiện thực trên để từ đó thấy rằng, để có được một Đà Nẵng hôm nay, nguyên nhân sâu xa là xuất phát từ những chủ trương, cách làm đi vào lòng người, nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân. Trong cái lý, cái luật lồng ghép vào đó chữ TÌNH rất rõ nét. Cái TÌNH thể hiện trong các chủ trương của thành phố và bên cạnh đó là cái TÌNH đáp lại của nhân dân thể hiện trong việc hưởng ứng, góp công sức trong việc thực hiện những chủ trương đó. Vì yêu, vì tâm huyết, trách nhiệm với quê hương mà người  Đà Nẵng từ lãnh đạo đến người dân bình thường luôn suy nghĩ những bước đi, cách làm thích hợp nhất để xây dựng thành phố quê hương lớn lên từng ngày. Hai mươi năm đã qua kể từ khi Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, có một “thương hiệu” phi vật thể rất đáng tự hào để nói về thành phố, có thể gói gọn trong 4 từ thay cho đoạn kết của bài viết này là: “ĐÀ NẴNG TÌNH NGƯỜI”.

Dân Hùng